Chiêm ngưỡng ngôi nhà với nhiều cổ vật ở Đồng Tháp

Chủ nhân của ngôi nhà cổ này là anh Nguyễn Đình Tuấn (50 tuổi, ngụ khóm 2, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Hơn 20 năm ngược xuôi sưu tầm, trong nhà anh Tuấn giờ có nhiều cổ vật trị giá nhiều tỷ đồng.

Thỏa niềm đam mê

Xuất thân nông dân nhưng anh Tuấn lại có niềm đam mê chơi đồ cổ. Cũng chính vì điều này đã thôi thúc anh ngược xuôi tìm kiếm và mua được nhiều món đồ độc, lạ.

Đơn cử như ngôi nhà cổ Nam bộ của anh Tuấn nằm ở số 17, khóm 2, thị trấn Lai Vung (Đồng Tháp) xây dựng theo kiến trúc "Đông - Tây hội ngộ". Ngôi nhà có ba gian, hai chái; diện tích trên 200m2.

Theo anh Tuấn, ngôi nhà cổ này là loại nhà rường Nam bộ được phục chế lại vài năm trước bằng các loại gỗ quý, chi phí khoảng 2-3 tỷ đồng.

"Để có ngôi nhà đậm chất Nam bộ như hiện tại, tôi phải mua ba ngôi nhà cổ khác rồi lựa chọn, tận dụng lại những cột, kèo, mái ngói... còn sử dụng được.

Sau đó, tôi thuê nhiều thợ chuyên phục chế nhà cổ ở các tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu đến thi công", anh Tuấn cho biết thêm.

Cũng theo anh Tuấn, trong số ba ngôi nhà cổ mà anh mua, có một ngôi nhà ở tỉnh Tiền Giang, anh phải rất khó khăn mới sở hữu được. Sau thời gian dài thuyết phục, chủ nhà phải họp họ tộc bàn bạc mới thống nhất bán. Dù đã 130 năm tuổi nhưng ngôi nhà chưa hư hao nhiều theo thời gian.

Điều đặc biệt là những tấm liễn khắc luôn vào thân cột, chứ không treo như nhiều ngôi nhà cổ Nam bộ khác là tấm liễn được dán vào cột.

Trong ngôi nhà cổ của anh Tuấn có ba tủ thờ tượng trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam.

Ghé thăm ngôi nhà của anh Tuấn, PV ngỡ ngàng khi bên trong có rất nhiều món đồ cổ lớn nhỏ do anh sưu tầm ở trong và ngoài tỉnh như: bàn, ghế, tủ thờ, giường ngủ, chậu kiểng, cặp lộc bình bằng đồng đỏ, cặp hạc đứng trên mai rùa bằng đồng, bộ tách trà có kiểu dáng như vỏ ốc, đèn treo có từ thời Pháp thuộc, tượng Phật, ổ khóa, bàn ủi, thanh kiếm cổ...

Theo gia chủ, trong nhà có ba tủ thờ, tượng trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam.

Nhưng anh thích nhất là cái đặt giữa nhà. Tủ thờ này khoảng 140 năm tuổi, được làm rất tinh xảo, tỉ mỉ với nhiều hoa văn. Đã có người hỏi mua lại với giá 500 triệu đồng mà anh Tuấn chưa bán.

Anh Tuấn còn là chủ nhân của cặp lộc bình bằng đồng đỏ nặng trên 200kg (hơn 100kg/cái) và cặp hạc bằng đồng.

"Cách đây hơn 20 năm, tôi đến nhà một người bạn chơi, thấy có cặp liễn và giường ngủ mà chủ nhà không dùng nữa. Tôi đã mua về rồi bắt đầu từ đó, tôi đam mê chơi đồ cổ và bỏ công sức, tiền bạc đi săn lùng đồ cổ", anh Tuấn kể.

Nhìn chung, bộ sưu tập đồ cổ của anh Tuấn chủ yếu là các vật dụng của tầng lớp giàu có xưa sử dụng. Trong số những món đồ mà anh Tuấn sở hữu, có nhiều món tuổi thọ hàng trăm năm, giá trị rất cao.

Nổi bật nhất, độc đáo nhất là chiếc giường ngủ lát đá, khiến người nằm lên nó cảm thấy ấm vào mùa lạnh, mát mẻ vào mùa nắng nóng.

Chiếc giường dài khoảng 2,5m, rộng 2m được làm từ gỗ, chạm khắc tinh xảo, khảm ốc xà cừ toàn bộ và mặt giường có gắn 8 tấm đá cẩm thạch.

Phía trên trần của chiếc giường được ghép từ những thanh gỗ đen bóng, người lớn đu lên vẫn không gãy.

