Chiến sỹ người Lào Cai tiến công dinh Độc lập ngày 30/4/1975

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm giữ cầu Bông, nằm trên Quốc lộ 1 mở thông đường cho Quân đoàn 3 từ hướng Tây Bắc Củ Chi thọc sâu vào trung tâm đô thành Sài Gòn, sáng sớm ngày 30/4/1975, sau một đêm ém quân ở huyện lỵ Hóc Môn, những chiến sỹ quê tỉnh Lào Cai ở Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A của chúng tôi do Tiểu đoàn phó Phạm Xuân Hùng trực tiếp chỉ huy (sau này ông Phạm Xuân Hùng là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Vit Nam) cùng các đơn vị bạn tiến công đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu, trong đó có dinh Độc lập là sào huyệt cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.

Những chiến sỹ quê Lào Cai chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320A có vinh dự trực tiếp tiến công dinh Độc lập ngày 30/4/1975.

Những chiến sỹ quê Lào Cai chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320A có vinh dự trực tiếp tiến công dinh Độc lập ngày 30/4/1975.

Bộ đội ta hành quân từ hướng thị trấn Hóc Môn, qua Đại lộ Đại Hàn lên ngã tư Bảy Hiền để vào trung tâm nội đô Sài Gòn bằng xe dã chiến và bằng hành quân bộ tốc chiến, nhưng đường phố Sài Gòn chằng chịt ngã 3, ngã 4 không rõ hướng di chuyển. Thế là ai đó có sáng kiến cho phép chặn xe khách, xe buýt, xe ta xi đang đi trên đường phố vào Sài Gòn quen đường chở giúp bộ đội giải phóng tiến công mục tiêu chính dinh Độc lập.

Trên đường đi, chúng tôi xót xa khi chứng kiến cảnh mấy chiếc xe tăng của bộ đội ta đi trước mở đường bị địch bắn cháy, khói vẫn còn bốc nghi ngút ở khu vực cổng Quân trường Quang Trung, đầu đường vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Chúng tôi cảm động trước hình ảnh người dân Sài Gòn không ngại bom đạn, kéo nhau ra vệ đường vẫy tay đón chào đoàn quân giải phóng tiến vào thành phố, nhiều người còn mang quà, bánh, nước uống tiếp tế cho bộ đội. Đồng thời, bà con cũng mang đồ ăn, thức uống cho hàng ngàn binh lính Sài Gòn mới được quân ta phóng thích ngay tại trận ở cửa ngõ thành phố hôm trước, trên người họ chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi cộc...

Xe khách chở bộ đội đang đi vào trung tâm Sài Gòn thì chúng tôi bất ngờ nghe Tổng thống Dương Văn Minh nói trên Đài Phát thanh Sài Gòn đề nghị ngừng bắn để đàm phán. Chỉ huy đơn vị tôi nói tất cả cứ hành quân thẳng hướng dinh Độc lập vì bọn chúng mất đô thành Sài Gòn đến nơi rồi, còn gì đâu mà đòi đàm phán.

Đại tá Ngô Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai thăm mẹ liệt sỹ Đào Nguyên Hồng ở thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng.

Đại tá Ngô Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai thăm mẹ liệt sỹ Đào Nguyên Hồng ở thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng.

Cách mục tiêu dinh Độc lập khoảng hơn 1 km chúng tôi được lệnh xuống xe bám theo đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) hành tiến theo mục tiêu đã định là dinh Độc lập.

Đang hành tiến, tốp chiến đấu 3 người chúng tôi bị ổ hỏa lực súng đại liên từ một ngôi nhà cao tầng gần Đồn Cảnh sát chống trả quyết liệt.

Bạn chiến đấu của tôi là chiến sỹ Đào Nguyên Hồng, sinh năm 1956, quê gốc ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, theo bố mẹ lên khai hoang ở quê mới tại thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) đã hy sinh ngay tại chỗ vì loạt đạn đại liên của kẻ địch.

Sau này, được biết anh là liệt sỹ chống Mỹ cứu nước cuối cùng của tỉnh Lào Cai và là liệt sỹ duy nhất của Sư đoàn 320A, Quân đoàn 3 hy sinh đúng trưa ngày 30/4/1975 cách cổng dinh Độc Lập vài trăm mét.

Sau 47 năm ngã xuống trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn xuân 1975 nhưng gia đình vẫn chưa tìm thấy mộ của liệt sỹ Đào Nguyên Hồng, theo giấy báo tử ghi được an táng tại nghĩa trang Gia Định Sài Gòn.

Mặc dù năm 2020, gia đình mừng hụt vì nhận tin đã tìm thấy mộ chí liệt sỹ Đào Nguyên Hồng nhưng đó là một ngôi mộ của chiến sỹ hải quân, hy sinh tháng 9/1979 ngẫu nhiên trùng đúng họ tên và nguyên quán.

Giấy báo tử của liệt sỹ Đào Nguyên Hồng hy sinh ở dinh Độc lập Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Giấy báo tử của liệt sỹ Đào Nguyên Hồng hy sinh ở dinh Độc lập Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Chuyện khá đặc biệt nay mới xin kể, chiều ngày 30/4/1975, tôi cùng một tổ chiến đấu của Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A, trong đó bạn chiến đấu Nguyễn Minh Chung (nay là thương binh 1/4 ở phường Nam Cường, thành phố Lào Cai) được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ vào kiểm tra dinh Hoa lan nằm trên đường Hồng Thập Tự là tư dinh của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn vừa tuyên bố đầu hàng cách mạng vô điều kiện trên Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.

Khi đó, dinh Hoa lan của Tướng Dương Văn Minh chỉ có một ông già quản gia ở lại, khi chúng tôi tới làm nhiệm vụ, ông lấy nước lọc đóng chai mời uống và vui vẻ dẫn bộ đội giải phóng kiểm tra toàn bộ tư dinh của Tướng Dương Văn Minh.

Phòng khách của dinh Hoa lan trưng bày la liệt các đồ lưu niệm như huân, huy chương, cờ, biển hiệu, dao, kiếm, súng ngắn... chắc là những đồ rất quý giá của Tướng Dương Văn Minh.

Riêng tôi thích nhất tủ trưng bày các loại máy ảnh đẹp, hiện đại nhất thời bấy giờ của ông Dương Văn Minh và thầm nghĩ chủ nhân của nó phải là người thích chụp ảnh hoặc sưu tập máy ảnh.
Quả thực tôi rất thích cái máy ảnh bé bằng bao thuốc lá, bên ngoài mạ vàng trông tuyệt đẹp, nhưng làm sao mà dám lấy làm của riêng được, bởi kỷ luật chiến trường là kỷ luật thép.
Chiều tối muộn, tốp chiến đấu của chúng tôi rời dinh Hoa lan của cựu Tổng thống Dương Văn Minh để cùng cả Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A vào đóng quân trong khuôn viên dinh Độc lập.

Kỷ niệm chúng tôi nhớ mãi lần đầu tiên trong đời, người lính quân giải phóng được ăn cơm với thịt cừu do anh nuôi đơn vị lấy trong kho của dinh Độc lập phục vụ quan chức cấp cao chính quyền Sài Gòn, cùng kỷ niệm vui vô bờ đêm không ngủ, sống trong hòa bình thực sự giữa Sài Gòn hoa lệ.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355816-chien-sy-nguoi-lao-cai-tien-cong-dinh-doc-lap-ngay-3041975