Chỉ một nửa người Đông Nam Á tin biến đổi khí hậu gây ra 'mối đe dọa nghiêm trọng'

Theo một cuộc khảo sát, chưa đến một nửa số người Đông Nam Á nhận thức được tình trạng biến đổi khí hậu đang ở mức độ khẩn cấp, dù khu vực này đang trải qua những thảm họa thời tiết cực đoan do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra.

Chỉ 49,4% số người được hỏi ở Đông Nam Á cho biết họ coi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa nghiêm trọng và ngay lập tức đối với sự thịnh vượng của đất nước họ”. Đó là một kết luận của "Báo cáo Khảo sát Triển vọng Khí hậu Đông Nam Á: Năm 2023".

Cháy rừng ở tỉnh Nam Kalimantan, Indonesia vào ngày 29 tháng 9 năm 2019. Ảnh: Reuters

Báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á lưu ý: “Tuy nhiên, có một tỷ lệ gần như bằng nhau số người được hỏi (41,9%) cho rằng cần phải theo dõi biến đổi khí hậu”.

Cuộc khảo sát được thực hiện trong bốn tuần từ tháng 7 đến tháng 8 năm nay, đã thu thập câu trả lời của 2.225 người Đông Nam Á trên tất cả 10 quốc gia trong khu vực.

Theo báo cáo, 7 trong 10 người được hỏi bày tỏ mối lo ngại đáng kể về nguồn cung cấp thực phẩm và khả năng chi trả do tác động của khí hậu trong 3 năm tới.

Hơn 40% số người được hỏi ở Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines cũng lo ngại về sự suy giảm nghề cá do đại dương nóng lên và thời tiết khó lường.

Dựa trên khảo sát, lũ lụt (79,0%), nắng nóng (51,4%) và hạn hán (47,6%) được xác định là những tác động khí hậu cấp bách nhất đối với nông nghiệp trong khu vực.

Để giải quyết các vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người được hỏi cho rằng các chính phủ phải ưu tiên nhu cầu về các phương pháp canh tác thích ứng với khí hậu (67,2%), tăng sản xuất lương thực trong nước (56,6%) và đầu tư vào nông sản thực phẩm (63,9%).

Cuộc khảo sát chỉ ra: “Trách nhiệm lớn nhất đối với biến đổi khí hậu vẫn nghiêng về phía các chính phủ quốc gia, cho thấy người dân ASEAN rất kỳ vọng chính quyền quốc gia của họ sẽ đi đầu trong việc đưa ra các tầm nhìn và quy định rõ ràng hơn về khí hậu cho nền kinh tế của họ”.

Bên cạnh kỳ vọng các chính phủ sẽ đi đầu trong việc giải quyết các vấn đề về khí hậu, phần lớn số người được hỏi ở 10 quốc gia cũng đang đóng vai trò của mình bằng cách thay đổi lối sống của bản thân với mục đích hành động vì khí hậu.

Theo báo cáo, 83,7% số người được hỏi ở Đông Nam Á cho biết họ đã hành động vì khí hậu bằng cách giảm sử dụng nhựa dùng một lần, với hơn một nửa (56,9%) số người được hỏi cũng cho biết họ tích cực giảm sử dụng điện.

Với nhiệt độ phá kỷ lục gây chú ý trong năm qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo hôm thứ Tư rằng “nhân loại đã mở cánh cổng địa ngục”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “chúng ta vẫn có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C”, đề cập đến mục tiêu được coi là cần thiết để tránh thảm họa khí hậu lâu dài.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ, ngày 3/7 năm nay là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tháng 8 năm nay đạt 17,01 độ C, vượt kỷ lục tháng 8/2016 là 16,92 độ C.

Mai Anh (theo CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chi-mot-nua-nguoi-dong-nam-a-tin-bien-doi-khi-hau-gay-ra-moi-de-doa-nghiem-trong-post265684.html