Chỉ nhắn tin khiếm nhã, không đụng chạm, có phải là quấy rối?

Theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc, hành vi gợi ý, đòi hỏi về tình dục bằng ngôn ngữ, gửi thư, tin nhắn, gọi điện, đùa giỡn, đặt câu hỏi hoặc bình luận về tình dục đều là quấy rối.

Ngô Hoàng Anh (22 tuổi), người trẻ nhất trong danh sách Forbes Under 30, vừa bị tố gạ tình nhiều nữ sinh qua tin nhắn. Các nạn nhân đều trong độ tuổi 15-19.

“Hành vi quấy rối của Hoàng Anh lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, dù các nạn nhân đã thể hiện cảm xúc khó chịu và lời từ chối”, Kim Anh, một trong những nạn nhân, kể lại với Zing.

Cùng lúc với làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, có không ít ý kiến trái chiều lại khẳng định việc trả lời tin nhắn thể hiện sự đồng thuận của nạn nhân.

Nhiều bình luận còn cho rằng vài dòng tin nhắn không đủ để cấu thành hành vi quấy rối tình dục bởi nạn nhân không bị đụng chạm thể xác.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cứ chạm vào mới là quấy rối.

Ngô Hoàng Anh xuất hiện trong danh sách người dưới 30 tuổi nổi bật năm 2022 của Forbes Việt Nam. Ảnh chụp từ trang chủ Forbes.

Quấy rối qua tin nhắn

Liên Hợp Quốc định nghĩa quấy rối tình dục là hành vi tình dục mà người bị tác động không mong muốn, có thể là hành vi gợi ý, đòi hỏi về tình dục bằng ngôn ngữ hay đụng chạm cơ thể.

Theo định nghĩa, nhìn chằm chằm hoặc thể hiện cử chỉ mà người đó không muốn; gửi thư, tin nhắn, gọi điện tán tỉnh, đùa giỡn, đặt câu hỏi hoặc bình luận về tình dục khiến đối tượng khó chịu; gọi một người trưởng thành là “gái”, “khoai to”, “em yêu”; huýt sáo trêu ghẹo; hay khi thảo luận công việc lại chuyển qua nói chủ đề tình dục đều là quấy rối.

Định nghĩa này nhấn mạnh yếu tố “không mong muốn" của hành động. Nạn nhân bị quấy rối tình dục bề ngoài vẫn có thể chấp nhận để hành vi đó diễn ra ở mức độ nào đó, nhưng nó vẫn là hành vi xúc phạm và gây khó chịu.

Người thực hiện hành vi quấy rối có thể là bất kỳ ai, giới tính nào và có mối quan hệ với nạn nhân hay không. Đó có thể là bạn bè, đồng nghiệp, giáo viên, lãnh đạo cấp trên… hoặc một người xa lạ.

Cố thị trưởng Park Won-soon vốn là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhiều thập kỷ qua, công khai ủng hộ hôn nhân đồng giới và nữ quyền. Ảnh: Reuters.

Cuối tháng 1/2021, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRC) nhận định cố thị trưởng Seoul Park Won-soon đã quấy rối tình dục thư ký của mình, theo CNN.

Báo cáo từ NHRC cho thấy nạn nhân đã được yêu cầu thực hiện nhiều công việc nhạy cảm, bao gồm cả việc xử lý đồ lót của Park trước và sau khi ông tắm.

Luật sư của nữ thư ký cho biết Park đã gửi cho thân chủ mình các bức ảnh ông mặc đồ lót, cũng như những tin nhắn tục tĩu vào đêm khuya qua ứng dụng Telegram.

Tại Thượng Hải (Trung Quốc), một cô gái đã kiện nam đồng nghiệp ra tòa do liên tục nhận tin nhắn quấy rối từ người này suốt thời gian dài, theo Sixth Tone.

