Chiêm ngưỡng những báu vật Hoàng cung tại Hoàng thành Thăng Long

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh thành tổ chức trưng bày 'Báu vật Hoàng cung Thăng Long' tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhằm giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất, được khai quật từ năm 2002 đến nay.

Bắt đầu từ năm 2002, trên diện tích khai quật lớn nhất của nước ta, tại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội), một hệ thống di tích, di vật vô cùng phong phú, đa dạng đã được phát lộ. Ngành khảo cổ đã khám phá một quần thể dấu tích kiến trúc cung điện, lầu gác của Hoàng thành cùng vô số đồ dùng, vật dụng của các vương triều.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện công ước Di sản thế giới và 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh thành tổ chức trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” nhằm giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật tại Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long từ năm 2002 đến nay.

Bộ sưu tập “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” đang được giới thiệu tới du khách.

Thạp gốm hoa nâu có nắp, thân trang trí hoa sen dây, thời Trần thế kỷ XIII-XIV.

Nhiều đồ dùng của nhà vua thời Lê sơ như đĩa lớn, đĩa nhỏ, bát gốm... với thành ngoài văn cánh sen, thành ngoài và trong lòng vẽ rồng.

Mô hình kiến trúc xanh lục thời Lê sơ, thế kỷ XV.

Chậu gốm hoa nâu thời Trần, thế kỷ XIII - XIV.

Bình rượu gốm hoa nâu, thân tạo hình bông sen, thời Lý, thế kỷ XI-XII.

Chậu gốm men trắng, chân đế trổ thủng văn hoa cúc dây thời Lý, thế kỷ XI-XII.

Liễn gốm men ngọc thân tạo nổi vân cánh cúc, thời Trần, thế kỷ XIII- XIV.

Nậm và chén rượu nhỏ men trắng (hàng trên) được làm ở làng gốm Bình Giang (Hải Dương), thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII- XVIII. Bên cạnh là bát nhỏ hoa lam trang trí văn chấm dài. Hàng dưới là bát nhỏ hoa lam và đĩa nhỏ với thành ngoài và trong lòng vẽ chim phượng, rồng. Đây là đồ dùng của vương hậu, thời Mạc, thế kỷ XVI.

Thanh kiếm cẩn tam khí hình nhân vật và hoa lá, châm cài tóc đồng; nhẫn mặt khắc hình âm dương bạc; vòng đeo tay đồng.

Bát men sứ trắng mỏng thấu quang, trong lòng in nổi hình rồng và chữ Quan. Đồ dùng nhà vua thời Lê sơ, thế kỷ XV.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên khu di tích giới thiệu công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo của hiện vật để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và tính sang quý của đồ gốm ngự dụng.

Những hình ảnh trình chiếu tái hiện cung điện nhà Lý và bức tường bao thể hiện Hoàng cung xưa kia.

Lê Phú/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/anh/chiem-nguong-nhung-bau-vat-hoang-cung-tai-hoang-thanh-thang-long-20220912211403100.htm