Chị tôi đi chợ tết

Căn nhà cấp 4 đã xập xệ, nay phải đập đi xây lại thành tòa nhà bốn tầng. Chị Uyên, chị gái tôi dọn sang ở tạm với tôi. Ríu rít, chị bảo: Mày có biết tao thích nhất nhà mày ở điểm nào không? Tôi chưa kịp đáp, chị đã nói ngay: Thứ nhất cận thị. Thứ nhì cận giang. Nhà mày gần chợ. Rồi chị liến thoắng kể, có người Mỹ đến chơi nhà bạn chị. Bạn chị bảo anh ta ngồi chơi để tôi ra chợ kiếm ít đồ nhắm về, nhân thể sửa soạn bữa chiều. Thì anh này kinh ngạc kêu: Ô, một ngày cô đi chợ mấy lần? Những hai lần cơ à! Bên Mỹ, một tuần đi chợ (tức đi siêu thị) một lần thôi.

Thích cái gì là làm ngay cái đó. Dọn sang ở với tôi hôm trước, hôm sau đã là 22 tháng Chạp, áp tết rồi, chị liền rủ tôi đi chợ sắm tết. Chợ phường tôi, ngày nào mới chỉ là mấy cái quán gianh lèo tèo, hiu hắt giờ đã là cả một khu chợ sầm uất, đông ken người bán, kẻ mua. Ngày thường đã đông vui, huống hồ ngày áp tết.

“Chị định sắm gì?”. Tôi vừa cất tiếng hỏi thì chị kéo tay tôi vào một cửa hàng bán ô.

- Ô bán thế nào đây?

Đáp lại câu hỏi nhanh nhảu của tôi, cô bé bán ô vui vẻ cho biết: “Ô cán gỗ đúng giá 16 ngàn đồng”. Nhưng tôi chưa kịp thò tay nhấc cái cán ô cắm ở cái bồ nhựa lên xem, chị tôi đã giật tay, quát:

- Ơ cái cô này, chưa chi đã hỏi mua. Vào trong kia! Trong kia còn nhiều hàng, xem cho chán đi đã!

Bỏ qua cửa hàng ô thứ nhất với lời chửi của cô bé bán ô đuổi theo sau lưng. (Mới sớm ra đã nhiễu, điếc tai bà). Loanh quanh qua hai ba hàng ô nữa, lại vẫn bị bà chị thúc sau lưng: Đi nữa đi, vào trong kia, còn ối hàng đẹp. Lát sau, dừng lại trước một gian hàng lớn, ô cắm trong bồ, ô treo la liệt đủ kiểu to nhỏ, dài ngắn, đủ sắc màu. Nhưng lần này chưa kịp hỏi, chị đã hất hàm vào chủ hàng, giọng rất khinh bạc:

- Ô Tàu loại này lấy mấy đồng đây?

Chủ hàng, một ả gầy như khúc tre đực, mắt xanh lè, môi đỏ màu huyết, nghe câu hỏi, liếc nhẹ một cái rồi quay ngoắt đi, dài giọng:

- Không có ô mấy đồng đâu!

Bỏ phịch cái ô vào bồ, chị tôi dồn cái uất vào cái đẩy sau lưng tôi, nhưng cũng không quên quay lại, ngoa ngoắt: “Này, bán hàng phải có phép lịch sự nhé!”. Và chỉ chờ có thế là ả nọ dựng ngay dậy, xoe xóe: “Bà không có hàng bán cho loại mày đâu, xéo đi cho khuất mắt!”. Chỉ xuýt nữa thì cãi nhau to. May mà vì khách mua ở các dãy hàng này quá đông đúc, ồn ào.

Tôi kéo tay chị, tiến đến một cửa hàng khác.

- Ô bán bao nhiêu đây?

- Bác lấy loại nào? Cán gỗ hay cán nhựa ạ?

- Cán gỗ.

- Nói thách thì 17. Còn đúng giá 16.

- Bớt đi.

- Không được ạ. Cháu mua vào đã 15 rưỡi rồi.

