Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada có gì mới?

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Canada xác định khu vực này đóng vai trò quan trọng trong suốt tiến trình định hình tương lai của nước này. Theo đó, Ottawa công bố lộ trình toàn diện để tăng cường sự tham gia ở khu vực năng động này trong thập niên tới, qua đó đóng góp hơn nữa cho hòa bình, an ninh và tăng trưởng kinh tế tại đây.Thúc đẩy hợp tác với ASEAN

Canada xác định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng suốt tiến trình định hình tương lai. TRONG ẢNH: Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia ngày 15-11. Ảnh: CANADIAN PRESS

Bên cạnh tiết lộ cách thức tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một điểm đáng chú ý khác chính là cam kết nhiều nguồn lực hơn để cạnh tranh với Trung Quốc nhưng vẫn duy trì hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để giải quyết một số áp lực hiện hữu chung của toàn cầu.

Xác định các mục tiêu chiến lược

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh, mọi vấn đề quan trọng đối với người dân - gồm an ninh quốc gia, kinh tế thịnh vượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, giá trị dân chủ, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và quyền con người - sẽ được định hình bởi các mối quan hệ của Canada (cùng các đồng minh và đối tác) với các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, Ottawa khẳng định, khu vực này đang mang đến những cơ hội mới, đòi hỏi sự thay đổi mang tính thế hệ trong chính sách đối ngoại của Canada, để bảo đảm người dân của nước này và trong khu vực nói chung được hưởng lợi từ sự tham gia của Ottawa.

Nguyên lý trung tâm của chiến lược là hành động vì lợi ích quốc gia của Canada, bảo vệ các giá trị của nước này; đồng thời định vị Canada như đối tác đáng tin cậy đối với khu vực. Giai đoạn 5 năm đầu tiên trong chiến lược bao gồm các sáng kiến mới, với nguồn vốn đầu tư khoảng 1,72 tỷ USD. Trong hai năm 2026 và 2027, chính phủ sẽ cập nhật các sáng kiến và nguồn lực cho giai đoạn 2027-2032.

Chính phủ Canada xác định chiến lược là nỗ lực chung của toàn xã hội, với 5 mục tiêu chiến lược liên kết với nhau: thúc đẩy hòa bình, khả năng phục hồi và an ninh; mở rộng thương mại, đầu tư và sự phục hồi của chuỗi cung ứng; đầu tư và kết nối giao lưu nhân dân giữa Canada với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; xây dựng tương lai xanh và bền vững, tập trung vào giảm phát thải khí carbon; hướng tới mục tiêu trở thành đối tác tích cực và gắn kết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, Canada sẽ thúc đẩy sự hiện diện của hải quân trong khu vực, tăng cường can dự quân sự và năng lực tình báo như một phương tiện giảm thiểu các mối đe dọa đối với an ninh khu vực.

Vừa hợp tác vừa cạnh tranh với Trung Quốc

Theo Reuters, chiến lược dài 26 trang đề cập tới Trung Quốc đến hơn 50 lần, qua đó cho thấy cam kết ứng phó với Trung Quốc nhưng vẫn chú trọng “bắt tay” với cường quốc này về các vấn đề biến đổi khí hậu, thương mại và sức khỏe toàn cầu. Cụ thể, bên cạnh tăng cường quân sự và an ninh mạng, Canada sẽ thắt chặt các quy tắc đầu tư nước ngoài để bảo vệ tài sản trí tuệ và hạn chế các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tiếp cận nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng trong khu vực.

Chiến lược nêu rõ: “Cách tiếp cận của chúng tôi được định hình bởi sự đánh giá thực tế và rõ ràng về Trung Quốc ngày nay. Trong những lĩnh vực có bất đồng sâu sắc, chúng tôi sẽ thách thức Trung Quốc”. Tuy nhiên, Canada cũng thừa nhận: “Với quy mô và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, cần phải duy trì hợp tác với nước này để giải quyết một số áp lực hiện hữu của thế giới, chẳng hạn như trong biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, sức khỏe toàn cầu... Nền kinh tế Trung Quốc mang đến những cơ hội đáng kể cho các nhà xuất khẩu Canada”.

Theo các nhà phân tích, Canada - đồng minh của Mỹ - đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc tạo dựng mối quan hệ với Trung Quốc. Thực tế, chính quyền của Thủ tướng Trudeau muốn đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại và kinh tế vốn đang phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Dữ liệu trong tháng 9-2022 cho thấy thương mại song phương với Trung Quốc chiếm dưới 7% trong tổng số kim ngạch thương mại của Canada, so với 68% của Mỹ. Việc Canada tiếp cận các đồng minh châu Á cũng diễn ra trong bối cảnh Washington ngày càng tỏ ra “khoan dung” hơn đối với thương mại tự do trong những năm gần đây. Đáng chú ý, chiến lược được công bố vào thời điểm quan hệ song phương Canada-Trung Quốc có dấu hiệu lạnh nhạt. Đầu tháng này, Canada yêu cầu 3 công ty Trung Quốc thoái vốn đầu tư vào các khoáng sản quan trọng của Canada vì lý do an ninh quốc gia.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy Canada sẽ khẳng định mối quan hệ với ASEAN ở cấp độ đối tác chiến lược; tìm kiếm tư cách thành viên trong hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM +) và hội nghị cấp cao Đông Á; tăng cường đóng góp cho quỹ Ủy thác kế hoạch hành động ASEAN-Canada; xúc tiến hiệp định thương mại tự do Canada-ASEAN; khởi động Cổng thương mại Canada ở Đông Nam Á - điểm thâm nhập thị trường và chất xúc tác để nâng cao vị thế của Canada với tư cách là đối tác thương mại và đầu tư.

THƯ LÊ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202211/chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-canada-co-gi-moi-3931569/