Chiến thắng của liên minh trung hữu: Cột mốc chấn động Italy

Chiến thắng của liên minh trung hữu, bao gồm đảng Anh em Italy (FdI) của bà Giorgia Meloni, đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Liên minh cánh hữu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Italy. (Nguồn: AP)

Liên minh cánh hữu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Italy. (Nguồn: AP)

Cái “nhíu mày” lo ngại của Đức và Pháp

Với việc đảng Fdi, một đảng bị xem là theo đuổi các quan điểm cực hữu, bài ngoại cùng các đồng minh giành chiến thắng, Italy sẽ có chính phủ thiên hữu nhất kể từ sau Thế chiến II. Cùng với đó, lãnh đạo của đảng Fdi là bà Giorgia Meloni, 45 tuổi, nhiều khả năng sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Italy.

Cột mốc gây chấn động này đang được châu Âu theo dõi sát sao. Trong khi chiến thắng của bà Giorgia Meloni nhận được sự ủng hộ từ phía Ba Lan và Hungary, thì Đức và Pháp lại “nhíu mày” lo ngại. Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Đức thậm chí cảnh báo rằng chiến thắng của liên minh trung hữu ở Italy sẽ “có hại” cho sự hợp tác của châu Âu. Còn ông Wolfgang Buechner, Phát ngôn viên Thủ tướng Đức chia sẻ: “Italy là quốc gia rất thân thiện với châu Âu, những công dân Italy cũng rất thân thiện. Chúng tôi không mong đợi điều này sẽ thay đổi sau khi một chính phủ cánh hữu lên nắm quyền”.

Lo ngại này xuất phát từ thực tế Italy là nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu và đang phát huy vai trò to lớn bên cạnh hai đầu tàu Đức và Pháp. Đặc biệt, sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), châu Âu đang có xu hướng xây dựng bộ ba Đức -Pháp - Italy làm lãnh đạo trụ cột. Vì thế, mọi thay đổi trên chính trường Italy không chỉ tác động tới người dân Italy mà còn tới cả “lục địa già”. Nó đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa Italy và EU.

Nhiều nhà phân tích đã vẽ lên viễn cảnh Italy sẽ có một chính phủ giống như Hungary, ủng hộ Ukraine nhưng phản đối trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt, hay thậm chí là xung đột với EU về các vấn đề pháp quyền như Ba Lan. Điều này không phải là không có cơ sở bởi hai lãnh đạo đảng khác trong liên minh trung hữu vừa giành chiến thắng là ông Matteo Salvini và ông Silvio Berlusconi đều là những người từng tìm kiếm mối quan hệ thân thiết với Nga và cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thêm vào đó, trong bối cảnh châu Âu đang phải đối phó với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vài thập kỷ cùng nguy cơ khủng hoảng năng lượng cận kề nếu Nga cắt hoàn toàn khí đốt, cũng như nhiều tác động khác về chính trị-kinh tế-xã hội do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra, sự xáo trộn chính trị tại Italy có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến những bất ổn âm thầm giữa các thành viên EU bùng phát mạnh mẽ thêm, tạo ra các tác động dây chuyền, ảnh hưởng đến toàn bộ liên minh.

Bình yên hay bão táp

Theo dự kiến, khi Quốc hội mới Italy họp lần đầu tiên vào ngày 13/10 tới, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu bầu Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện. Sau đó, các nhà lãnh đạo đảng sẽ bắt đầu tham vấn Tổng thống Sergio Mattarella về việc đề cử Thủ tướng. Với tư cách là nhà lãnh đạo của đảng lớn nhất trong liên minh chiến thắng, bà Giorgia Meloni có nhiều khả năng trở thành Thủ tướng. Nguyên thủ quốc gia sau đó sẽ giao cho Thủ tướng việc lên danh sách các bộ trưởng, sẽ phải được Tổng thống xác nhận và sau đó được Quốc hội thông qua bằng bỏ phiếu tín nhiệm.

Quá trình thành lập chính phủ mới ở Italy dự kiến sẽ mất nhiều tuần. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, ứng cử viên tiềm năng nhất là bà Giorgia Meloni đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Phải nói rằng bà Giorgia Meloni đã tạo được ấn tượng với các cử tri khi tuyên bố: “Nếu chúng tôi được trao quyền lãnh đạo quốc gia này, chúng tôi sẽ làm điều đó vì tất cả người dân Italy, với mục đích đoàn kết người dân. Chúng tôi sẽ không phản bội lòng tin của bạn”. Bà cũng gây được sự tin tưởng khi hứa sẽ tập trung vào giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng vốn đang ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống của người dân cũng như các doanh nghiệp. Những giải pháp mà bà đưa ra như tách giá khí đốt và điện, cũng như về khả năng tự cung tự cấp, chuyển sang năng lượng hạt nhân được dư luận đánh giá là phù hợp với tình hình.

Nhưng Italy đang trong giai đoạn rất khó khăn khi tỷ lệ nợ công đã lên mức trên 150% GDP, cùng nguy cơ khủng hoảng năng lượng, suy thoái kinh tế cận kề. Theo ông Sarah Carlson, Phó Chủ tịch Cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody’s, chính phủ mới của Italy sẽ phải xoay sở với gánh nặng nợ, đối mặt với nguy cơ “bị ảnh hưởng bởi diễn biến tăng trưởng âm, chi phí tài trợ và lạm phát”. Italy cũng phải tìm cách thuyết phục EU giải ngân gói trợ giúp phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 lên tới hàng trăm tỷ Euro mà châu Âu dành cho nước này.

Kể từ sau Thế chiến II đến nay, Italy đã trải qua 43 đời thủ tướng và sắp có Thủ tướng thứ tư chỉ trong vòng bốn năm qua. Việc chính trường Italy bất ngờ có những biến động không phải là điều hiếm gặp. Bà Giorgia Meloni có thể duy trì sự yên bình trong giai đoạn cầm quyền, hay chính trường Italy tiếp tục rơi vào bão táp vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

HOÀNG SƠN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-thang-cua-lien-minh-trung-huu-cot-moc-chan-dong-italy-200070.html