Chiếc áo không làm nên thầy tu!

Điều quan trong là chất lượng cán bộ, chứ vẻ bề ngoài lịch lãm chẳng nói lên được điều gì…

Ông V., cán bộ Tòa án huyện Cai Lậy, ăn vận lịch sự khi bị đánh ghen ở quán cà phê chòi

Chiều 6.9, UBND P.7, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã ra quyết định xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng đối với thẩm phán Lê Thường Vụ, Chánh tòa Hình sự thuộc TAND tỉnh Cà Mau vì hành vi đánh phụ nữ. Nạn nhân là bà Phan Thị N. (ngụ xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, Cà Mau), bị ông Vụ đánh vào ngày 9.6, tại một khách sạn ở phường 7, TP.Cà Mau.

Theo Báo Thanh Niên, trình bày của bà N. cho biết giữa bà và ông Vụ có mối quan hệ tình cảm nhiều năm nay. Ngày 9.6, bà vào khách sạn… đánh ghen ông Vụ với người đàn bà khác thì bị ông Vụ đánh. Nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc thì không chứng minh được mối quan hệ tình cảm giữa bà N. với ông Vụ như trình bày của bà này.

Không có lửa thì sao có khói? Thực hư mối quan hệ tình cảm nhập nhằng này, chưa ai có thể khẳng định được ngoài người trong cuộc. Nhưng điều có thể khẳng định lúc này, hành vi đánh phụ nữ tại nơi công cộng của ông Vụ là rất đáng lên án, nhất là khi ông đang làm sếp ở tòa án - nơi phán xử điều sai, lẽ đúng!

Mới tuần trước, mạng xã hội cũng tung lên đoạn clip về ông Phạm Thanh D., cán bộ TAND huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, bị đánh ghen tại một quán cà phê chòi. Ông D. bị chồng của người phụ nữ mà ông dẫn vào quán cà phê chòi “làm việc”, hành hung và ông không dám phản kháng lại.

Người phụ nữ này và chồng đang làm thủ tục ly hôn nhưng chưa thành. Và ông D. chính là người nhận đơn giải quyết chuyện ly hôn của đôi vợ chồng này. Ông D. cũng đã tiếp xúc nhiều lần với người phụ nữ xin ly hôn chồng, nên dần dà “rủ” bà ta ra quán cà phê chòi “làm việc”. Chuyện vỡ lỡ, ông D. xấu hổ, cả tuần chẳng dám đến công sở.

Có lẽ, chỉ nên tin vào luật pháp, đừng tin vào tất cả những người được giao trọng trách thực thi luật pháp. Như trường hợp 2 ông cán bộ tòa án này, đừng nghĩ họ có quyền phán xét, phân xử người khác mà tin rằng họ là người đạo đức, tâm hồn không bao giờ vấy bẩn.

Từng có một linh mục nói thẳng với người viết: “Con chỉ nên tin vào đạo, chứ đừng tin hết vào người của đạo. Đạo luôn hướng mọi người đến điều thiện. Nhưng không phải người nào đứng trong đạo đều là người thiện!”.

Bởi vậy, mới có chuyện nhiều người phản ứng và tranh cãi, vì sao bản chất của vụ VN Pharma là nhập thuốc giả nhưng tòa án lại xử theo tội buôn lậu, sai bản chất và làm nhẹ đi vụ việc. Luật do con người đặt ra, và được số đông thống nhất. Nhưng thực thi luật cũng là con người, nhưng chỉ một vài người quyết định. Mà con người, có người này, người khác…

Và từ những vụ lem nhem của các công chức này, hãy liên tưởng đến quyết định mới của UBND TP.Cần Thơ, từ đề xuất của Sở Nội vụ TP.Cần Thơ: đó là cấm tiệt công chức mặc quần jean, áo pull đến công sở. Bản chất của quyết định này là muốn cải tổ bộ mặt, hình thức của công chức. Nhưng điều mà người dân cần hơn, không phải là hình thức, mà là chất lượng của công chức.

Chiếc áo không làm nên thầy tu! Như khi ông V. - cán bộ tòa án huyện Cai Lậy bị đánh ghen, hình ảnh từ clip cho thấy ông có mặc quần jean, áo pull đâu? Ông mặc quần tây, áo sơ mi bỏ vào quần rất lịch sự, nhưng vẫn dẫn vợ người khác vào nơi tế nhị và bị đánh ghen. Mất mặt quá!

Đừng trông mặt mà bắt hình dong. Là thầy tu, nhưng nếu không mặc áo thầy tu thì không ai nhận ra là thầy tu. Nhưng người mặc áo thầy tu cũng chưa hẳn là thầy tu! Chỉ có cung cách ứng xử mới giúp ta biết đó có phải là thầy tu thật sự hay không. Công chức nhà nước cũng vậy.

Cứ lo tân trang, đánh bóng chiếc xe, nhưng không lo rà bệnh, sửa chữa máy xe, thì chiếc xe ấy sớm muộn gì cũng phải vứt đi, chẳng có giá trị gì. Phải rà bệnh, cắt bỏ ung nhọt, và cho “uống thuốc” ngừa bệnh. Chứ vết thương đang mưng mủ, lấy những tấm gạc trắng tinh đắp lên để che đậy, bệnh càng nặng thêm!

Hồ Hùng

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/chiec-ao-khong-lam-nen-thay-tu-70984.html