Chiến sĩ quân hàm xanh nuôi dưỡng những 'chồi non' nơi biên giới, hải đảo (Bài 1): 'Ngôi nhà xanh' nuôi dưỡng ước mơ

Giá trị nhân văn ở ngay tấm lòng của mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi biên giới, hải đảo đã khiến cuộc sống của trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như những đóa 'hoa hướng dương' được 'đón nắng', có cơ hội phát triển tương lai.

Thiếu tá Cao Thanh Lực, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Bát Mọt hỗ trợ các con của thiếu tá Vi Văn Nhất ôn bài.

Những người “bố” mang quân hàm xanh được coi là điểm tựa vững vàng cho các trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biển đảo. Những đứa trẻ ấy lớn lên trong tình yêu thương, sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Những câu chuyện về “Con nuôi đồn biên phòng” càng làm đậm thêm tình đoàn kết quân - dân, viết tiếp câu chuyện đẹp giữa đời thường cho “những bông hoa hướng dương” đón nắng.

Câu chuyện “Con nuôi của đồn”...

Đó là câu chuyện cách đây 10 năm trước của Vi Văn Thắng và Hoàng Văn Tuất, đều sinh năm 2006 ở bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát) được Đồn Biên phòng (ĐBP) Tam Chung đón về nuôi. Hai cậu bé người dân tộc Thái có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều rất đáng thương. Thượng tá Đặng Minh Sơn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thanh Hóa) nhớ như in ngày anh đang công tác tại đồn đón hai con về đồn nuôi dưỡng như con cháu trong gia đình.

Chia sẻ về duyên bố - con này, anh Sơn kể: “Thời gian công tác tại ĐBP Tam Chung, tôi nhận thấy có nhiều cháu nhỏ gặp hoàn cảnh éo le, bố mẹ mất sớm, không người thân nương tựa. Các cháu lớn lên như cây cỏ trên rừng, không được dạy dỗ, uốn nắn. Trong số đó có Vi Văn Thắng, bố nghiện ma túy và mất vì căn bệnh HIV/AIDS. Bố mất, mẹ bỏ về quê ngoại ở Sơn La, con về sống cùng bác ruột và ông nội, gia cảnh cũng rất khó khăn nên không giúp được nhiều cho con.

Cùng chung hoàn cảnh với Thắng, Tuất cũng mất bố; mẹ khăn gói đi làm ăn xa, lâu lâu mới về. Con sống cùng chị gái và bà nội già yếu, mọi sinh hoạt đều nhờ vào các cô, các bác. Cuộc sống nghèo khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc khiến ước mơ đến trường ngày càng xa vời ngay trước mắt, mặc dù cả hai con đều có tố chất thông minh, nhanh nhẹn và khao khát được cắp sách đến trường.

Thương cảm với hoàn cảnh của hai con, anh Sơn đã động viên và đặt vấn đề với gia đình, chính quyền địa phương xin được nhận hai con về đồn trực tiếp nuôi dưỡng, tạo điều kiện đi học. Được Đảng ủy, Chỉ huy ĐBP Tam Chung ủng hộ và họp bàn, thống nhất báo cáo với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đồng ý nhận 2 con về nuôi tại đơn vị và hỗ trợ học tập đến hết lớp 12. Được biết, năm 2013, ĐBP Tam Chung là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh nhận trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nuôi tại đồn và khởi đầu cho sự ra đời của chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai, nhân rộng.

Về sống cùng “bố” Sơn và các “bố”, các chú trong đơn vị, hai cậu bé được bố trí riêng một phòng, có góc học tập đầy đủ đồ dùng cần thiết... và được yêu thương, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, giáo dục, hướng dẫn học tập. Từ ngày có hai đứa trẻ về ở cùng, ĐBP Tam Chung vui hơn hẳn. Thế nhưng, đón các con về ăn ở, học tập cũng khiến cho những người lính biên phòng thêm phần vất vả, bận rộn và cả những lo âu. Hằng ngày, dù nắng gắt hay mưa rừng, các anh cũng cắt cử người đưa đón các con tới trường 4 lượt/ngày, chuẩn bị từng bữa cơm, giấc ngủ cho các con. Tối đến, sáng đèn hướng dẫn, chỉ bảo các con học bài. Vào dịp cuối tuần, ngày lễ, tết, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Tam Chung lại chuẩn bị quà đưa các con về thăm người thân, sau đó lại đón con về đồn.

Từ chỗ thương cảm cho hoàn cảnh đứa trẻ thiệt thòi đến yêu thương, tình cảm của người lính dành cho hai con cứ thế được bồi đắp, lớn dần theo từng ngày, không khác gì tình cha con. Những bỡ ngỡ ban đầu của các con với các chế độ quy định và hoạt động của đơn vị đã dần được thích nghi bằng sự quan tâm, dìu dắt, động viên của “bố” Sơn, cùng các “bố”, các chú trong đồn. Tuất và Thắng tự giác sinh hoạt, giờ nào việc nấy, không còn tự ý ra sông, ra suối tắm; cùng lao động, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh. Xong việc thì ra sân chơi thể thao vui vẻ, học hát...

Không phụ lòng của “bố" Sơn và các chú, Thắng và Tuất đều có thành tích học tập rất tốt. Nhiều năm liền Thắng là lớp trưởng, Tuất là lớp phó học tập. Hai con còn nổi trội với năng khiếu ca hát và kể chuyện, nhất là những câu chuyện về Bác Hồ, hát các bài về BĐBP. Năm 2015, Tuất đạt giải nhất cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp huyện. Năm học 2023-2024 tới, hai con học lớp 12 Trường THPT Mường Lát và đang tiếp tục cố gắng để hiện thực hóa ước mơ trở thành chiến sĩ quân hàm xanh. Thành tích của các con chính là thành quả của sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, là “quả ngọt” cho sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của cán bộ, chiến sĩ ĐBP Tam Chung trong suốt thời gian qua. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời điểm nhận nuôi 2 con tại đồn, ĐBP Tam Chung còn nhận hỗ trợ 5 cháu tại các bản, mỗi cháu 500 ngàn đồng/tháng bằng tiền lương của cán bộ, chiến sĩ.

