Chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu: Các ngành cùng giảm

Với việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kim ngạch chung của cả nước từ 13% xuống 3%, từ kết quả thực tế của 6 tháng đầu năm cũng như dự báo trong 6 tháng cuối năm, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đều đã có động thái điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu và đề ra nhiều giải pháp cho giai đoạn nước rút.

CôngThương - Theo dự kiến của Bộ Công Thương từ đầu năm 2009, mức tăng trưởng xuất khẩu của dệt may phải đạt mức 11,5% tỉ USD, tăng trưởng 13%, thủy sản 5,3 tỉ USD, giày dép 5,1 tỉ USD, hàng điện tử và linh kiện máy tính 4,1 tỉ USD, gỗ 3 tỉ USD… nhưng cho đến thời điểm này hầu hết các chỉ tiêu này đều đã được điều chỉnh giảm. Dệt may đang được coi là ngành hàng triển vọng nhất trong các mặt hàng xuất khẩu hiện nay. Trong tháng 5, và tháng 6 các doanh nghiệp đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu đến hết năm 2009 và đầu năm 2010 và kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 6 tháng đầu năm tuy giảm 1,3% so với cùng kỳ nhưng cũng dẫn đầu về kim ngạch trong các mặt hàng xuất khẩu. Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, trong năm nay ngành này cũng chỉ có thể đạt mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bằng năm ngoái hoặc tăng khoảng 3% là tối đa, vì dệt may vẫn là ngành chịu tác động của suy thoái khá rõ nét với kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ giảm 5%, xuất khẩu vào EU giảm 4%. Cũng theo ông Ân, nhờ hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản mà xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường này đã tăng 20% đạt 430 triệu USD. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm kiếm thị trường mới mở rộng hợp tác nên doanh số xuất khẩu tăng cao như thị trường Hàn Quốc tăng tới 40%, các thị trường Đài Loan, Singapore cũng tăng mạnh. Riêng các doanh nghiệp trong Tập đoàn dệt may Việt Nam đạt được chỉ tiêu sản xuất công nghiệp bằng cùng kỳ năm trước và kim ngạch xuất khẩu đạt 766 triệu USD. Trước những khó khăn của ngành gỗ xuất khẩu, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng vừa quyết định điều chỉnh mức tăng trưởng xuất khẩu của năm 2009 xuống còn khoảng 7%, giảm 200 triệu USD so với kế hoạch đầu năm. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội này cho biết, để đạt được chỉ tiêu này, ngành gỗ cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như mở rộng các thị trường mới, phát huy các thị trường Trung Đông, Nam Mỹ, Nga…; Thay đổi cơ cấu sản phẩm, tập trung nhiều hơn cho các sản phẩm gỗ trong nhà, tăng thị phần gỗ nội thất để giảm rủi ro. Thay đổi về công nghệ, tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước thay cho nguyên liệu nhập ngoại nhằm tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá thành và nguyên liệu sản xuất; Các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ hơn để thu hút và chia sẻ các đơn hàng lớn. Thông tin từ Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt gần 1,7 tỷ USD. Dự kiến những tháng tiếp theo kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ còn tiếp tục giảm do sức mua nhiều nước trên thế giới đang bị hạn chế vì các ngân hàng cắt giảm nguồn cho vay để dự trữ. Biến động tỷ giá ở các nước không có lợi cho nhập khẩu. Do tình hình khó khăn nên ngành thủy sản cũng chỉ đưa ra chỉ tiêu giá trị xuất khẩu năm 2009 đạt khoảng 4 tỉ USD so với kế hoạch 4,5 tỉ USD (bằng năm 2008) được đề ra từ đầu năm. Bên cạnh đó, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay cũng chỉ có thể đạt chỉ tiêu 1,2 tỷ USD do diện tích, sản lượng và xuất khẩu đều giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2009, diện tích nuôi cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long mới chỉ đạt 73% diện tích so với kế hoạch, diện tích thu hoạch bằng 22,6% diện tích nuôi thả. Tính đến hết tháng 6/ 2009, ước tính lượng cá tra đến kỳ thu hoạch khoảng 120.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, giá cá tra nguyên liệu đã giảm đến giữa năm do thị trường xuất khẩu giảm, giá cá tra xuất khẩu sang các nước Đông Âu chỉ đạt 2,5 USD/kg trong khi cùng kỳ năm 2008 có mức giá là 3 USD/kg. Nguyên nhân khiến giá cá tra sụt giảm mạnh là do khủng hoảng kinh tế các nước hạn chế nhập khẩu. Để gỡ khó cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Cục Quản lý chất lượng thủy sản đang tăng cường tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều quy định mới về xuất khẩu vào các thị trường Nga, EU, Braxin, Hàn Quốc. Bên cạnh đó bám sát các thị trường xuất khẩu, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch về vệ sinh an toàn thực phẩm về các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, giải quyết các lô hàng bị cảnh báo ở các thị trường nhập khẩu tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường mới và coi đây là biện pháp thiết thực nhất để đẩy mạnh xuất khẩu. Nguyễn Huế

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/kinh-te/chi-tieu-tang-truong-xuat-khau-cac-nganh-cung-giam/32/0/18612.star