Chiến lược phát triển lực lượng xe tăng đầy khó hiểu của Trung Quốc

Nếu nhìn vào tổng thể, chiến lược phát triển và sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Trung Quốc hiện nay, có nét gì giống Liên Xô trước kia; khi phát triển những MBT hiện đại song song với các loại xe tăng cũ, lạc hậu.

Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Liên Xô là quốc gia đi đầu trong phát triển và sản xuất các loại xe tăng chủ lực (MBT). Có những MBT Liên Xô chỉ sản xuất và trang bị cho các đơn vị tinh nhuệ, nhưng không được xuất khẩu do giá thành đắt đỏ, như T-64 hay T-80; tuy nhiên có những MBT được sản xuất với số lượng lớn, giá thành rẻ, để trang bị đại trà và xuất khẩu như T-72.

Ngành công nghiệp sản xuất xe tăng chiến đấu của Trung Quốc được Liên Xô giúp đỡ xây dựng từ giữa thập niên 1950, với MBT chủ lực là Type 59 (bản sao của T-54) với hơn 10.000 chiếc được sản xuất. Hiện Type 59 vẫn là loại MBT chiếm số lượng nhiều nhất trong Quân đội Trung Quốc.

Sau thập niên 1990, nhờ sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển một số thiết kế MBT tương đối có năng lực. Hiện Trung Quốc có 3 mẫu thiết kế xe tăng riêng biệt, được sản xuất cho Quân đội của họ và 2 mẫu xe tăng khác được sản xuất dành riêng cho xuất khẩu.

Loại MBT hiện đại nhất của Trung Quốc là Type 99A, được đưa vào trang bị từ năm 2011 và theo một số đánh giá, đây là xe tăng chiến đấu thế hệ ba, có khả năng nhất trên thế giới.

Type 99A có giáp phản ứng nổ và composite tiên tiến, hệ thống liên lạc kỹ thuật số, pháo 125mm có thể bắn nhiều loại đạn chuyên dụng và thiết bị gây nhiễu tên lửa chống tăng bằng laser. Tháp pháo góc cạnh với các tấm composite và lớp giáp mô-đun, mang lại mức độ bảo vệ cao.

Với việc Trung Quốc ưu tiên phát triển Hải quân và Không quân hơn nhiều so với Lục quân; lý do phần lớn từ vị trí địa lý của Trung Quốc, có thể bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra của phương Tây, đều sẽ đến bằng đường biển; nên Trung Quốc đã không triển khai số lượng lớn Type 99A cho các đơn vị thiết giáp của mình, do giá rất cao.

Để thay thế số Type 59 đã rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đại, Trung Quốc đã phát triển một mẫu MBT rẻ hơn, có thể trang bị số lượng lớn cho Quân đội nước này, đó là Type-96 (tương tự như xe tăng chủ lực T-72 trong Quân đội Liên Xô trước kia).

Xét về số lượng được triển khai, Type 96 là một trong những loại xe tăng nhiều nhất thế giới trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, chỉ xếp sau T-90 của Nga, với 2.500 chiếc trong biên chế PLA, bao gồm 1.500 biến thể Type 96A cải tiến và 1.000 chiếc Type 96 ban đầu.

Thiết kế xe tăng thứ ba và thứ tư của Trung Quốc là VT-4 và Type 15, VT-4 là xe tăng có trọng lượng trung bình, được phát triển trên phiên bản Type-96, mục đích chế tạo dành riêng cho xuất khẩu và Type 15 là xe tăng hạng nhẹ, được chế tạo dùng cho chiến đấu ở địa hình đồi núi và đổ bộ.

MBT VT-4 đã được xuất khẩu sang Thái Lan, Nigeria và Pakistan với giá thành tương đối rẻ, nhưng có lớp giáp tương đương 700mm thép đồng nhất (RHA). Lớp giáp bảo vệ hai lớp bao gồm giáp composite và giáp phản ứng nổ, mang lại khả năng sống sót cao; cùng với đó là hệ thống điều khiển hỏa lực tương đối tiên tiến.

Loại xe tăng Type 15 nhẹ hơn Type 99 khoảng 40% và là loại xe tăng hiện đại duy nhất của Trung Quốc không sử dụng pháo 125mm, mà sử dụng pháo 105mm giống những chiếc xe tăng cũ của Trung Quốc là Type 59.

Type 15 dựa vào các loại vũ khí như tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser, đạn xuyên giáp động năng để bù lại kích thước và trọng lượng của xe. Type 15 được đánh giá cao nhờ khả năng hoạt động hiệu quả ở các khu vực miền núi phía tây Trung Quốc, mang lại lợi thế đặc biệt quan trọng so với nước láng giềng Ấn Độ.

Mặc dù đã phát triển một số MBT có tính năng tương đối tiên tiến, nhưng đáng chú ý là Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất các phiên bản cải tiến của dòng MBT Type 59. Các biến thể đáng chú ý nhất là Al Zarrar được phát triển cho Pakistan và Al Kafil-1 được phát triển cho Iraq.

Được đưa vào trang bị từ năm 2004, xe tăng Al Zarrar có nhiều cải tiến, như sử dụng động cơ có công suất lớn hơn 22% so với Type 59; trang bị pháo nòng trơn 125mm và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại. Khoảng 500 chiếc Al Zarrar đã được sản xuất cho Quân đội Pakistan, nhưng hiện nay Al Zarrar không còn được sản xuất.

Là phiên bản kế nhiệm của Al Zarrrar và đại diện cho một cải tiến triệt để hơn nữa của Type 59, mà hầu như không thể nhận ra so với nguyên bản, Al Kafil-1 đã được lắp ráp ở Iraq, bằng các linh kiện của Trung Quốc. Tuy nhiên trong cuộc chiến chống khủng bố, nhiều chiếc Al Zarrrar đã bị phá hủy; hiện tại Iraq đang nhập khẩu xe tăng T-90S từ Nga.

Hiện nay, Trung Quốc có nhiều lớp xe tăng được sản xuất hơn bất kỳ nước nào khác. Với hầu hết các quốc gia chỉ sản xuất một lớp duy nhất, ví dụ như M1 Abrams của Mỹ hoặc K2 Black Panther của Hàn Quốc. Nga, quốc gia kế nhiệm Liên Xô, cũng chỉ sản xuất hai xe tăng là T-90 và T-14.

Hiện Trung Quốc hiện đang sản xuất 3 mẫu MBT cho Quân đội của họ và 2 chiếc nữa dành riêng cho xuất khẩu. Tuy nhiên việc duy trì quá nhiều mẫu MBT trong một lực lượng vũ trang, sẽ dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; đồng thời khó tập trung nguồn lực, để đầu tư cho việc nâng cấp. Nguồn ảnh: Pinterest.

Type 99 - cỗ xe tăng hiện đại nhất trong biên chế Quân đội Trung Quốc. Nguồn: Xinhua.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/chien-luoc-phat-trien-luc-luong-xe-tang-day-kho-hieu-cua-trung-quoc-1555658.html