'Chìa khóa' nâng cao chất lượng dân số

Nhằm phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để giảm những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh ở thai nhi và trẻ sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh (SLTS) và trẻ em được sàng lọc sơ sinh (SLSS).

Tăng cơ hội phát hiện dị tật bẩm sinh

Với mong muốn sinh con an toàn, khỏe mạnh, ngay khi biết mình mang thai, chị Vũ Thị Mai, ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên luôn chú ý đi thăm khám, kiểm tra tại bệnh viện theo tư vấn của bác sĩ.

Bác sĩ Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh kiểm tra sức khỏe trẻ sơ sinh. Ảnh: Kim Ly

Chị Mai chia sẻ: “Ngoài khám và siêu âm định kỳ, tôi còn làm xét nghiệm NIPT (xét nghiệm hiện đại về dị tật thai nhi) để đảm bảo con được an toàn từ trong thai kỳ. Bản thân tôi mang thai khi đã gần 40 tuổi, nên tôi rất chú ý các thời điểm kiểm tra, xét nghiệm và chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ…”.

Dị tật bẩm sinh là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng xuất hiện từ lúc mang thai. Tùy theo mức độ nặng, nhẹ, các dị tật bẩm sinh sẽ ảnh hưởng đến khả năng sống, khả năng sinh hoạt hằng ngày, tuổi thọ và sự hòa nhập cộng đồng của trẻ bị dị tật.

Thực hiện SLTS và SLSS là giải pháp hữu hiệu giúp phát hiện sớm dị tật bẩm sinh ở thai nhi và trẻ sơ sinh, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời, giúp trẻ sinh ra, lớn lên khỏe mạnh.

Là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện các xét nghiệm SLTS và SLSS tại tỉnh, bên cạnh phương pháp sàng lọc hình thái thai nhi qua siêu âm, từ năm 2011, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh đã triển khai chương trình SLTS bằng phương pháp sinh hóa (gồm 2 gói Triple test và Double test) giúp phát hiện sớm các loại bệnh như down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim…

Từ năm 2016, bệnh viện bắt đầu triển khai chương trình SLSS (bằng phương pháp xét nghiệm máu gót chân của trẻ sơ sinh trong vòng 48 - 72 giờ sau sinh) giúp phát hiện sớm một số bệnh rối loạn bẩm sinh liên quan đến nội tiết, chuyển hóa, di truyền thường gặp.

Phó Giám đốc Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Vũ Thị Hảo cho biết: “Để nâng cao chất lượng các xét nghiệm SLTS và SLSS, bệnh viện đã tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến. Đồng thời, mời các chuyên gia về giảng dạy, cũng như cử y, bác sĩ, kỹ thuật viên đi học nâng cao trình độ tại các bệnh viện đầu ngành về siêu âm sản - phụ khoa; kỹ năng sàng lọc các bệnh di truyền, chuyển hóa; phương pháp lấy máu gót chân trong SLSS; sử dụng các máy xét nghiệm; kỹ năng truyền thông về SLTS và SLSS…

100% thai phụ và sản phụ khi tới bệnh viện đều được tuyên truyền về ý nghĩa, hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp SLTS và SLSS; 100% trẻ sinh ra tại bệnh viện (trừ các trường hợp chống chỉ định) được xét nghiệm SLSS bằng phương pháp lấy máu gót chân trong vòng 48 giờ sau sinh và siêu âm hình thái tim…”.

Tiếp tục có những chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời

Từ năm 2011, Vĩnh Phúc đã triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, can thiệp giảm thiểu sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh”.

Thực hiện đề án, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, hiệu quả của việc SLTS và SLSS đã được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng truyền thông, tư vấn về chương trình SLTS, SLSS cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số ở các xã, phường, thị trấn.

Ngành Y tế tỉnh tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, xét nghiệm SLTS và SLSS cho các cơ sở khám, chữa bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên thực hiện các xét nghiệm SLTS và SLSS…

Ngày 14/12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16 về một số chính sách hỗ trợ công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, trong đó, quy định hỗ trợ chi phí thực hiện SLTS và SLSS cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và vùng miền núi.

Theo đó, phụ nữ mang thai thực hiện dịch vụ siêu âm tầm soát dị tật thai nhi được hỗ trợ 160.000 đồng/trường hợp/lần mang thai; trẻ sơ sinh thực hiện dịch vụ SLSS với 5 bệnh bẩm sinh phổ biến được hỗ trợ 550.000 đồng/trường hợp.

Chính sách trên đã tạo điều kiện để phụ nữ mang thai và gia đình có trẻ sơ sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người có thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tầm soát dị tật bẩm sinh.

Từ đó, kịp thời phát hiện, can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ dị tật bẩm sinh của thai nhi và trẻ sơ sinh, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị chức năng, nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, ý nghĩa của SLTS và SLSS ngày càng được nâng cao, tỷ lệ thai phụ thực hiện các xét nghiệm SLTS và trẻ em được SLSS tăng qua các năm. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 81,3% phụ nữ mang thai thực hiện SLTS và 74,2% trẻ em được SLSS.

Phát huy những kết quả đạt được, ngành Y tế tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy mạnh truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, hiệu quả của SLTS và SLSS; nâng cao chất lượng các dịch vụ SLTS và SLSS, tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ thực hiện chương trình SLTS và SLSS; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ chi phí SLTS và SLSS cho một số đối tượng theo Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh.

Lê Mơ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78254/%E2%80%9Cchia-khoa%E2%80%9D-nang-cao-chat-luong-dan-so.html