Cô gái bán ô đứng dậy, nhấc một chiếc ô, đon đả. Nhưng, chiếc ô của nó bị bàn tay chị đẩy lại. Mặt bàu bạu, chị lườm nhẹ cô bé một cái rồi bĩu môi:

- Mười lăm!

- Ấy chết, làm sao có giá ấy ạ.

- Mười lăm!

- Dạ, không được ạ.

- Không được thì thôi. Thấy tao cần, định bắt chẹt hả? Thôi, đi đi cô!

Và lần này thì ả bán ô nhảy ngay ra trước hàng, cất tiếng như xé vải. Moi móc cả tông ty họ hàng kẻ mua ra chửi vì mới sớm ngày ra đã gây chuyện trắc trở, làm dông hàng bà cả ngày.

- Đúng là con nặc nô!

- Thôi mà chị.

Tôi kéo tay chị tiến đến một cửa hàng khác. Một hàng ô khác đã ở ngay trước mắt. Một hàng ô nữa. Một hàng ô nữa. Nhưng, cuối cùng bước ra khỏi cổng chợ, trên tay vẫn không có một chiếc ô vải nào. Vì lần thì ngã giá có 15 ngàn rưỡi, nhưng lại gặp phải cái ô thủng. Khách mua và nhà hàng om sòm trách cứ nhau. Vì lần đã bằng lòng mua 16 ngàn đồng, nhưng thấy mặt con mẹ bán ô câng câng ra cái điều ta đây xinh đẹp, ghét quá, liền vứt phịch cái ô xuống không thèm mua nữa. Vì lần thì giá cả đã thỏa thuận nhưng chọn hơn chục cái vẫn không thấy màu nào hợp ý, bà bán ô giằng lại, không bán nữa, rồi xuýt thì xảy ra xô xát.

***

Sớm ngày thứ hai, chị Uyên tôi bảo, để tao đi mua rau, mua thịt làm cỗ cúng ông Táo cho. Rồi chị xách cái làn le te đi trước. Ngoặt vào chợ, chị Uyên tôi gặp con bé bán su hào.

- Dạ, cô mua cháu lấy rẻ, một ngàn thôi ạ.

- Một ngàn! Lấy rẻ! Mày tưởng tiền tao là mảnh sành chắc!

- Cô ơi, trồng được củ su hào non, mập thế này, vất vả lắm!

- Thế mày tưởng tao chưa trồng su hào bao giờ, hả?

- Nhưng, một ngàn là rẻ rồi cô ạ.

- Năm trăm!

- Ối! Cô ơi, cô mua ở đâu được giá bảy trăm thì cháu xin làm con cô.

- Tao ối con rồi. Tao chẳng cần mày làm con nữa đâu. Thôi, năm trăm rưỡi!

- Không được, cô ạ. Bây giờ giá cả các thứ đều tăng rồi. Hôm qua, thịt gà hăm ba, hôm nay đã...

Chị nhìn con bé bán su hào đen nhẻm, gầy còm. Rồi ngẩn người. Làm sao, sức vóc đâu mà nó gánh được hai sọt su hào đầy ụ, toàn loại to mập, mơn mởn thế này. Những củ su hào tươi nõn, củ thì tròn lông lốc như ông bình vôi, củ thì bè bè như cái bánh xe, được chăm sóc chu đáo, được hút những dưỡng chất gì mà trông đã thấy ngon thế này. Chủ nhật, có đĩa su hào thái mỏng xào với thịt bò, nấm hương, cà rốt và món nem tôm ăn kèm rau xà lách với su hào thái hoa ngâm giấm ớt thì còn gì bằng.

- Thôi, sáu trăm một củ, mày có bằng lòng bán thì tao mua hẳn ba củ.

- Ôi cô ơi, cô thương cháu, cô mua đến mười củ thì cũng thế thôi.

- Con ranh, ăn nói cứ như bà cụ.

