'Chìa khóa' nâng tầm cho dược liệu Việt Nam

Nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững, từng bước vươn ra thị trường quốc tế, lĩnh vực dược phẩm đã đầu tư xây dựng để được chứng nhận vùng trồng dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO.

Tiêu chuẩn hóa vùng trồng dược liệu, xu thế hội nhập kinh tế

GACP là viết tắt của Good Agricultural and Collection Practices, nghĩa là thực hành tốt nuôi trồng và thu hái. GACP-WHO là các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Đây là các nguyên tắc, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả của dược liệu.

Tiêu chuẩn của GACP-WHO rất chặt chẽ, bao gồm nhiều công đoạn như: Chọn giống cây trồng chính xác, Trồng tại vùng sinh thái phù hợp với nguồn đất, nước không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, vận chuyển, xử lý sau thu hoạch đến cách đóng gói và bảo quản dược liệu trong kho…

Xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn giúp thuận lợi cho đầu ra dược liệu. Ảnh: Minh Ngọc

Việt Nam có hơn 5.000 loài cây thuốc nhưng vẫn phải nhập nhiều dược liệu, chiếm đến 80% nhu cầu dược liệu cả nước. Trước xu thế hội nhập kinh tế khu vực và trên thế giới, vài năm gần đây, nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với người nông dân tạo ra các vùng trồng dược liệu sạch theo chuẩn Quốc tế GACP-WHO (Thực hành tốt trồng và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).

Để giữ vững thương hiệu Đông dược Việt Nam và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài, thậm chí ngay trên thị trường trong nước thì quá trình trồng trọt, thu hái nguyên liệu làm thuốc không thể coi nhẹ việc tiêu chuẩn hóa. Điều này có nghĩa là phải tạo ra nguồn dược liệu có hàm lượng hoạt chất cao theo tiêu chuẩn của GACP. Bộ Y tế đã quyết định áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Phát triển vùng trồng dược liệu chuẩn Quốc tế

Mô hình doanh nghiệp liên kết với người nông dân trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn quốc tế như đã bắt đầu hình thành một vài năm qua và đang là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp nuôi trồng dược liệu. Đến nay, cả nước đã hình thành 13 vùng trồng GACP-WHO của bảy đơn vị với 11 cây dược liệu là: a-ti-sô, bìm bìm, rau đắng đất, đinh lăng, diệp hạ châu, cỏ nhọ nồi, tần dày lá, dây thìa canh, trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo, chè dây.

Trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO là một xu thế tất yếu, một hướng đi giải quyết được nhiều hạn chế lâu nay của ngành dược. Ngoài việc chủ động được nguồn dược liệu sạch, hàm lượng hoạt chất đạt tiêu chuẩn để sản xuất thuốc tốt còn góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương trồng dược liệu.

Chuẩn hóa quy trình từ vườn ươm giúp tăng chất lượng dược liệu. Ảnh: Minh Ngọc

Tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) những ngày này, người dân tại bốn xã Yên Than, Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải đã bắt đầu xuống giống, trồng dược liệu để phủ xanh 5,2 ha đất theo kế hoạch của UBND huyện. UBND huyện Tiên Yên xác định phát triển cây dược liệu là mục tiêu trọng điểm trong những năm tới để tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang sửa đổi Thông tư 14/2009/TT-BYT để hướng dẫn, thực hiện GACP-WHO theo quy định của Luật Dược sửa đổi. Những sửa đổi mới sẽ tháo gỡ các khó khăn, góp phần khuyến khích được các đơn vị đầu tư trồng dược liệu, tăng sức cạnh tranh cho dược liệu sạch và góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 60 loài dược liệu được trồng đạt chuẩn GACP-WHO như Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã đề ra.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chia-khoa-nang-tam-cho-duoc-lieu-viet-nam-169231030132306398.htm