Chiếm đoạt tiền chuyển khoản nhầm bị xử lý ra sao?

Chuyên gia pháp lý cho rằng, việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác và có thể sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt cao nhất lên tới 5 năm tù.

Chân dung Hoàng Việt Anh mà Công an quận Thanh Xuân đang truy tìm. Ảnh: Công an cung cấp

Được chuyển tiền nhầm nhưng không chịu trả

Ngày 24/3, CA quận Thanh Xuân, Hà Nội đang xác minh đơn tố giác đối với Hoàng Việt Anh, SN 1992, trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, hộ khẩu thường trú tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Theo đơn trình báo, ngày 1/9/2023, ông T, SN 1951, hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa, Hà Nội có chuyển số tiền 500 triệu đồng cho con trai nhưng do thao tác trên điện thoại đã chuyển nhầm vào tài khoản ngân hàng đứng tên Hoàng Việt Anh. Sau đó gia đình ông T đã liên lạc nhiều lần với Hoàng Việt Anh nhưng đối tượng đã sử dụng hết số tiền trên nên không trả lại tiền cho ông T. Sự việc được trình báo CQCA.

Quá trình điều tra, xác minh, CA quận Thanh Xuân đã nhiều lần thông báo yêu cầu Hoàng Việt Anh hoàn trả tiền cho ông T nhưng đối tượng cố tình không trả và bỏ đi khỏi nơi cư trú. Để phục vụ điều tra, CA quận Thanh Xuân quyết định truy tìm đối tượng trên.

Mới đây, CATP Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông N.T.S.E, SN 1981, hộ khẩu thường trú trên địa bàn TP Hà Nội, tạm trú tại TP Dĩ An, để tiếp tục điều tra về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Theo hồ sơ, tháng 12/2021, ông K không cẩn thận nên đã chuyển nhầm đến tài khoản của ông E số tiền 300 triệu đồng. Phát hiện mình đã chuyển nhầm, ông K tiếp tục chuyển thêm các khoản nhỏ và ghi chú xin được nhận lại tiền; đồng thời liên hệ ngân hàng làm việc với ông E. Thế nhưng, ông E không hợp tác và không trả lại tiền cho ông K. Sau đó, ông K đã trình báo sự việc với CATP Dĩ An. Tiếp nhận tin báo, CATP Dĩ An đã mời ông E lên làm việc, giải thích, vận động chuyển trả lại tiền nhưng người này không hợp tác.

Sẽ bị xử lý hình sự?

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, có thể hiểu, chiếm giữ trái phép tài sản là việc cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không tiến hành giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản không may bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định. Như vậy, theo cách hiểu trên, người thực hiện hành vi vi phạm có được tài sản là do bị giao nhầm, do mình tìm được hoặc nhặt được. Khi chủ sở hữu, người quản lý tài sản yêu cầu được nhận lại tài sản nhưng người này cố tình không trả lại sẽ được xác định là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn, điểm đ khoản 2 Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội như sau: nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng. Điểm b khoản 4 Điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.

Ngoài ra, người có hành vi trên có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 176, Bộ luật Hình sự năm 2015. Thời điểm được xem là hoàn thành tội phạm được bắt đầu tính từ lúc sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản nhưng vẫn cố tình không trả lại.

Thời điểm này có thể là ngay sau khi có yêu cầu trả lại tài sản hoặc ngay sau khi thời hạn người yêu cầu đưa ra chính thức kết thúc. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội này với lỗi cố ý. Người phạm tội biết tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình, biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài sản hoặc phải giao nộp cho cơ quan Nhà nước có trách nhiệm.

Về hình phạt, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, Điều 176, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Còn nếu chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Như vậy, với số tiền 500 triệu đồng mà Hoàng Việt Anh chiếm giữ và số tiền 300 triệu đồng mà N.T.S.E chiếm giữ, nếu bị chứng minh có tội thì những đối tượng này có thể đối mặt khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù.

Điều 579, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chiem-doat-tien-chuyen-khoan-nham-bi-xu-ly-ra-sao-374670.html