Chỉ thị số 40-CT/TW: 'Tiếp sức' cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở huyện Kế Sách

Hơn 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), điều đáng ghi nhận trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đó là sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền. Qua đó đã có sự phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để triển khai thực hiện tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Lê Hoàng Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kế Sách cho biết, thực hiện Chỉ thị số 40, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kế Sách đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện, Ban đại diện để ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong huyện tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chỉ thị này. Qua đó, đã làm thay đổi căn bản về nhận thức, hành động của đảng bộ, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn; đã xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình kế hoạch, hành động thường xuyên.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trong lần giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn huyện Kế Sách.

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương mà hoạt động tín dụng chính sách, công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương trên địa bàn toàn huyện Kế Sách được thực hiện hiệu quả. Đồng chí Huỳnh Văn Luận - Bí thư Đảng ủy xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách) cho biết, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 40, Đảng ủy, UBND xã đã bám sát vào các chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi nhận thức và hành động, đưa việc quản lý vốn tín dụng chính sách vào nghị quyết và chương trình hành động thường xuyên của Đảng bộ và UBND xã; chỉ đạo chi bộ, ban nhân dân ấp vào cuộc quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội. Tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách.

Với cách làm như trên đã giúp người nghèo, đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn xã Phong Nẫm được tiếp cận nguồn vốn vay để lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Điển hình là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhung, ở ấp Phong Thới. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay chính sách 50 triệu đồng từ chương trình Hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để cải tạo vườn chôm chôm, đến nay, đời sống gia đình của bà Nhung khấm khá hơn trước. Hay hộ gia đình bà Phạm Thị Loan, ngụ ấp Phong Phú vay ngân hàng chính sách xã hội 30 triệu đồng từ chương trình Hộ mới thoát nghèo để cải tạo vườn tạp, trồng mận An Phước cho thu nhập khá cao, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 40, không riêng gì xã Phong Nẫm mà tất cả các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Kế Sách đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đồng chí Lê Hoàng Phong cho rằng, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 40, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngân hàng chính sách xã hội thực hiện đầu tư và quản lý tín dụng chính sách xã hội; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách tại huyện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân…

Đồng chí Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kế Sách thông tin, tính đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại huyện đạt trên 430,2 tỷ đồng, tăng 160,2 tỷ đồng so với ngày 31/12/2014 (tăng 59,34%) với 15 chương trình tín dụng chính sách; UBND huyện đã chuyển ngân sách sang trên 3,8 tỷ đồng để tạo lập nguồn vốn cho vay, cấp 1.300m2 đất để ngân hàng chính sách xã hội xây dựng trụ sở làm việc; vốn tín dụng chính sách được UBND xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội, trưởng ban nhân dân ấp, tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay công khai, dân chủ. Hệ thống điểm giao dịch của ngân hàng chính sách xã hội được thực hiện tại 13/13 xã, thị trấn, qua đó đã tiết kiệm được thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được vay vốn, trả nợ, cập nhật thông tin và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, qua đó chất lượng tín dụng chính sách tại huyện có những chuyển biến tích cực. Theo đó, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 đến nay đã có 36.869 lượt hộ được tiếp cận và vay vốn tín dụng chính sách với tổng số tiền vay là 727,2 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần trồng và cải tạo 1.850ha cây ăn quả, chăn nuôi 450.000 con heo thịt, 5.280 con heo sinh sản, xây dựng 11.942 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đã giúp cho 2.398 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, giúp cho 5.064 hộ vay kinh doanh dịch vụ nhỏ, đã tạo việc làm cho 2.828 lao động nhàn rỗi, xây dựng và cải tạo 561 căn nhà theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và đặc biệt góp phần quan trọng trong việc giảm 13.730 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần vào việc hoàn thành các tiêu chí tại các xã đang xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Trần Minh Thử - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kế Sách, thông qua việc triển khai thực hiện Chị thị số 40 thì hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Nguồn vốn cho vay ưu đãi của Chính phủ mà hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen và tạo sự ổn định xã hội ở nông thôn; giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, phát huy các sản phẩm đặc thù tại địa phương; tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự bản thân vươn lên thoát nghèo, làm cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn thực sự khởi sắc.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi/chi-thi-so-40-ct-tw-tiep-suc-cho-hoat-dong-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-o-huyen-ke-sach-66305.html