Chi thêm 4,3 tỷ USD, TP. HCM có hết ngập?

Sở Xây dựng TP. HCM vừa trình kế hoạch giảm ngập giai đoạn từ nay đến năm 2025, TP. HCM cần khoảng 101.000 tỉ đồng (tương đương 4,3 tỷ USD). Vấn đề lớn được đặt ra là, nguồn tiền lấy ở đâu và TP. có hết ngập?

Theo kế hoạch giảm ngập nước cho TP. HCM giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Sở Xây dựng TP. HCM trình UBND TP thì nhu cầu vốn để đầu tư các dự án chống ngập trong 5 năm tới là hơn 101.000 tỉ đồng, tương đương 4,3 tỷ USD.

Người dân TP. HCM dường như đã quen "vật lộn" giữa dòng nước. Ảnh: Quế Sơn

Dự án nào được triển khai ?

Theo Sở Xây dựng TP. HCM, với số tiền hơn 101.000 tỉ đồng, TP. HCM sẽ triển khai hàng chục dự án lớn nhỏ thuộc Quy hoạch 752, các dự án thuộc quy hoạch 1547, các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải 41.000 tỉ đồng và các công trình khác hơn 1.700 tỉ đồng.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2021, TP. HCM sẽ triển khai thực hiện 12 dự án chống ngập. Trong đó, có 11 dự án là xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường.

Cụ thể, tại TP. Thủ Đức có 3 dự án lớn được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 455 tỉ đồng, như: lắp đặt cống thoát nước, tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường tại đường số 8 (phường Phước Bình) với tổng vốn 120 tỉ đồng; lắp đặt cống, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường Nguyễn Duy Trinh khoảng 300 tỉ đồng và dự án cải tạo cống thoát nước, giảm ngập đường Lã Xuân Oai với mức đầu tư 35 tỉ đồng.

Tại quận 5 khởi công dự án đường Triệu Quang Phục. Dự án này lắp đặt cống hộp và thảm nhựa mặt đường với mức đầu tư gần 61 tỉ đồng.

Quận 6 có dự án đường Lý Chiêu Hoàng mức đầu tư 100 tỉ đồng.

Quận 11 sẽ triển khai hai dự án gồm dự án đường Hàn Hải Nguyên, dự án rạch Đầm Sen với tổng mức đầu tư 100 tỉ đồng.

Quận 12 có dự án đường Tô Ký mức đầu tư gần 78 tỉ đồng.

Các huyện vùng ven như Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi mỗi huyện sẽ có một dự án.

Tới đây, TP. HCM sẽ nạo vét rạch Xuyên Tâm đoạn qua Bình Thạnh - Gò Vấp. Ảnh: Thái Sơn

Đặc biệt, ngoài 11 dự án xây dựng, thành phố thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước. Cụ thể: dự cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp), kênh Hy Vọng (quận Tân Bình),…

Đồng thời khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là gói thầu quan trọng nhất của dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2) giúp hoàn thành quy trình khép kín việc xử lý nước thải cho 7 quận ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Sau khi hoàn thành, nước thải sẽ được xử lý thay vì bơm ra sông Sài Gòn như hiện tại.

Nguồn tiền từ đâu?

Theo các chuyên gia nhận định, với số tiền 101.000 tỉ đồng cho công cuộc chống ngập trong 5 năm là áp lực cực kỳ lớn đối với TP. HCM. Những năm qua, việc thiếu vốn, thiếu tiền là một trong những nguyên nhân chính khiến TP. HCM chống mãi không hết ngập.

PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM) cho biết, để công tác chống ngập hiệu quả, TP. HCM phải xác định trách nhiệm chống ngập thuộc về ai và tiền ở đâu chống ngập.

Một hộ dân sinh sống trên đường Ung Văn Khiêm. Ảnh: Quế Sơn

Vị PGS-TS này cho rằng, trong thời gian qua, việc phân bổ vốn cho công tác chống ngập tại TP. HCM luôn làm theo kiểu manh mún dẫn đến ách tắc, khó khăn không cần thiết.

Theo PGS.TS Hồ Long Phi, trong công tác chống ngập, nếu giải pháp kỹ thuật là phần ngọn, nguồn vốn huy động để chống ngập là phần gốc thì cần tạo cơ chế đột phá giải quyết phần gốc trước. Có nghĩa là phải có cơ chế tài chính đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, lâu nay, các dự án chống ngập chủ yếu do nhà nước đảm nhận kiểu bao cấp, giải pháp hợp tác công - tư thì thường làm theo hình thức hợp đồng (BT) đổi đất lấy hạ tầng nhưng phương án xã hội hóa giống các dịch vụ công ích khác như giao thông, y tế… lại chưa được quan tâm.

Có tiền, có hết ngập?

Theo Sở xây dựng TP. HCM, dù tất cả các dự án hoàn thành thì khả năng kiểm soát ngập ở TP. HCM 100% là điều không thể thực hiện được.

Bởi, TP. HCM là một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngập ở TP. HCM là "lũ hiền", người dân nên thích nghi với nó. Ảnh: Quế Sơn.

Theo dự báo khi biến đổi khí hậu diễn ra, diện tích bị ngập của TP. HCM đến cuối thế kỷ 21 lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473 km2 tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65 cm, 75 cm và 100 cm.

Do đó, TP. HCM xác định phải nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất.

PGS-TS Hồ Long Phi cho biết thêm, để việc chống ngập hiệu quả, ngoài yếu tố kỹ thuật cống, ngăn triều, trữ nước, bơm nước... thì TP. HCM cũng phải triển khai xây dựng hệ thống điều hành một cách đồng bộ.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chi-them-43-ty-usd-tp-hcm-co-het-ngap-post135896.html