Phì cười, nhấc một củ su hào lên rồi lại ngồi xuống, hai tay liên hồi bới nhặt và miệng bà chị tôi lại tiếp công cuộc mặc cả. Đã đi mua là phải mặc cả, chứ sao nữa. Nhưng mà, kìa trả đến sáu trăm rồi mà con ranh vẫn chưa nghe. Vậy thì sáu trăm rưỡi. Sáu trăm rưỡi mà mày vẫn xài lắc cơ à, hả bà cụ non! Bán hàng gì mà se sắt, xi măng cốt thép thế mày. Vậy thì tao cũng liều trả mày thêm năm chục mỗi củ nữa đấy. Cũng không được! Ôi trời, đắt bằng thịt, hả mày!

- Thôi, tao nói lời cuối cùng đây. Ngàn rưỡi hai củ có bán không? Không được thì gánh đi cho khuất mắt tao.

Điệu bộ hùng hổ của chị làm con bé phì cười. Nó làm mặt dỗi, phụng phịu:

- Thôi cháu bán mở hàng cho cô. Thật cháu chưa gặp ai “xi măng cốt sắt” như cô.

- Có mày “xi măng cốt sắt” thì có ấy!

Chị gái tôi bật cười theo con bé. Và nhặt hai củ su hào lên, chị cho nó cả mười đồng. Hóa ra mặc cả, cò ke “xi măng cốt sắt” chỉ là cái thú vui đi chợ của chị gái tôi thôi.

Mới có mấy ngày trời áp tết mà gần như tất cả hàng tạp hóa, vải vóc cho đến hàng thịt, hàng cá trong chợ đều đã biết chị gái tôi. Ôi thì còn thiếu gì câu chuyện họ kể về chị. Đến hàng thịt chị đòi mua thịt đế thăn, loại thịt mà chợ này chẳng ai biết nó ở chỗ nào. Còn các shop vải vóc, áo váy, mũ mãng thì khỏi nói. Chị chọn lựa, ướm thử, mà có khi cả tiếng đồng hồ mới ưng một thứ. Thôi thì khó chịu thì có khó chịu. Ngấm nguýt chị cũng có. Nhưng mà lạ chưa, cũng chẳng ít các bà, các chị chủ hàng nắc nỏm khen chị. Khen chị mỏng mày hay hạt. Khen chị sành sỏi. Khen chị xởi lởi, khéo léo, có duyên. Người mau miệng là người tốt bụng. Họ nói. Nên chị mua hàng nào là hàng đó hôm ấy rất đắt hàng. Thành ra lắm hôm, vừa thấy bóng chị bước vào chợ, là từ cô bán rau đến chị hàng thịt, hàng vải vóc, áo quần đã lập tức ríu ran mời chào chị. Và mấy hôm chị đi chợ sắm tết về, hôm nào cũng tay xách nách mang trăm thứ bà dằn. Hỏi thì chị bảo, nể quá, với lại rẻ quá mày ạ. Vì có thứ các chủ hàng cứ dúi vào tay chị. Cốt để lấy khước. Thậm chí chị chưa có tiền thì cho chị chịu, bao giờ có trả cũng được. Cả mấy người bán ô giờ cũng tỏ ra thân thiện với chị. Họ đem đến cho chị những cái ô Nhật với giá rẻ bất ngờ. Rồi nhìn chị ngẩn ngơ: Mà sao hồi ấy tớ lại không nhận ra đằng ấy nhỉ? Còn con bé bán su hào thì bây giờ cứ sáng sáng là mùa nào thức ấy, hôm thì cải bao, hôm thì cải cúc, nó đem đến tận cửa nhà tôi và khoe với chị là rau nó đã nhặt sạch sẽ rồi; có hôm còn bảo rau nhà cháu trồng, cháu biếu hai cô.

Sáu tháng trôi qua đánh vèo. Chị tôi đã trở về tòa nhà bốn tầng mới xây xong.

Không còn chị ở cùng nhưng ngày ngày dù xa cách hai cây số chị vẫn đạp xe sang để đi chợ phường tôi. Tao phải lòng cái chợ phường mày rồi. Chị gái tôi nói. Tôi hỏi, phải lòng vì cái gì? Chị đáp: Gỉ gì gi cái gì cũng có mà kẻ bán, người mua thì thân thiết như người nhà. Chẳng ai biết lừa lọc, dối trá là gì!

