Chiếc thìa gây bão mạng

Hình ảnh chiếc thìa giấy của một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh ở Hong Kong bị biến dạng đã làm dấy lên lo ngại về việc sử dụng các lựa chọn thay thế cho đồ dùng bằng nhựa.

Trước lệnh cấm tiêu thụ sản phẩm phục vụ ăn uống bằng nhựa dùng một lần tại các nhà hàng ở Hong Kong, một bức ảnh về chiếc thìa giấy "sũng nước" của Cafe de Coral bất ngờ lan truyền trên mạng xã hội hôm 4/4, theo SCMP.

Cụ thể, bức ảnh cho thấy một vị khách đang cố gắng ăn bát mì bằng thìa, được dán nhãn "có thể phân hủy tại nhà". Thế nhưng, phần thìa tiếp xúc với nước dùng đã bị uốn cong khi thực khách ăn được nửa bát và rất nhanh sau đó thì không thể sử dụng tiếp.

Chủ nhân bài đăng Facebook là Sam Leung đã viết: "Đây được gọi là thìa giấy gia cố?".

Chiếc thìa giấy bị biến dạng. Ảnh: Sam Leung/Facebook.

Những lo ngại về một số sản phẩm thân thiện với môi trường đã được "châm ngòi" bởi bài đăng này, thu hút khoảng 1.600 lượt tương tác, bao gồm một vài người dùng thắc mắc liệu sự mỏng manh của chiếc thìa có bị phóng đại hay nó đã được để trong nước dùng quá lâu.

Phóng viên sau đó đã kiểm tra độ bền của thìa bằng cách cho chúng vào bát cháo, súp cavatappi (loại pasta hình xoắn ốc - PV) và bi tai bak (món ăn ở Singapore và Malaysia) mua từ Cafe de Coral. Chiếc còn lại được đặt trong cốc nước cất ở nhiệt độ phòng để đối chứng.

Kết quả là 4 chiếc thìa đều bắt đầu mềm sau một giờ, dù 2 chiếc trong súp cavatappi và bi tai bak vẫn cứng hơn một chút so với 2 chiếc kia - chúng thậm chí không thể sử dụng sau 4 giờ. Lý do có thể là chất lỏng trong nước cất và cháo tiếp xúc trực tiếp với thìa, trong khi các nguyên liệu ở súp và bi tai bak có thể cản bớt sự tiếp xúc.

Từ đây, phó giáo sư Vicki Fong Lai-ying chuyên ngành khoa học thực phẩm tại Viện Giáo dục Đại học và Công nghệ Hong Kong, cho biết: "Loại dao kéo này về cơ bản không đủ tiêu chuẩn nếu nó biến dạng khi tiếp xúc với nhiệt". Do đó, chuyên gia đề xuất các đơn vị sản xuất vật dụng thân thiện với môi trường nên dán tem nhãn chịu nhiệt để trấn an nhà cung cấp thực phẩm cũng như người tiêu dùng.

Cafe de Coral đã không trả lời yêu cầu bình luận. Ảnh: Shutterstock.

Mỗi dụng cụ sử dụng phụ gia hóa học khác nhau làm chất liên kết giúp cố định hình dạng sản phẩm, nghĩa là khả năng chịu nhiệt không giống nhau. "Nếu sản phẩm có khả năng chịu nhiệt trên 75 độ C, nó sẽ an toàn khi ở trong thực phẩm nhiệt độ thấp. Nhưng nếu nó bắt đầu mềm ở 40 hoặc 50 độ, vật liệu được sử dụng để chế tạo dụng cụ sẽ có thể bị chảy ra", bà Fong cho biết.

Sau cùng, các chuyên gia như bà đều đồng tình rằng mọi người không cần quá lo lắng bởi chất lượng sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được cải thiện để phục vụ lối sống không đồ nhựa.

Các cơ quan môi trường Hong Kong sẽ đưa ra lệnh loại bỏ nhựa dùng một lần vào ngày 22/4, bao gồm đồ dùng bằng styrofoam (một loại nhựa mềm, nhẹ, thường màu trắng, dùng để giữ nhiệt - PV) như dao, kéo và ống hút được cung cấp trong dịch vụ ăn uống mang đi. Khách hàng ăn tại chỗ cũng sẽ không còn được sử dụng cốc và hộp nhựa dùng một lần.

Nhà chức trách trước đó cho biết lệnh cấm không nhắm vào người dùng cá nhân, mà là các doanh nghiệp, bao gồm nhà hàng và khách sạn.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chiec-thia-giay-than-thien-voi-moi-truong-bat-ngo-noi-tieng-post1468960.html