Gắn kết tình thân nơi biên giới

Vượt hơn 100km, chúng tôi có mặt tại nhà thiếu tá - liệt sĩ Vi Văn Nhất, nguyên là cán bộ thuộc Phòng Phòng chống Ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Thắp nén hương lên bàn thờ liệt sĩ Vi Văn Nhất, mắt ai cũng hoe đỏ nhớ về người cán bộ biên phòng tận tụy, hy sinh vì nhiệm vụ năm 2019. Thiếu tá Cao Thanh Lực, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng ĐBP Bát Mọt, chia sẻ: Sau khi thiếu tá Vi Văn Nhất hy sinh, ĐBP Bát Mọt đã trao đổi cùng gia đình và làm thủ tục theo quy định để nhận hai con của liệt sĩ là Vi Thị Trang Nhi (sinh năm 2015) và Vi Thị Trang Nhung (sinh năm 2018) là con nuôi của đồn, hỗ trợ các con mỗi tháng 700 ngàn đồng/cháu cho đến hết lớp 12. Việc giúp đỡ hai bé được cấp ủy, chỉ huy ĐBP Bát Mọt phân công cụ thể người phụ trách thường xuyên giúp các con việc học tập, sinh hoạt, nắm tình hình và hiện nay, tôi đang đảm nhận thay cho một đồng chí khác điều chuyển công tác.

Các con Vi Văn Thắng và Hoàng Văn Tuất (ngoài cùng bên phải) cùng bạn nhận phần thưởng năm học 2017-2018 tại liên trường Tam Chung. Ảnh: Minh Sơn

Do các bé còn có mẹ chị Lương Thị Chon, giáo viên Trường Mầm non xã Bát Mọt nên hai bé ở với mẹ và bà nội, đến năm 2021, chị Chon chuyển về Trường Mầm non thị trấn Thường Xuân, các bé theo mẹ về thị trấn tiện cho việc học tập, sinh hoạt. Tuy ở xa, nhưng thiếu tá Cao Thanh Lực và gia đình các bé vẫn giữ liên lạc phần vì trách nhiệm của đồn, phần vì nghĩa tình với đồng đội đã hy sinh. Những cái ôm bố nuôi Cao Thanh Lực thật chặt trong những lần gặp gỡ khiến nhiều người cảm nhận được tình cảm chân thành, trách nhiệm của người cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh dành cho các bé và người dân vùng biên giới xa xôi không dễ gì có được. Tiếng cười đùa của 3 bố con khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng, thầm cảm phục các anh - những người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn sống vì mọi người, không chỉ ngày đêm bảo vệ bình yên cho Tổ quốc mà còn nâng đỡ chăm sóc ươm những mầm non tương lai miền biên viễn còn nhiều khó khăn, nhọc nhằn.

Từ câu chuyện "bố" Sơn đến chương trình ý nghĩa

Từ ý nghĩa nhân văn trong câu chuyện của “bố” Sơn, cùng cán bộ, chiến sĩ ĐBP Tam Chung với hai người con nuôi là Thắng và Tuất, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đánh giá rút kinh nghiệm và chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn lực lượng và đã đạt những kết quả bước đầu, tạo chuyển biến tích cực trong công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ vững chắc biên cương, đồng thời xây dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng niềm tin cho dân bản và được Quân ủy Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2014 Cục Chính trị BĐBP đã tổ chức lễ phát động chương trình “Nâng bước em tới trường” trên quy mô toàn quốc. Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các ĐBP rà soát các đối tượng là học sinh trên địa bàn khu vực biên giới, vùng biển nơi ĐBP đứng chân trên địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn cố gắng vươn lên trong học tập để nhận đỡ đầu theo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” trong toàn thể lực lượng cán bộ, chiến sĩ. Thời điểm này, các ĐBP trực thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu 41 cháu.

Để chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” thực hiện hiệu quả, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị, xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện theo hướng thiết thực, hiệu quả, nhân văn, thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam; rà soát, lập danh sách nhận đỡ đầu, lập hồ sơ nhận con nuôi tại ĐBP đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong đơn vị và địa bàn, vận động mọi cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia đóng góp công sức, kinh phí để thực hiện chương trình với sự tự nguyện, ý thức, trách nhiệm cao nhất. Đồng thời, đưa nội dung chương trình vào nghị quyết lãnh đạo thường xuyên và các kế hoạch chuyên ngành để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của đơn vị. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở các phòng, ban, đơn vị tổ chức sơ kết, tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm. Từ đó làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn của chương trình và nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Chương trình được thực hiện và nhân rộng tạo điều kiện cho các con, các cháu học sinh có đủ điều kiện đến trường học tập, rèn luyện tiếp tục nối dài những ước mơ, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với Nhân dân trên hai tuyến biên giới cùng xây dựng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chương trình đã được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao.

Được nuôi nấng bằng tình yêu thương, được sống trong môi trường quân ngũ, những ước mơ xanh đang được dưỡng mầm chờ ngày đâm chồi.

Lê Hà - Hoàng Lan

Bài 2: Bồi đắp niềm tin yêu cho đồng bào hai tuyến biên giới.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-si-quan-ham-xanh-nuoi-duong-nhung-choi-non-noi-bien-gioi-hai-dao-bai-1-ngoi-nha-xanh-nuoi-duong-uoc-mo/188829.htm