Chi phí bảo dưỡng một chiếc Vespa cao ngang ngửa bảo dưỡng xe ô tô?

Bảo dưỡng xe Vespa đắt ngang ngửa với bảo dưỡng một chiếc ô tô và sự thật là thế nào?

Mới đây trên một trang mạng xã hội về Vespa, một thành viên hỏi: “Nay đi bảo dưỡng xe gần 13.000 km, họ bảo hao mòn và thay gồm lốp sau, bugi, bi côn, đệm côn cùng một số bộ phận khác với chi phí hết 1,77 triệu đồng và chi phí cho người làm cũng gần 1,2 triệu đồng. Mọi người tư vấn giúp mình cần thay thế và kiểm tra những gì?”

Cần quan sát để thay thế đúng

Phía dưới phần bình luận của các thành viên, nhiều người cho rằng mới di chuyển 13.000 km thì thay lốp sau là không cần thiết.

Một ý kiến chia sẻ: “Xe mình đi 15.000 km mới thay lốp sau, đến nay đã di chuyển được 18.000 km vẫn chưa thay tới bugi”.

Anh Ngô Văn cho rằng: “Nếu xe để ngoài nắng nhiều vết rạn, chai lốp thì nên thay thế lốp mới, còn về mòn lốp thì đi nhanh thắng nhiều hoặc đường xấu sẽ dẫn đến lốp mòn nhanh hơn là chuyện hết sức bình thường”.

Bảo dưỡng xe Vespa có đắt như bảo dưỡng một chiếc ô tô. (Ảnh minh họa)

Chị Minh Thu cũng cho biết: “Một số phụ tùng thay theo định kỳ, bạn xem cái nào cảm thấy cần thay thì mình thay vì xe là của mình, mình sẽ quan sát và cảm nhận dễ nhất”.

Một ý kiến khác cho biết: “Trừ bi côn ra thì tất cả những thứ trên đều không phải thay thế ở số quãng đường 13.000 km”.

Mỗi thời gian cần chú trọng mỗi bộ phận khác nhau

Theo các chuyên gia chia sẻ, mỗi số quãng đường khác nhau thì các chủ xe sẽ phải “chăm sóc” chiếc xe ở mức độ khác nhau.

Cụ thể, khi xe máy đã di chuyển được khoảng 6.000 km, chủ xe cần bảo dưỡng một số bộ phận gồm: Thay mới dầu máy và dầu dành riêng cho hộp số, kiểm tra làm sạch Bugi và thay thế bộ lọc dầu, làm sạch chế hòa khí, bộ lọc gió, kiểm tra tốc độ xe không tải và độ ổn tiêu chuẩn của động cơ, làm sạch hệ thống truyền động và bổ sung nước làm mát hệ thống, kiểm tra tay phanh, hệ thống điện, kiểm tra lốp, tay ga, dây phanh, má phanh và siết chặt các mối nối. Chạy thử và đánh giá tình trạng chung của xe.

Ở mốc 9.000 km, các chuyên gia cho rằng việc bảo dưỡng đơn giản hơn. Cụ thể, các chủ xe chỉ cần thay dầu dành cho hệ thống máy và hộp số, kiểm tra làm sạch lọc gió và bugi, nếu thấy có lỗi nặng thì thay thể, kiểm tra xem hệ thống truyền động, nước và điện.

Sau khi xe chạy được 12.000.000 km: Thay thế dầu máy và dầu chuyên dụng của hộp số. Đồng thời chủ xe cần thay dây curoa, bugi, lọc dầu, nước làm mát, dầu phanh, kiểm tra bộ chế hòa khí và bộ lọc gió. Đánh giá khe hở xu páp và điều chỉnh cho hợp lí. Sau đó xem xét tình trạng đường ống dẫn nước làm mát và sửa chữa khi có khe hở.

Ở giai đoạn này, chủ xe cũng cần kiểm tra tay phanh, má phanh, hệ thống điện, các loại bóng đèn, ắc-qui xe. Siết chặt bu lông, ốc vít. Đồng thời kiểm tra tình trạng trục tay lái và bộ giảm xóc, chống rung.

Đặc biệt đối với bảo dưỡng định kỳ khi xe đã chạy được 13.000 km, một số chuyên gia đánh giá bảo dưỡng xe Vespa còn cao hơn cả bảo dưỡng ô tô. Chủ xe cần kiểm tra các bộ phận gồm: Thay mới dầu máy, thay thế dầu dành riêng cho hộp số, làm sạch ống nước, thay thể nước mát sau đó kiểm tra tình trạng của đường ống, kiểm tra bộ truyền động của xe, kiểm tra tình trạng tay phanh. Xem xét bề mặt lốp và kiểm tra áp suất, kiểm tra hệ thống chống rung.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là khuyến cáo của các chuyên gia để đảm bảo chiếc xe tham gia giao thông an toàn. Việc thay thế, bảo dưỡng bộ phận nào còn tùy thuộc vào "phong cách" lái xe, cách bảo dưỡng xe trước đó của chủ xe.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chi-phi-bao-duong-mot-chiec-vespa-cao-ngang-ngua-bao-duong-xe-o-to-post785720.html