Chiêm ngưỡng 10 loài chim quý như vàng, độc lạ nhất Việt Nam

Việt Nam rất đa dạng về chim. Trong đó, có những loài chọn cách xuất hiện nổi bật với vẻ ngoài độc đáo mang những nét đặc trưng đẹp, quý và lạ.

Cú muỗi mỏ quặp: Đây là loài chim đẹp, quý và lạ, thường cư trú tại những khu rừng lá rộng. Thông thường, khó để gặp được loài chim này bởi chúng thường sống ở khu vực cao từ 900-1.900 m. Ngoài ra, với bộ lông màu nâu đen, có điểm các chấm trắng nhỏ, cú muỗi mỏ quặp dễ dàng ẩn mình vào môi trường xung quanh.

Khát nước: Loài chim Khát nước đẹp và lạ có phần thân trên màu đen nhạt, cổ màu hung vàng và cánh màu hung đỏ. Đặc biệt, vào mùa sinh sản, chúng thường đẻ từ 1-2 trứng và ký sinh trong tổ của các loài khướu.

Bắt cô trói cột: Loài chim đẹp này có phạm vi sống rộng và có thể tìm thấy trên khắp cả nước. Nguồn gốc tên gọi kỳ lạ của loài chim này liên quan nhiều đến tiếng kêu của chúng. Ngoài ra, chim cũng có thói quen ký sinh trứng vào tổ loài khác, ví dụ như chèo bèo.

Chích chòe nước đốm trắng: Đây là loài chim sống định cư dọc theo các suối đá ở vùng rừng núi, nơi có độ cao khoảng 900-2.500m. Loài chim này thường được tìm thấy ở Afghanistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam...

Nuốc bụng đỏ: Loài chim đẹp này phân bố khắp các vùng rừng trong cả nước. Độ cao phân bố trong khoảng 50-2.600 m.

Cà kheo mỏ cong: Đúng như tên gọi, loài chim này có mỏ dài và cong ở cuối. Chúng thường kiếm ăn ở các vùng nước nông như ao, hồ, bãi triều ven biển, sông lớn.

Đầu rìu: Loài chim này có kích thước cơ thể nhỏ, chỉ từ 27-32,5 cm. Chúng có màu sắc sặc sỡ, đặc biệt ở phần cổ, đầu và mào – nhân tố chính tạo ra tên gọi của chúng.

Hoét mặt đỏ: Loài chim này di cư từ phương Bắc về đến Việt Nam. Chim trống có đặc điểm mặt và ngực màu vàng hung tươi rất dễ nhận. Chúng thường sống trong những khu rừng xanh, độ cao khoảng 1.500m, đôi khi có thể gặp ở vườn.

Sả mỏ rộng: Loài chim này thường sống tại các sông, hồ lớn hoặc khu vực gần rừng lá rộng. Sả mỏ rộng có ngoại hình cực kỳ bắt mắt với màu xanh chủ đạo ở đôi cánh, vàng ở cổ. Đặc biệt, chiếc mỏ của loài chim này rất dài và to.

Chim Đuôi cụt bụng đỏ: Đây là loài di cư từ phương Bắc xuống Việt Nam. Đây là một loài chim dạng sẻ nhỏ. Hiện, số lượng suy giảm nhanh chóng do nạn phá rừng trong phạm vi sống của nó, chủ yếu do nông nghiệp và lấy gỗ.

Lách tách đầu đốm: Sinh cảnh chính của loài chim này là rừng lá rộng, rừng thứ sinh ở độ cao 1.000-3.100 m, vì vậy không dễ dàng để gặp được những loài chim này. Lách tách đầu đốm có thân hình khá nhỏ, chỉ từ 10,5-12 cm.

Mời độc giả xem video:Xe khách chèn ép, quyết không nhường đường cho xe cứu thương. Nguồn: THDT.

PV (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/chiem-nguong-10-loai-chim-quy-nhu-vang-doc-la-nhat-viet-nam-1956962.html