Chiến lược mới phát huy thế mạnh cảng biển

Quảng Ninh có tiềm năng lợi thế rất lớn để phát triển vận tải biển và dịch vụ logistics với hạ tầng giao thông, dịch vụ đa dạng. Để phát triển đồng bộ và hiệu quả những lợi thế 'vàng' này, tỉnh đã xây dựng hướng đi chiến lược và triển khai nhiều biện pháp đồng bộ với mục tiêu định vị tiềm năng, phát huy lợi thế từ biển, góp phần quan trọng sớm đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm dịch vụ - du lịch - thương mại hiện đại của cả nước.

Tàu hàng quốc tế vào làm hàng tại khu vực neo đậu nước sâu Hòn Miều.

Tàu hàng quốc tế vào làm hàng tại khu vực neo đậu nước sâu Hòn Miều.

Là một cực trong tam giác kinh tế tăng trưởng phía Bắc, Quảng Ninh có 250km bờ biển kéo dài với trên 6.000km2 diện tích mặt biển, nhiều cảng nước sâu ít bồi lắng; tỉnh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc. Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại (Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg) thuộc nhóm I, là cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng, có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế... Hiện tuyến đường biển của Quảng Ninh đảm nhận khoảng 8,3% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 11,3% khối lượng vận chuyển hành khách, chiếm 40,5% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển khu vực phía Bắc.

Để phát huy được hết những tiềm năng, lợi thế và tạo thuận lợi cho vận tải biển và dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ, trên cơ sở bám sát vào những mục tiêu và nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, địa phương đã lên kế hoạch, xác định rõ lộ trình, giải pháp và phân công nhiệm vụ chi tiết. Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, đột phá, nhất là trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển.

Một trong những giải pháp căn cơ đã được triển khai mang lại hiệu quả cao chính là việc tích cực ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền đến cảng tại các đơn vị có liên quan như: hải quan, biên phòng, Cảng vụ Hàng hải. Trong đó, nổi bật là Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã áp dụng thực hiện thủ tục điện tử cấp độ 4 đối với tất cả các tàu biển đến, rời cảng biển Quảng Ninh. Từ đầu năm đến nay, số lượng hồ sơ điện tử được phê duyệt trên cổng thông tin một cửa quốc gia của đơn vị đạt gần 5,6 nghìn hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tác động đến hoạt động vận tải cảng biển và dịch vụ logistics, tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Đồng thời, đặt ra lộ trình phát triển với mục tiêu phấn đấu cụ thể trong từng giai đoạn. Trước mắt, giai đoạn 2019-2025, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 25.000 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 17,5%, đóng góp khoảng 1,2-1,5% trong GRDP của tỉnh), sản lượng hàng hóa đạt 114,5-122,5 triệu tấn; lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt. Giai đoạn 2026-2030, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 47.500 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 18,5%, đóng góp khoảng 3-3,5% trong GRDP của tỉnh)…

Đến năm 2045, định hướng phát triển cảng biển và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác, phát triển 20/20 dịch vụ, phát triển hậu cần sau cảng và logistics theo quy hoạch. Trong đó, tập trung khai thác tối đa quy hoạch khu bến Yên Hưng (Đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên), biến nơi đây thành trung tâm dịch vụ cảng biển của khu vực miền Bắc, mang đặc thù là nơi cung cấp các dịch vụ logistics cho hệ thống các cảng của TP Hải Phòng.

Hoa tiêu Cảng vụ Hàng Hải hướng dẫn tàu hàng quốc tế vào vị trí neo đậu và làm hàng trên cở sở đảm bảo nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hoa tiêu Cảng vụ Hàng Hải hướng dẫn tàu hàng quốc tế vào vị trí neo đậu và làm hàng trên cở sở đảm bảo nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Với nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh và những quyết sách chiến lược của tỉnh trong thời gian qua, sản lượng hàng hóa và tàu thuyền thông qua cảng biển Quảng Ninh đã luôn duy trì được sự phát triển. Trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng bình quân 16%/năm. Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng hoạt động hàng hải tại cảng biển Quảng Ninh vẫn được duy trì thông suốt. Hàng hóa thông quan qua cảng đạt trên 60,4 triệu tấn, đạt 82% so với cùng kỳ và tổng số lượt tàu thuyền thông qua cảng đạt gần 72.000 lượt.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23-4-2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển và ưu tiên phát triển cảng, bến gắn với dịch vụ hậu cần sau cảng. Đặc biệt, sẽ tập trung phát triển các khu hậu cần đủ lớn tại các cảng biển với hệ thống sân bãi, kho hàng lớn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, luân kho, lưu chuyển, logistics; tiếp tục rà soát, cập nhật, triển khai linh hoạt, có hiệu quả các quy định, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo thuận lợi, phục vụ tốt hơn cho việc cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu trong chuỗi cung ứng làm cơ sở để phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển bền vững hơn.

Minh Đức (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127413/chien-luoc-moi-phat-huy-the-manh-cang-bien