Chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'

Ngày 7-5-1954, sau 56 ngày đêm gian khổ, quân dân ta đã đánh tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng vĩ đại 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Tổng tư lệnh chiến dịch phát lệnh tấn công mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Tỏa sáng bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Theo thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chiến thắng này đã in đậm dấu ấn trong từng quyết sách đúng đắn, sáng tạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng tư lệnh chiến dịch Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ, tinh thần dũng cảm, kiên cường vượt mọi gian khổ, hy sinh của cả dân tộc Việt Nam.

Theo trung tướng TRẦN HOÀI TRUNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học quý giá về tư tưởng chỉ đạo chiến lược nhạy bén, sắc sảo của Trung ương Đảng; sự vận dụng sáng tạo, sát thực tế của Trung ương Cục miền Nam trên chiến trường Đông Nam Bộ. Đó là thắng lợi của đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam; có giá trị to lớn trong xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang nói chung, Quân khu 7 nói riêng trong giai đoạn hiện nay”.

Với những cựu chiến binh (CCB) trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi nhớ về những ngày lịch sử cách đây 70 năm, đều rưng rưng xúc động, luôn tự hào vì họ đã có “người anh cả” tài năng, đức độ, có tâm và tầm chiến lược. CCB Nguyễn Minh Hiểu (94 tuổi, ngụ phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) - người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay từ trận mở màn Him Lam, kể lại: chiều 13-3-1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo. Đại đội 670 của ông cùng Đại đội 58 của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót (thuộc Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312) xông lên mở đường và đánh liên tiếp. Đến quả bộc phá thứ 9, anh Giót bị thương ở đùi nhưng vẫn xung phong đánh quả tiếp theo. Địch tập trung hỏa lực trút xuống như mưa vào trận địa của ta, đồng đội bị thương nhiều.

Lòng căm thù quân giặc lên cao, anh Phan Đình Giót lao lên đánh liên tiếp 2 quả, phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường cho quân ta lên đánh sập lô cốt đầu. Lợi dụng thời cơ địch hoang mang, anh Phan Đình Giót đã lao lên, bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Bất ngờ từ hỏa lực lô cốt số 3 của địch bắn mạnh vào đội hình quân ta. Lực lượng xung kích bị của ta bị ùn lại, anh Phan Đình Giót cố gắng nhích mình lên gần lại lô cốt số 3.

“Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh anh Phan Đình Giót đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên bắn mạnh vào lỗ châu mai rồi hét to “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”, rồi rướn người lấy đà lao cả tấm thân bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của địch bị dập tắt hoàn toàn. Lòng căm thù và quyết tâm trả thù cho đồng đội, các đại đội thuộc Tiểu đoàn 248 ào ào xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ; mở toang cánh cửa Him Lam, tạo điều kiện cho quân ta đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi trọn vẹn chiều 7-5-1954” - CCB Nguyễn Minh Hiểu kể lại.

Thay đổi vận mệnh dân tộc

Theo thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là việc thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” vào cận kề ngày mở đầu chiến dịch.

Cụ Nguyễn Huê (thứ hai từ phải qua) kể chuyện Điện Biên Phủ với các cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyệt Hà

Ngày 30-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký điện báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Bộ Chính trị về phương án tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” và được nhất trí. Sự thay đổi này thể hiện tầm chiến lược của vị Tổng Tư lệnh và khẳng định chủ trương “chớp thời cơ” sát thực tiễn lúc đó. Cao hơn nữa, sự thay đổi thể hiện bản lĩnh trí tuệ mang ý nghĩa quyết định làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan “pháo đài bất khả xâm phạm” của kẻ thù, làm thay đổi vận mệnh cả dân tộc.

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) cho rằng, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” còn là sự kết thúc thắng lợi 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; là sự quyết tâm cao, bền bỉ vượt gian khó cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm của toàn dân tộc...

“Đặc biệt khi ta thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” với một loạt vấn đề đặt ra về mặt tư tưởng phải giải quyết cũng như trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu khó khăn nhưng bộ đội ta đã thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng với sức mạnh phi thường và cuối cùng đã giành thắng lợi trọn vẹn vào ngày 7-5-1954. Đó còn là ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ của bộ đội cùng toàn dân trước vận mệnh dân tộc…”- đại tá Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh.

Quân dân Nam Bộ hướng về Điện Biên Phủ

Tại Nam Bộ, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu vào ngày 13-3-1954, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo dốc toàn lực đẩy mạnh nhịp độ tiến công, phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Các tiểu đoàn chủ lực của các phân, liên khu và các tỉnh kết hợp với bộ đội địa phương tiến công vào vùng địch hậu của các tỉnh như: Gia Định, Thủ Biên, Mỹ Tho, Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, cho hay: “Quân dân Nam Bộ còn hướng về Điện Biên Phủ bằng việc gửi tình cảm chân thành, động viên các chiến sĩ đang chịu đựng gian khổ, trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Phong trào viết thư, gửi điện cho các chiến sĩ Điện Biên Phủ được phát động rộng trong các đoàn thể, tổ chức quần chúng cách mạng như: hội phụ nữ, thanh niên, phụ lão… góp sức làm nên chiến thắng”.

CCB Nguyễn Huê (94 tuổi, ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) là chiến sĩ Điện Biên ngày ấy từng được đọc thư của đồng bào Nam Bộ gửi ra tiền tuyến động viên bộ đội đánh địch. Cụ kể: “Sinh sống ở Xuân Lộc sau Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam cũng là cái duyên, trong đó có động lực tinh thần mạnh mẽ từ những lá thư Nam Bộ thành đồng gửi ra động viên bộ đội ở Điện Biên Phủ”…

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202404/chien-thang-lung-lay-nam-chau-chan-dong-dia-cau-4ec3b86/