Chợ phường tôi gi gỉ gì gi cũng có thật. Ngay đầu chợ là rau. Thôi thì đủ. Rau muống xanh mởn. Rau ngót xanh đầm. Mồng tơi xanh mướt. Rau rền đỏ tía. Cạnh đó là hàng hoa quả. Dưa gang miền Nam xanh bóng như quả bóng bầu dục cạnh dưa bở miền Bắc tròn thu lu, vàng ửng. Rồi sầu riêng, vú sữa Tiền Giang, quả cóc Nha Trang, na dai Lạng Sơn, ổi Bo Thái Bình.

Qua mấy hàng rau quả ở đầu chợ vào phía trong, mắt ta, tai ta còn rối rít hơn vì đủ các màu sắc và rộn rã lời mời chào. Thịt các loại cùng đặc sản biển ê hề. Thượng vàng hạ cám, nghĩa là toàn bộ nhu cầu ăn uống, tiêu dùng hằng ngày của con người, từ bình dân đến cao cấp, đều có thể được đáp ứng.

Bỏ qua hình ảnh mấy quán chợ vẹo vọ, gầy gùa, hắt hiu, chợ phường tôi giờ đã là một tổ hợp thương mại có quy củ, nghiêm ngắn. Mảnh đất dôi dư, có khuôn hình tam giác méo mó ngày nào hóa ra lại đẹp theo lối tạo hình hiện đại và tiện lợi cho sự bố trí các dãy hàng quán chuyên doanh. Hai cạnh của tam giác là hai dãy rau quả và thịt thà. Một đường nữa của nó là dãy tạp phẩm. Một giọt nước cũng mang sắc hình biển cả. Cứ qua một vòng dãy hàng vải vóc, quần áo cũng thấy tính quốc tế và quốc gia của cái tổ hợp thương mại nhỏ xiu xíu này. Có thiếu gì nữa! Tơ lụa Trung Quốc, Nhật Bản cạnh gấm nội Thái Tuấn. Quần bò Mỹ cạnh com-lê Tàu cài khuy chéo. Quần lót đàn bà Thái năm chiếc một xếp trong hộp, bên cạnh trùng trùng đủ loại xu chiêng xếp hàng hấp hổm phổng phao từ đen tuyền tới trắng tinh, da ngà. Giày Italia hai triệu đồng một đôi cạnh dép chỉ mấy chục ngàn đồng. Chợ phường tôi, trăm người bán, vạn người mua, buổi chợ nào cũng đông ken người, ấy thế mà chẳng xảy ra vụ tranh chấp, cãi cọ, lừa lọc, gian dối nào.

Tuy vậy, vui nhất là chuyện sau đây. Một sáng Chủ nhật cách tết hai tuần, trời mới tờ mờ sáng, chị Uyên đã đạp xe sang tôi. Hỏi: Sao chị đi chợ sớm thế, có khách à? Chị bảo: Tao đi mua trước ít đồ ăn, để sau đó còn đi du lịch Thái Lan! Rồi chị rút từ trong ví một xấp thư và vừa cười rũ rĩ vừa nói: Này! Mày có thích xem thư tình không? Hóa ra cái lũ đàn ông ở chợ này, từ cha bán vé số, gã nhân viên thuế vụ đến anh xe ôm, ông bảo vệ đều là những kẻ đa tình. Họ viết thư tỏ tình với tao đây này. Họ bảo: Qua những ngày tao đi chợ, họ nhận ra tao, bề ngoài thì có vẻ đáo để, nanh nọc nhưng bên trong là chân thật, có sao nói vậy, không thớ lợ màu mè, là con nhà có chữ, xinh đẹp mà không bắc bậc kiêu kỳ, đúng là một người phụ nữ Việt đảm đang, mau mắn, chan hòa và khéo léo điển hình. Thế có chết không và có điên không, hả mày! Híc híc, ha ha...

Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/153636/chi-toi-di-cho-tet