Chỉ Việt Nam mới có kiểu xe tải 'bánh thụt, bánh thò'?

Xe hoặc tổ hợp xe có 1 trục bánh phụ có thể 'thụt thò', dễ bị lợi dụng để chở quá tải...

Xe tải có kết cấu trục phụ có nguồn gốc nhập khẩu và cả sản xuất, lắp ráp trong nước

Báo Giao thông mới đây phản ánh về hiện tượng xe tải 5 trục bánh hoạt động tải cảng Quy Nhơn (Bình Định) khi chở hàng có một trục lại “co lên”, dẫn đến tải trọng hàng hóa và phương tiện chở dồn lên 4 trục, gây ra quá tải. Đại diện Thanh tra Sở GTVT Bình Định cho biết, khi thấy lực lượng chức năng, tài xế trục bánh “rụt chân” xuống để đối phó. Vì vậy, cần có cơ chế và quy định thích hợp trong công tác đăng kiểm loại xe này mới tránh được việc chở quá tải tàng hình.

Trao đổi với Báo Giao thông ngày 1/6, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới của Cục Đăng kiểm VN cho biết, đây là mẫu xe phổ biển trên thế giới và được nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp ở trong nước. Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (Quy chuẩn 09: 2015/BGTVT) cũng có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật đối với loại xe này.

Theo cơ cấu hoạt động, xe có một trục (bánh) phụ có thể nâng lên, hạ xuống để phù hợp với nhu cầu chở thực tế của xe. Tải trọng của loại xe này cũng được quy định tại Điều 16, 17 Thông tư 46 ngày 7/9/2015 của Bộ GTVT. Theo đó, đối với xe hoặc tổ hợp xe có trục phụ (có cơ cấu nâng, hạ trục phụ), tổng trọng lượng xe được quy định tương ứng với tổng số trục xe tác động trực tiếp khi lưu thông lên mặt đường.

Tải trọng tối đa của xe được tính theo thực tế trục bánh xe hoạt động khi vận chuyển, nhưng dễ xảy ra vi phạm "chạy bằng 4 bánh, sức chở bằng chạy 5 bánh"

Chẳng hạn, loại xe có 5 trục (gồm 1 trục phụ có thể nâng lên, hạ xuống) khi chở bằng 5 trục thì tổng trọng tải cả xe và hàng hóa được phép lưu thông là 34 tấn; còn hoạt động bằng 4 trục chỉ có tổng trọng tải tối đa được phép lưu thông là 30 tấn. Hiện Cục Đăng kiểm VN đang thống kê các nhóm xe theo số trục, nên không có số liệu riêng về loại xe “rụt chân” này.

Ông Hệ cũng cho biết, việc xe tải được thiết kế thêm trục phụ có cơ cấu nâng, hạ được đánh giá là tiến bộ kỹ thuật, nếu sử dụng đúng mục đích sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, hiệu quả. Còn trường hợp xe chở đầy tải tính cho tổng số trục, nhưng lái xe không hạ trục phụ xuống, dẫn đến quá tải và ảnh hưởng đến độ bền của phương tiện. “Các quy định về tải trọng, xử lý vi phạm chở quá tải đối với loại xe này đã đầy đủ. Lực lượng chức năng có thể ghi lại bằng hình ảnh xe khi chạy nâng trục phụ lên để đối chiếu với tải trọng, để làm căn cứ xử lý hành vi chở quá tải”, ông Hệ nói.

Xem thêm video:

To view this video please enable JavaScript, and consider upgrading to a web browser that supports HTML5 video

Huy Lộc

Nguồn Giao Thông: http://www.atgt.vn/chi-viet-nam-moi-co-kieu-xe-tai-banh-thut-banh-tho-d211312.html