Chiến sự miền Đông Ukraine tới thời khắc quyết định

Trong bối cảnh Nga cố gắng kiểm soát hai thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk để tuyên bố 'giải phóng' hoàn toàn tỉnh Luhansk, người Ukraine vẫn quyết tâm cầm cự.

“Nga đang dồn toàn bộ nỗ lực để cắt đứt Sievierodonetsk”, ông Serhiy Haidai, Thống đốc tỉnh Luhansk của Ukraine, tuyên bố. “2-3 ngày tới sẽ là quãng thời gian quan trọng”.

Trong khi đó, phía bên kia sông Donets, lực lượng Ukraine phòng thủ thành phố Lysychansk có lợi thế về địa hình, nhưng nguồn vũ khí của họ đang dần cạn kiệt.

“Nếu chúng tôi không được giúp đỡ về khí tài quân sự, họ sẽ đánh bật chúng tôi”, ông Oleksandr Voronenko, một sĩ quan cảnh sát quân sự tại Lysychansk, nói với New York Times. “Khí tài bị phá hủy mỗi ngày. Chúng tôi cần có nguồn cung mới để thay thế”.

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ nhận định Nga có thể kiểm soát toàn bộ tỉnh Luhansk “trong vài tuần tới”, sau khi giành được hai thành phố Sievierodonetsk và Lysychansk từ tay quân đội Ukraine, Washington Post đưa tin hôm 12/6.

Giằng co tại Sievierodonetsk

Giới chức Ukraine đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sớm gửi các loại vũ khí tấn công tầm xa, cũng như bổ sung những nguồn cung cơ bản như đạn dược.

Dù vậy, khi tình hình thực địa chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho Nga, các đồng minh của Ukraine phải đứng trước câu hỏi khó: Nên gây áp lực buộc Ukraine chấp nhận một thỏa thuận hòa bình, hay nên tiếp tục viện trợ quân sự với nguy cơ xung đột leo thang.

Khói bốc lên từ Sievierodonetsk, hôm 12/6. Ảnh: New York Times.

“Khi trọng tâm chuyển xuống miền Nam và miền Đông, Nga có tiềm năng gặt hái thành quả lớn hơn nhờ vào quân số lớn và những lãnh thổ mà họ đã kiểm soát”, ông Ian Lesser, Phó chủ tịch Quỹ German Marshall (GMF), nhận định.

“Điều này cũng đặt ra thêm các câu hỏi nghiêm túc, dài hạn về bản chất xung đột, mục tiêu của Ukraine lẫn mục tiêu của phương Tây”, vị chuyên gia nói.

Số lượng vũ khí phương Tây được gửi tới chiến trường không nhiều như Ukraine mong muốn. Thậm chí, các cuộc không kích và pháo kích của Nga còn khiến nhiều vũ khí không tới được chiến trường.

Hôm 11/6, tên lửa của Nga đánh trúng một nhà kho ở miền Tây Ukraine, khiến 22 người bị thương. Theo Bộ Quốc phòng Nga, nhiều hệ thống chống tăng và phòng không được Mỹ và châu Âu viện trợ cho Ukraine đã bị phá hủy trong vụ tấn công.

Trong khi đó, quân đội Ukraine đang phải hứng chịu thiệt hại lớn ở Sievierodonetsk. Trước sức mạnh vượt trội của Nga, Kyiv ước tính họ mất 100-200 quân mỗi ngày.

Dù vậy, Ukraine vẫn đưa hàng loạt binh sĩ và khí tài tới Sievierodonetsk trong nỗ lực bảo vệ thành phố lớn nhất mà nước này còn kiểm soát ở vùng Donbas.

Hôm 12/6, giới chức Ukraine thông báo Nga đã phá hủy thêm một cây cầu nối giữa Sievierodonetsk và Lysychansk. Cây cầu duy nhất còn lại cũng đang hứng chịu pháo kích dữ dội.

“Nếu cây cầu này sụp đổ sau những đợt pháo kích mới, thành phố sẽ thực sự bị cô lập. Sẽ không có cách nào để các phương tiện rời Sievierodonetsk”, ông Haidai nói.

Điểm nóng mới Lysychansk

Nếu Sievierodonetsk thất thủ, Lysychansk sẽ là mục tiêu cuối cùng mà Nga nhắm đến trong nỗ lực giành quyền kiểm soát toàn tỉnh Luhansk.

So với các vùng khác của Donbas, Lysychansk có vị trí phòng thủ thuận lợi hơn khi có địa hình cao hơn so với khu vực xung quanh. Ngoài ra, Lysychansk cũng được ngăn cách với Sievierodonetsk bởi sông Donets. Do đó, binh sĩ Ukraine sẽ nắm giữ lợi thế nhất định.

Người dân di tản khỏi Lysychansk trước nguy cơ chiến sự lan tới thành phố. Ảnh: New York Times.

Dù vậy, nếu không có thực phẩm và đạn dược tiếp tế, thành phố này khó có thể trụ vững. Hiểu được điểm yếu này của người Ukraine, Nga đang đẩy mạnh tấn công theo hướng đông nam nhằm cắt tuyến đường cung cấp tới thành phố.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố “số phận của Donbas được quyết định” xung quanh Sievierodonetsk và Lysychansk, qua đó khẳng định quyết tâm bảo vệ hai thành phố này. Tuy nhiên, nếu Nga tiếp tục tấn công, Ukraine sẽ phải quyết định: Rút lui hoặc bị bao vây.

Sau gần 4 tháng chiến sự, kho đạn pháo của Ukraine đã hao hụt đi khá nhiều, mà chưa thể nhận được nguồn bổ sung đủ nhanh.

Trong khi đó, một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) lo ngại việc gửi quá nhiều viện trợ cho Ukraine có thể ảnh hưởng tới năng lực quốc phòng của chính họ. Với việc châu Âu không có hệ thống quốc phòng thống nhất, các nước vẫn phải tự đi tìm nguồn cung vũ khí, đạn dược cho mình.

Ông Haidai, Thống đốc tỉnh Luhansk, hôm 12/6 cho biết các cuộc pháo kích của Nga nhằm vào Lysychansk đã phá hủy 4 căn nhà, một trung tâm thương mại và khiến một người thiệt mạng. Bất chấp thiệt hại, các binh sĩ Ukraine trên mặt trận vẫn tin tưởng khả năng phòng thủ Lysychansk nếu nhận được nguồn tiếp viện.

“Chúng tôi đang chờ đợi lực lượng tiếp viện”, ông Voronenko nói. “Pháo binh đã đến trong những ngày qua. Nếu chúng tôi có nhiều quân tiếp viện hơn, chúng tôi có thể cầm cự”.

Video tàu chiến Nga bắn loạt tên lửa Kalibr tấn công mục tiêu Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 12/6 đăng video tàu hộ vệ thuộc Hạm đội biển Đen đã bắn 4 tên lửa hành trình Kalibr tấn công hạ tầng quân sự của Ukraine.

Việt Hà

Theo New York Times, Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-su-mien-dong-ukraine-toi-thoi-khac-quyet-dinh-post1325983.html