'Chìa khóa' nào để Vành đai 4- Vùng Thủ đô lập kỷ lục giải phóng mặt bằng?

Giải phóng mặt bằng, nhất là ở các thành phố lớn, luôn là khâu khó khăn nhất. Thế nhưng, chỉ 1 năm kể từ khi Quốc hội có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội – công trình trọng điểm quốc gia- đến nay, công tác GPMB toàn tuyến đã đạt trên 80%, riêng TP Hà Nội đạt 84%, vượt tiến độ, đảm bảo điều kiện khởi công dự án

Giải phóng mặt bằng, nhất là ở các thành phố lớn, luôn là khâu khó khăn nhất, các dự án chậm tiến độ thường ở khâu này. Thế nhưng, chỉ 1 năm kể từ khi Quốc hội có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội – công trình trọng điểm quốc gia- đến nay, công tác GPMB toàn tuyến đã đạt trên 80%, riêng TP Hà Nội đạt 84%, vượt tiến độ, đảm bảo điều kiện khởi công dự án. Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đã lập kỷ lục giải phóng mặt bằng nhanh, đạt sự đồng thuận cao của nhân dân.

Gặp gỡ động viên nhân dân trong diện di dời, thông tin với người dân về dự án.

Dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua ba địa phương Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Riêng đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội chiếm hơn một nửa với 58,2km, diện tích phải thu hồi, giải phóng mặt bằng trên địa phận Hà Nội rất lớn với trên 812 ha, chiếm hơn 60% trong tổng dự án, lại trải dài 7 quận, huyện trong đó có những khu vực dân cư, đô thị phức tạp và phải bố trí tái định cư cho hơn 800 hộ dân. Một năm trước, khi Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án này, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu từng lo ngại chậm tiến độ có thể xảy ra trong quá trình giải phóng mặt bằng với 2 dự án ở 2 thành phố lớn, trong đó có đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Như chia sẻ khi đó của đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai: “Về giải phóng mặt bằng, đó cũng là thách thức cho 2 dự án, bởi nó đi qua những vùng đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Việc triển khai đúng tiến độ giải ngân kịp thời gói này nếu không làm được sớm chúng ta lại bị trễ và gây ra lãng phí. Đây là những dự án rất quan trọng.”

Nắm bắt được tâm tư đó, ngay sau khi Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, với tầm quan trọng của dự án trọng điểm quốc gia, Ban chỉ đạo dự án do chính Bí thư Thành ủy Hà Nội làm trưởng ban và Chủ tịch UBND thành phố làm phó ban đã liên tục có những cuộc làm việc thúc đẩy triển khai giải phóng mặt bằng, nhất là giải phóng mặt bằng tại Hà Nội nơi khó khăn, phức tạp nhất.

Xác định rõ sự đồng thuận của nhân dân có ý nghĩa quyết định, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng -Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng Đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội liên tục tới từng thôn, xã vào từng nhà, lắng nghe tâm tư của người dân trong diện phải di dời, truyền đạt tới nhân dân chủ trương của Đảng, Chính phủ về yêu cầu xây dựng đường vành đai 4 để tạo động lực phát triển Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ... Từ đó có chủ trương và cam kết với nhân dân phương án tái định cư đảm bảo công khai, có lợi nhất cho dân, đảm bảo “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”.

“Ngay từ đầu với các khu tái định cư cho người dân, chúng tôi lựa chọn những mảnh đất đấu giá để làm tái định cư. Những mảnh đất đấu giá thường là những mảnh đất có lợi thế về thương mại, thuận lợi cho kinh doanh. Vừa qua chúng tôi cũng gần như bố trí các khu tái định cư của nhân dân vào các khu đất dành cho đấu giá. Kể cả mặt bằng đã giải phóng rồi, nên rất thuận lợi. Qua đó có được sự đồng thuận của nhân dân, sự đồng thuận của nhân dân rất quan trọng, thực tế nhân dân rất đồng thuận.”- ông Đinh Tiến Dũng nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra công tác di dời mộ.

Không chỉ là lời hứa, sự sát sao đảm bảo: nói đi đôi với làm, người dân được tới thăm nơi dự kiến tái định cư, khẩn trương giải ngân tiền đền bù. Cùng với các cuộc họp hàng tuần, hàng tháng với địa phương, Ban chỉ đạo đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận giải quyết ý kiến của nhân dân, trên tinh thần khó tới đâu gỡ ngay tới đó.

Ông Nguyễn Xuân Quý, PGĐ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, địa phương đi đầu trong giải phóng mặt bằng cho biết: “UBND thành phố cùng với các sở ngành đã luôn đồng hành cùng với các quận, huyện trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng để tháo gỡ tất cả những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án. Đặc biệt UBND thành phố đã ban hành quyết định 3956, Ban hành cơ chế đặc thù giải phóng đường vành đai 4. Trong đó có những nội dung tháo gỡ cho huyện, để huyện có thể giải quyết được. Nội dung tồn tại này rất nhiều dự án mắc, đối với dự án vành đai 4 đã có quyết định đặc thù để giải quyết.”

Trong giải phóng mặt bằng còn có những công việc khó, nhạy cảm liên quan tới đời sống tâm linh của nhân dân. Để phục vụ thi công đường vành đai 4- Vùng Thủ đô, thành phố Hà Nội phải di dời nhiều nghĩa trang với gần 11 nghìn ngôi mộ, trong đó có nhiều ngôi mộ tổ cần sự quyết định của dòng họ, và không ít những ngôi mộ vô chủ... Công việc khó khăn này được xác định là việc cần làm đầu tiên trong công tác di dời, đến nay đã cơ bản hoàn tất.

