Chiến hạm Montana của Mỹ và Bismarck của phát xít Đức, bên nào thắng?

Chiến hạm Montana của Mỹ và Bismarck của Đức một thời được coi là những niềm hi vọng lớn của mỗi nước, song một tàu thì không bao giờ được chế tạo, tàu còn lại thì bị đánh chìm không lâu sau khi hạ thủy.

Với chiều dài 280m, chiến hạm lớp Montana dài hơn tàu Iowa và tàu sân bay lớp Essex 30m. Loại siêu chiến hạm này được cho là có trọng lượng vào khoảng 70.000 tấn, nặng hơn bất kỳ các tàu chiến nào khác mà Mỹ đang có. Kích thước của nó được cho là sẽ khiến tàu không thể đi qua kênh đào Panama, và theo kế hoạch ban đầu sẽ có 5 tàu lớp Montana được chế tạo.

Mô hình chiến hạm lớp Montana của Mỹ.

Chiến hạm Montana cũng được trang bị một lớp giáp rất dày: theo một số nguồn thông tin, vỏ tàu được ốp bằng những tấm giáp kim loại dày 40cm, gấp 3 lần so với các chiến hạm được chế tạo trước đó của Mỹ. Giáp của các tháp pháo trên tàu có độ dày lên đến 48cm, và dưới đáy tàu còn có một lớp giáp khác dày 45cm để chống chịu bị ngư lôi bắn trúng.

Mỗi tàu Montana có 12 pháo hạng nặng, nhiều hơn số pháo của tàu Iowa và tàu lớp Vua George V của Anh. Loại pháo mà tàu Montana được trang bị cũng giống với Iowa, có cỡ nòng 40cm và dài 20m và sử dụng đạn pháo nặng hơn 1,2 tấn. Ngoài ra, tàu còn có 20 pháo hạng nhẹ và tổng cộng 96 pháo cao xạ các loại. Đây là điều đáng chú ý bởi khi tàu được thiết kế, sức mạnh của máy bay chiến đấu đối với các tàu chiến lớn vẫn chưa được khẳng định.

Trong khi đó, chiến hạm Bismarck được coi là đỉnh cao của ngành đóng tàu quân sự của Đức. Được bắt đầu chế tạo vào năm 1936 và được hạ thủy bốn năm sau đó. Tàu Bismarck có chiều dài 250m và năng 50.000 tấn, lớn hơn gấp rưỡi chiến hạm lớp Bayern, tàu chiến lớn nhất phục vụ trong Thế chiến I của Đức. Tàu có tốc độ tối đa vào khoảng trên 30 hải lý/giờ.

Tàu Bismarck có 4 tháp pháo chính, mỗi tháp có 2 khẩu hạng nặng có cỡ nòng 38cm, bắn đạn pháo xuyên giáp nặng 816kg. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 12 pháo hạng nhẹ cỡ nòng 150 ly và 16 pháo cỡ nòng 105ly. Số pháo cáo xạ của Bismarck cũng chỉ có 28 khẩu, ít hơn nhiều so với chiến hạm Montana. Lớp giáp của tàu Bismarck cũng rất đáng nể. Thân tàu được ốp những tấm giáp kim loại dày 32cm, đáy tàu còn có thêm lớp giáp dày 22cm và lớp giáp bao quanh tháp pháo là 36cm.

Chiến hạm Bismarck của Phát xít Đức.

Số phận của cả hai tàu đều không tốt đẹp. Trong khi tàu lớp Montana không được đưa vào chế tạo như kế hoạch đã đề ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tàu Bismarck bị đánh chìm trong một trận hải chiến chỉ 13 tháng sau khi được hạ thủy.

Vậy nếu giả sử hai tàu chiến khổng lồ này đối đầu nhau, bên nào sẽ thắng? Xét về số vũ khí được trang bị, có thể thấy rằng tàu Montana có ưu thế hơn hẳn tàu Bismarck khi có số lượng pháo nhiều hơn và sức công phá cao hơn. Nếu cuộc đối đầu kéo dài, tàu của Mỹ có thể sẽ có nhiều phát bắn chính xác, gây thiệt hại nặng nề cho tàu Đức.

Tàu Montana cũng có lớp giáp dày hơn chiến hạm Đức rất nhiều. Mặc dù trên lý thuyết pháo của tàu Bismarck có thể xuyên thủng tàu Montana, song trên thực tế với lớp giáp của tháp pháo tàu Montana, việc xuyên thủng với loại pháo mà tàu Bismarck đang có gần như là không thể. Ngược lại, tàu Bismarck gần như không thể đối đầu trực diện với tàu Montana do trang bị cũng như khả năng chống chịu sức công phá kém hơn rất nhiều.

Lợi thế duy nhất mà tàu của Đức có so với Mỹ, đó là nó nhanh hơn một chút. Mặc dù tàu Bismarck chỉ nhanh hơn tàu Montana 1,5 hải lý/giờ, nếu hai tàu ở khoảng cách đủ xa, tàu Bismarck có thể thoát thân khi cần thiết. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, tàu Bismarck sẽ bị tàu Montana đánh bại nhanh chóng nếu đối đầu nhau.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chien-ham-montana-cua-my-va-bismarck-cua-phat-xit-duc-ben-nao-thang-post207691.info