Anh Tuấn cho biết: "Sau gần 5 năm "canh me", đến năm 2012, tôi mới mua được chiếc giường quý này ở tỉnh Tây Ninh với giá thời điểm đó là 1,8 tỷ đồng. Hiện tại, giá trị chiếc giường tăng lên nhưng tôi không có ý định đổi chủ cho nó".

Ấp ủ làm du lịch

Niềm đam mê đồ cổ của anh Nguyễn Đình Tuấn dần dần "lây" sang người em ruột sinh đôi là anh Nguyễn Đình Kiệt (50 tuổi, ngụ thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp).

Anh Kiệt cho hay: "Thấy anh Tuấn chơi đồ cổ, từ từ tôi cũng mê. Hai anh em thường để ý, tìm mua những món đồ cổ gần xa. Có khi, người nhiều tiền cũng không thể mua được món đồ cổ mà mình thích.

Ngôi nhà cổ Nam bộ cùng những món đồ cổ bên trong là nơi để thờ cúng ông bà, tổ tiên của chúng tôi.

Những vật dụng xưa cũ giúp chúng tôi hoài niệm về quá khứ. Con cháu biết nhiều hơn về lịch sử, truyền thống của dân tộc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trưng bày một số vận dụng có tuổi thọ cao như: chén, dĩa, ấm nước, bộ tách trà...".

Do có sự yêu thích đặc biệt với đồ cổ nên đối với anh Tuấn và anh Kiệt, những món đồ mà hai anh sưu tầm được đều vô giá và cũng chưa có ý định bán lại. Việc sẵn sàng chi mạnh tay để sở hữu món đồ mình ưng ý, có lẽ chỉ những người thật sự đam mê đồ cổ mới hiểu.

Chiếc giường lèo được anh Tuấn kỳ công sưu tầm được trưng bày trong ngôi nhà cổ.

Đến tham quan ngôi nhà cổ của anh Tuấn, chị Nguyễn Bích Liễu (40 tuổi, ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) tỏ ra rất thích thú: "Tôi ở gần đây và cũng thường xuyên ghé thăm ngôi nhà cổ của anh Tuấn vì thích thú. Ở đây có nhiều món đồ cổ độc, lạ mà trước đây tôi chưa từng thấy bao giờ".

"Tôi thích nhất là chiếc giường lèo vì nhìn chiếc giường tôi lại nhớ đến câu nói "một vợ thì nằm giường lèo" để nhắc nhở nhau về đạo vợ chồng.

Do vậy, khi đến đây tham quan, tôi được tận mắt chứng kiến những đồ vật mà nhiều năm trước được người dân hay dùng", anh Trần Văn Dương (45 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ.

Anh Tuấn nói: "Tôi đang hoàn thiện một số hạng mục cần thiết nữa sẽ mở nơi đây thành điểm du lịch. Mục đích là để cho nhiều người có cùng đam mê đồ cổ như tôi đến đây tham quan và tìm hiểu".

"Qua tìm hiểu, chính quyền địa phương cũng thấy trong nhà anh Tuấn hiện đang trưng bày rất nhiều cổ vật quý hiếm. Đã khuyến khích anh Tuấn phát triển thành điểm du lịch nhằm tạo nên sự phong phú về sản phẩm du lịch hiện có trên địa bàn huyện Lai Vung.

Do vậy, khi anh Tuấn cần hỗ trợ thì huyện sẵn sàng giúp đỡ để định hình địa điểm của anh Tuấn phát triển loại hình du lịch như thế nào cho phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách mỗi khi có dịp ghé thăm", ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó chủ tịch UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) thông tin.

Một số hình ảnh về ngôi nhà cổ của anh Nguyễn Đình Tuấn (50 tuổi, ngụ khóm 2, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp):

Ngôi nhà cổ của anh Nguyễn Đình Tuấn (50 tuổi, ngụ khóm 2, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp).

Mặt trước căn nhà cổ của anh Nguyễn Đình Tuấn.

Bên trong căn nhà cổ 3 gian này chứa hơn 100 món đồ cổ quý hiếm.

Bộ bàn ghế được cẩn xà cừ rất tinh xảo.

Chiếc giường nóng, lạnh được anh Tuấn sưu tầm rất quý hiếm.

Chiếc máy hát đĩa vẫn còn sử dụng được.

Chiếc điện thoại để bàn được anh Tuấn kết nối để liên lạc.

Bộ ấm trà "siêu to" được trưng bày trong nhà cổ.

Sau nhiều năm sưu tầm, anh Tuấn có được nhiều vật dụng dùng trong gia đình rất giá trị.

Những thanh kiếm và mũ đội của tướng sĩ ngày xưa.

Nhiều vật dụng cổ được sử dụng hàng ngày đang trưng bày tại nhà cổ của anh Tuấn.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chiem-nguong-ngoi-nha-co-voi-nhieu-co-vat-o-dong-thap-192240327105031103.htm