Ông Lê Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa, huyện Mê Linh chia sẻ về cách làm của địa phương: “Tổ công tác đến tận các gia đình giúp đỡ, động viên nhân dân, ban ngành đoàn thể đến giúp gia đình. Và các hộ gia đình chỉ việc ra làm lễ. Tức là cam kết của lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn đối với gia đình các hộ gia đình cảm thấy rất tin và người ta làm theo ngay.”

Trên cơ sở thấy được lợi ích của mình, của xóm làng, của Thủ đô và đất nước khi có đường vành đai 4, cùng với những tâm tư, mong muốn chính đáng được giải quyết, người dân tích cực hợp tác thực hiện giải phóng mặt bằng. Chưa có dự án nào nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của người dân cao đến thế. Những người dân ảnh hưởng của dự án như ông Nguyễn Xuân Lai, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng; ông Vũ Hồng Quân, phường Phú Lâm, Quận Hà Đông còn mong muốn đường vành đai 4 sớm đi vào hoạt động:

“Chúng tôi là xã viên, theo tiếng gọi của trên, chúng tôi hoàn toàn chấp hành, kể cả ruộng đất các thứ phạm vi vào của vành đai 4 là chúng tôi nhất trí hết.”

“Hộ dân chúng tôi có đất nằm trong dự án, luôn luôn sẵn sàng sẽ nhận tiền bồi thường, để trả lại mặt bằng cho nhà nước để sớm có vành đai 4 đưa vào sử dụng, chúng tôi cũng coi đây là một việc rất mừng là phúc nhà, lộc nước, đó là niềm vui của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng Đảng và nhà nước đã quan tâm thì sớm đưa vành đai 4 vào hoạt động.”

Lãnh đạo thành phố kiểm tra tại dự án tại huyện Thanh Oai.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cùng với nguồn vốn được phân bổ kịp thời, chính sách hợp lý, Hà Nội đã thực hiện triệt để phân cấp, ủy quyền. Giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trực tiếp cho các quận, huyện có tuyến vành đai 4 đi qua triển khai, gắn với việc kiểm tra giám sát.

Một yếu tố quan trọng tiên quyết không thể không nhắc tới, đó là Dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ đô là một trong số ít dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhất. Để bảo đảm tiến độ, căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và vận dụng một số cơ chế đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ có nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt trong triển khai đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là Dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đây cũng là dự án đầu tiên ở Hà Nội được Chính phủ cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập, đảm bảo việc giải phóng mặt bằng đi trước một bước. Nhờ vậy công tác giải phóng mặt bằng triển khai được ngay từ khi xác định chỉ giới đường đỏ. Bên cạnh đó, còn có các cơ chế đặc thù trong nguồn vốn đầu tư; trong tổ chức thực hiện... Ngay cả khó khăn về vật liệu san đắp nền dự án, Chính phủ cũng kịp thời ban hành cơ chế đặc thù để có đủ điều kiện khởi công triển khai dự án.

Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Vành đai 4 được áp dụng đầy đủ các cơ chế trong Nghị quyết 60 và 133 cho phép đối với các mỏ khai thác vật liệu xây dựng, trừ cát, sỏi, được nâng công suất tối đa nhu cầu. Miễn là đảm bảo an toàn mỏ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Còn riêng với cát sỏi lòng sông, Nghị quyết 133 cho phép là nâng tối đa lên 50 %, trừ cửa sông cửa biển. Hà Nội thì không phải là cửa sông cửa biển rồi, các tỉnh kia cũng thế. Đương nhiên nó phải có cái thường xuyên là giám sát cái chuyện sạt lở lòng, bờ bãi sông, nếu nó không an toàn thì phải dừng.”

Khởi công Dự án đường Vành đai 4- vùng Thủ đô ngày 25/6.

Công tác giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp nhưng chỉ sau 1 năm thực hiện, đến nay khi đã giải phóng được 84% diện tích, Dự án đường vành đai 4 chưa xảy ra hiện tượng khiếu kiện nào phát sinh. Một kỷ lục đã được ghi nhận với một dự án lớn. Hơn 10% còn lại tiếp tục được giải phóng, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch vào cuối năm nay. Không thỏa mãn với kết quả đạt được, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đảm bảo về đích đúng kế hoạch năm 2026: “Mặt bằng tốt rồi, nhưng cũng đề nghị Ban quản lý dự án phải ốp sát nhà thầu, nhà tư vấn. Đã khởi công phải làm ngay, đã làm phải làm liên tục. Nên khâu chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, máy móc và kể cả những vấn đề về nguyên vật liệu, đầu vào của con đường phải tốt.”

Dự án trọng điểm quốc gia, Đường vành đai 4- Vùng Thủ đô với sứ mệnh cải thiện hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối, tạo thêm động lực phát triển mạnh mẽ cho Hà Nội và các địa phương trong khu vực. Để dự án khởi công được đúng tiến độ đề ra sau một thời gian ngắn ban hành Nghị quyết, đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ từ trung ương đến địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn. Thể hiện trọn vẹn ý đảng lòng dân trong triển khai dự án phục vụ phát triển kinh tế xã hội và củng cố tiềm lực an ninh quốc phòng. Hiện thực hóa một trong ba đột phá chiến lược Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Theo kế hoạch dự án hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Nguyên Nhung/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chia-khoa-nao-de-vanh-dai-4-vung-thu-do-lap-ky-luc-giai-phong-mat-bang-post1028604.vov