Theo báo cáo, Wang Li, nạn nhân, và Xu Qiang làm việc trong cùng bộ phận tại một công ty. Bắt đầu từ tháng 8/2019, Xu gửi cho Wang các tin nhắn tục tĩu, quấy rối gần như hàng ngày, một số còn ám chỉ đến cưỡng hiếp và tự sát.

Phiên tòa xét xử vụ việc của Xu Qiang. Ảnh: The Paper.

Vào tháng 3/2020, Wang chặn số điện thoại, tài khoản mạng xã hội của Xu đồng thời báo cáo hành vi của anh ta với công ty. Tuy nhiên, sự quấy rối vẫn tiếp tục.

Không thể chịu đựng thêm, Wang Li đã xin nghỉ từ tháng 5/2020 với lý do bệnh tật. Cô được chẩn đoán bị trầm cảm và lo lắng nghiêm trọng. Với sự hỗ trợ từ các bác sĩ và gia đình, Wang đã báo cảnh sát.

Theo phán quyết của tòa án nhân dân quận Dương Phố (Thượng Hải), Xu Qiang phải bồi thường ít nhất 98.000 NDT cho nạn nhân Wang Li về các hóa đơn y tế, tiền lương bị mất, chi phí đi lại, phí pháp lý và tổn thất về tinh thần.

Tuy nhiên, Li Mingxia, luật sư của Wang, nhận thấy thân chủ của cô đang phải chịu những tổn thương dai dẳng.

Tổn thương dai dẳng

Theo tổ chức Equal Rights Advocates đấu tranh cho bình bằng giới ở nơi làm việc và trường học ở Mỹ, nạn nhân của quấy rối tình dục có thể bị ảnh hưởng tâm lý đáng kể, bao gồm lo lắng, trầm cảm, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, giảm hoặc tăng cân, buồn nôn, hạ thấp lòng tự trọng và rối loạn chức năng tình dục.

Bác sĩ Colleen Cullen, một nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép, lưu ý rằng đối với nạn nhân của quấy rối tình dục, các chẩn đoán phổ biến nhất là trầm cảm, lo lắng, và thậm chí là rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

“Trải nghiệm bị quấy rối có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm và lo âu mới đối với người đó; hoặc nó có thể làm trầm trọng thêm chứng bệnh trước đó từng được kiểm soát hoặc giải quyết. Tình trạng bệnh cũng có thể chuyển biến xấu đi”, ông nói với NBC News.

Bác sĩ chia sẻ thêm: “Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng một người bị quấy rối tình dục khi mới bắt đầu công việc, sự nghiệp có thể gặp các triệu chứng trầm cảm lâu dài”.

Nạn nhân bị quấy rối tình dục chịu tổn thương nhiều về mặt tâm lý. Ảnh minh họa: Unsplash.

Về phía Kim Anh, khi trò chuyện với Zing, cô kể mình phải mất nhiều thời gian để nguôi ngoai và quên đi sự việc. Cô cũng cho biết có nạn nhân đã phải đi điều trị tâm lý.

Khi sự việc từ năm 2018 dậy sóng một lần nữa, đến nay, cô vẫn chỉ trông đợi một lời xin lỗi từ phía kẻ từng quấy rối mình.

“Mình chỉ cần lời xin lỗi thỏa đáng, đồng thời cam kết không để sự việc tương tự tái diễn. Ai cũng xứng đáng nhận lời lẽ tôn trọng thay vì những câu chữ về nhục dục”, cô nói.

*Tên các nạn nhân trong bài đã được thay đổi để bảo vệ sự riêng tư.

Danh sách Under 30 vinh danh các gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam năm 2022 ở 4 lĩnh vực: kinh doanh và khởi nghiệp; hoạt động xã hội; khoa học giáo dục; sáng tạo nghệ thuật - giải trí và thể thao.

Trong danh sách này, Ngô Hoàng Anh được giới thiệu là trưởng đơn vị nhóm chuyên gia công nghệ thông tin dự báo Phòng chống dịch Covid-19, thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-nhan-tin-khiem-nha-khong-dung-cham-co-phai-la-quay-roi-post1297007.html