Chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình cai nghiện thành công

Ngày 15/3, tại tỉnh Thái Nguyên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình điển hình cai nghiện thành công và tình nguyện viên tiêu biểu với sự tham gia của các đại biểu đến từ 21 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hội thảo nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới công tác cai nghiện thông qua chia sẻ kinh nghiệm của các mô hình, phương pháp, giải pháp cai nghiện, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện có hiệu quả, điển hình người cai nghiện thành công, các tình nguyện viên tiêu biểu của đội công tác xã hội tình nguyện trong việc giúp đỡ người nghiện; trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố nghiên cứu, tham khảo, đề xuất các chương trình kế hoạch áp dụng, nhân rộng.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2016, cả nước có trên 210.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có nhiều địa phương có tỷ lệ người nghiện cao như: Đồng Nai, Đà Nẵng, An Giang… 53/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch, đề án triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện; 123/233 Trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội trong cả nước được chuyển đổi thành cơ sở cai nghiện, trong đó có 80 cơ sở có chức năng cai nghiện bắt buộc, 24 cơ sở cai nghiện tự nguyện và 6 cơ sở chỉ tiếp nhận đối tượng xã hội.

Trong quá trình đổi mới công tác cai nghiện theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác cai nghiện đứng trước không ít khó khăn, thách thức đồng thời cũng xuất hiện nhiều mô hình cai nghiện có hiệu quả, nhiều người cai nghiện thành công, trong đó không ít người trở thành tình nguyện viên của đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, đã đóng góp tích cực cho công tác cai nghiện phục hồi.

Tại hội thảo, nhiều mô hình, điển hình đã được chia sẻ như xây dựng cơ sở cai nghiện thân thiện; mô hình cai nghiện quân dân y kết hợp; các mô hình kết nối cai nghiện và hỗ trợ sau cai giữa trung tâm và cộng đồng; mô hình mạng lưới, tổ, nhóm, câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; mô hình nghiên cứu, cập nhật phương pháp khoa học mới áp dụng cho người cai nghiện tự nguyện; một số điển hình là người sau cai nghiện trở thành chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, công an viên... và có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện trên địa bàn.

Các đại biểu cho rằng, để thực sự đổi mới công tác cai nghiện, để có những mô hình, phương pháp cai nghiện tốt, trước hết phải đổi mới về nhận thức, công tác cai nghiện phải có chiến lược, sách lược, bố trí, đào tạo nhân lực, đầu tư vật lực tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, huy động cả hệ thống chính trị tham gia thì mới thành công.

Thu Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/chia-se-kinh-nghiem-nhan-rong-mo-hinh-cai-nghien-thanh-cong-20170315175204138.htm