Chia sẻ nhiều cách làm hay về công tác tư vấn tâm lý trong trường học

Lần đầu tiên, hàng nghìn người gồm chuyên gia, cán bộ quản lý, chuyên viên tâm lý của các trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội cùng ngồi lại (trực tuyến, trực tiếp) để thảo luận, chia sẻ cách làm, đánh giá về vai trò của công tác tâm lý trong trường phổ thông hiện nay.

Các thầy cô giáo tham dự Hội thảo Tư vấn tâm lý học đường

CLB cán bộ quản lý trường ngoài công lập phối hợp Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo Tư vấn tâm lý học đường (TVTLHĐ) trong trường phổ thông góp phần xây dựng trường học hạnh phúc. Đây cũng là hoạt động cụ thể hóa phong trào Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm giai đoạn 2022 – 2025 của ngành Giáo dục Hà Nội.

Bước ngoặt của công tác TVTLHĐ

Trong sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, có nhiều vấn đề mới phi truyền thống đặt ra cho giáo dục, trong đó có vấn đề phát triển tâm sinh lý tuổi trẻ, tâm lý tuổi học đường thời đại 4.0. Nhiệm vụ của giáo dục, của các nhà trường không chỉ giới hạn ở việc dạy chữ, dạy người mà còn chăm lo tốt nhất cho sức khỏe tâm thần của mọi học sinh, bảo đảm cho mỗi học sinh được khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.

Học sinh Trường Marie Curie hạnh phúc mỗi ngày đến trường (Ảnh: FB MC)

Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 31/2017/TT- BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác TVTL cho học sinh trong trường phổ thông. Đây là bước ngoặt lớn giúp thay đổi nhận thức và cách vận hành việc chăm lo sức khỏe tâm thần cho học sinh trong các nhà trường.

Tuy vậy, việc tổ chức các hoạt động TVTL cho học sinh chỉ xuất hiện lác đác ở các trường ngoài công lập; còn trong trường công lập, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, nhân lực, quy trình vận hành… Tại các trường công lập, công tác tư vấn tâm lý chỉ là phụ, ít hoạt động hoặc nội dung nghèo nàn; cán bộ tư vấn thường là kiêm nhiệm; không có kiến thức, không được đào tạo bài bản về tâm lý nên chưa đủ kỹ năng giải quyết khi gặp những tình huống bất ngờ, đột xuất cũng như trong quá trình xử lý thông tin…dẫn đến hiệu quả hoạt động không như mong muốn.

Trước bất cập trên, ngày 30/10/2023 của Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT “Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt” công lập.

Theo đó, mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến cấp THPT được bố trí một người vào vị trí việc làm tư vấn cho học sinh. Trường hợp không bố trí được biên chế, nhà trường ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Quốc Toản cho rằng, biên chế chính thức về nhân viên TVTL trong trường phổ thông đã có nhưng làm thế nào để công tác này được triển khai trong nhà trường một cách bài bản, bảo đảm tính khoa học, tính đặc thù của TVTLHĐ; làm sao để công tác TVTLHĐ chất lượng, hiệu quả không chỉ với học sinh mà với cả các thầy cô giáo? Đây là những vấn đề cần trao đổi, thảo luận để nâng cao nhận thức về vai trò và tính cấp thiết của hoạt động TVTLHĐ trong các nhà trường.

Lan tỏa nhiều cách làm hay

Đồng quan điểm cho rằng, TVTLHĐ trong trường học là hoạt động coi trọng công tác phòng ngừa, các chuyên gia tâm lý, chuyên viên tâm lý trong các trường phổ thông tư thục ở Hà Nội đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm tại đơn vị mình để cùng nhau lan tỏa và học hỏi.

