Chiêm ngưỡng bộ dụng cụ dệt vải cổ xưa của đồng bào Thái ở Anh Sơn

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, diện mạo xã Thành Sơn (Anh Sơn) đang khởi sắc từng ngày. Điều đáng quý là dù có những đổi thay song đồng bào Thái nơi đây vẫn bảo tồn được nếp nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm và những dụng cụ dệt vải từ xa xưa…

Đồng bào Thái ở xã Thành Sơn nổi tiếng với câu nói: “Gái thạo thêu thùa/Nam giỏi đan lát”, nay dưới những mái nhà sàn, vẫn còn những khung cửi ngày ngày đều đặn tiếng thoi đưa. Ảnh: Thanh Phúc

Dụng cụ dệt ngày xưa đều do người dân tự chế tác. Hiện ở bản Mới, thôn Vĩnh Thành còn rất nhiều hộ lưu giữ những dụng cụ dệt vải từ xa xưa như: nong tằm, dụng cụ tách bông xa kéo sợi, quay sợi, khung cửi… Ảnh: Hoài Thu

Gia đình ông Lương Minh Thu, bà Vi Thị Duyệt hiện vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn bộ dụng cụ dệt vải từ ngày xưa, cách đây cả nửa thế kỷ. Ảnh: Thanh Phúc

Chiếc nong nuôi tằm được đan bằng mây này có tuổi đời gần bằng tuổi của chủ nhân. Bà Vi Thị Duyệt cho biết: “Cũng phải 50-60 năm gì đó. Về làm dâu nhà chồng đã thấy cái nong này, khi đó, nó đã bóng lên theo thời gian rồi”. Ảnh: Hoài Thu

Còn ông Lương Văn Thu, chồng bà Duyệt thì lại nhớ rất rõ dụng cụ bật bông này. Bởi nó do tự tay ông tạo nên. Dụng cụ này gồm một chiếc cung bật bông được chế tác từ cần tre nhỏ, dài khoảng 1m, có gắn dây cung bện từ sợi cây gai và khi tách bông thì có 1 thúng đựng được đan bằng tre để khi bật bông không bay bụi. Nay nó không còn được sử dụng nhưng vẫn được ông cất giữ cẩn thận ở gian nhà ngang. Ảnh: Thanh Phúc

Còn chiếc xa kéo sợi này cũng đã thành đồ lưu niệm của gia đình ông Thu. Xa sợi gồm sườn cây đặt bằng phẳng sát đất, dài khoảng 1 đến 1,2m; một đầu là cái dày làm bằng mây, giống như cái bánh xe, có tay quay nối liền với đầu bên kia là trục cây có gắn một đoạn thanh sắt nhỏ thẳng khoảng 20 cm vào ống tre. Những sợi vải được quay, thu vào thanh sắt nhỏ. Khi quay xa phải đều tay, nhịp nhàng giữa tay xe sợi và tay quay xa chỉ mới đều, đẹp, sợi mới dai để dễ dệt thành vải. Ảnh: Hoài Thu

Chiếc nồi đồng ước chừng trăm năm tuổi này được dùng để nấu lá rừng, vỏ cây rừng thành nước để nhuộm vải, nhuộm sợi dệt với màu sắc thuần tự nhiên, rất bền màu và độc đáo. Ảnh: Thanh Phúc

Chiếc giỏ này giống như chiếc rương ở vùng xuôi, dùng để đựng những tấm vải thổ cẩm sau khi đã được dệt xong. Chiếc giỏ được đan tỉ mỉ, công phu hoàn toàn bằng sợi mây đã được luộc và hun khói bếp nên rất bền bỉ. Dù đã trải qua hàng chục năm nhưng chiếc giỏ mây này vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Hoài Thu

Chiếc đèn này là vật dụng dùng để thắp sáng, treo đầu khung cửi để dệt vải vào những đêm tối trời. Đèn được thắp sáng bằng mỡ gia súc, gia cầm, bấc đèn là bông đã được xe sợi. Ảnh: Thanh Phúc

Từ bộ dụng cụ dệt, những xấp vải thổ cẩm nhiều màu sắc ra đời, nhờ bàn tay tài hoa, khéo léo của người phụ nữ Thái tạo nên những bộ trang phục, những chiếc khăn piêu, vỏ chăn, vỏ đệm, vỏ gối hay các phụ kiện túi, ví, mũ, thú bông màu sắc sặc sỡ, đa dạng về mẫu mã, hoa văn... Ảnh: Hoài Thu

Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm ở Vĩnh Thành được khôi phục với 4 tổ dệt được thành lập, tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động nông nhàn. Ông Đào Anh Tân - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: “Nhiều hộ dân ở Thành Sơn vẫn giữ được những dụng cụ dệt thổ cẩm từ xa xưa. Đó vừa là kỷ vật của mỗi gia đình nhưng chứa đựng giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái. Do đó, chúng tôi vừa vận động người dân bảo tồn nhà sàn truyền thống, vừa kêu gọi đồng bào giữ gìn những đồ vật cổ xưa như dụng cụ dệt vải, nồi đồng, mâm đồng, đồ chài lưới…”. Ảnh: Thanh Phúc

Clip: Phúc - Thu

Thanh Phúc - Hoài Thu

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/chiem-nguong-bo-dung-cu-det-vai-co-xua-cua-dong-bao-thai-o-anh-son-post287813.html