Làm tốt công tác tư vấn tâm lý học đường góp phần mang đến những học sinh hạnh phúc (Ảnh: FB NBK)

Chuyên viên tâm lý học đường Trường Phổ thông liên cấp Olympia cho biết, công tác tham vấn học đường của nhà trường bao gồm 3 mảng: Tâm lý học đường; cố vấn trường học; tư vấn hướng nghiệp và du học. Trong đó, bộ phận tâm lý học đường có chức năng thúc đẩy sức khỏe tâm thần cho học sinh và góp phần tạo dựng môi trường học lành mạnh.

Còn bộ phận cố vấn học đường là mô hình thay thế cho giáo viên chủ nhiệm, nhằm bảo đảm mỗi học sinh đều nhận được sự hỗ trợ cần thiết để làm chủ được kế hoạch học tập, cuộc sống học đường một cách tích cực. Mỗi cán bộ cố vấn học đường phụ trách một nhóm khoảng 10-15 học sinh và đóng vai trò như đại diện chính thức của học sinh; gặp học sinh hàng tuần để trao đổi về kết quả học tập và các chủ đề khác…

Chia sẻ về hành trình, cách thức triển khai phòng Tham vấn tâm lý học đường tại Hệ thống Maria Curie, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Từ năm 2018, Hệ thống Marie Curie đã thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường tại cơ sở Mỹ Đình với 5 cán bộ, nhân viên, có phòng làm việc riêng rộng 502, được cấp kinh phí hoạt động theo năm học. Năm 2022, nhà trường tiếp tục thành lập phòng tham vấn ở cơ sở mới Văn Phú với quy mô tương tự.

“Phòng tham vấn tâm lý của Trường Marie Curie hoạt động theo nguyên tắc “3C”, nghĩa là: Chuyên môn, chuyên nghiệp, chuyên trách. Sau 5 năm hoạt động, nhà trường đã hỗ trợ hàng nghìn học sinh và phụ huynh với hàng vạn lượt tư vấn. 5 năm gần đây, các vụ việc mâu thuẫn trong học sinh giảm hẳn, tiến đến gần triệt tiêu. Đây có thể coi là thước đo hiệu quả của công tác TVTLHĐ”, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nói.

Cũng là một trong những trường tư thục của Hà Nội vận hành phòng tham vấn tâm lý học đường từ rất sớm, Nhà giáo Ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, từ khi thành lập đến nay, nhà trường luôn bố trí 3 cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý và giúp học sinh có “5 tự” gồm: Tự học, tự chủ, tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học, tự rèn, nhà trường tạo động lực cho học sinh phát triển bản thân thông qua việc tạo nhu cầu học tập, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh. Để thực hiện các nội dung này, bên cạnh việc đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm thì đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý cũng được đặc biệt coi trọng.

Nhiều cán bộ TVTLHĐ tại các nhà trường cũng cho hay, các vấn đề của học sinh, nhất là học sinh cấp THPT ngày càng phức tạp. Với sự chung sức của nhiều lực lượng và sự quan tâm đúng mức của xã hội, của nhà trường với cán bộ làm công tác TVTLHĐ, tin chắc rằng, các thầy cô làm công tác này sẽ thực hiện tốt phần việc của mình để góp phần tạo nên những học sinh khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

Đề xuất thành lập Cộng đồng tư vấn tâm lý

Để phát huy hiệu quả và nâng cao vai trò của công tác TVTL trong trường học, TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT, Nhà sáng lập Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm đề xuất việc thành lập Cộng đồng chuyên viên tư vấn tâm lý học đường. Cộng đồng có chức năng quan trọng là kết nối, tư vấn, hỗ trợ các cán bộ, chuyên viên làm công tác TVTLHĐ với nguồn lực là các nhà khoa học đầu ngành về tư vấn tâm lý. Sáng kiến này đã nhận được sự tán thành của đông đảo cán bộ bộ quản lý, chuyên viên TVTL tại các trường học trên địa bàn TP.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chia-se-nhieu-cach-lam-hay-ve-cong-tac-tu-van-tam-ly-trong-truong-hoc.html