Chị Minh Thư kiên trì, bén duyên với sản phẩm bò một nắng

Với mong muốn quảng bá đặc sản địa phương đi xa hơn, chị Nguyễn Thị Minh Thư (SN 1988, ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) đã dành gần 5 năm để khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu bò một nắng Minh Thư. Sau nhiều năm kiên trì, sản phẩm bò một nắng Minh Thư đã có chỗ đứng trên thị trường, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023.

Chị Nguyễn Thị Minh Thư (bên trong) giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: NGÔ XUÂN

Khởi nghiệp từ món ăn quen thuộc

Sau một thời gian ấp ủ, năm 2018, chị Nguyễn Thị Minh Thư quyết định khởi nghiệp với sản phẩm bò một nắng - món ăn quen thuộc của người dân miền núi Sông Hinh. Chị Thư luôn cố gắng tiếp thu kinh nghiệm của người đi trước và nỗ lực tìm kiếm chỗ đứng cho riêng mình.

Nguyên liệu làm thịt bò một nắng được chị Thư sử dụng chủ yếu là thịt thăn, bắp đùi, loại bỏ hoàn toàn phần gân, mỡ thừa để có được miếng thịt đẹp, nguyên miếng. Sau khi làm sạch, thịt bò được cắt thành từng miếng dày từ 2-3cm rồi ướp gia vị cho vừa ăn. Sau khoảng 3 giờ, thịt thấm đều, đưa vào lò sấy trong 4-5 giờ thì ra thịt thành phẩm. Cuối cùng là công đoạn cân, đóng gói, hút chân không và bảo quản trong tủ đông.

Thời gian đầu, khách mua hàng chủ yếu là bạn bè, người thân. Để mở rộng thị trường, chị Thư tận dụng ưu thế của các trang mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm. Ban đầu, khách hàng chưa quen nên sản phẩm tiêu thụ rất chậm. Không nản chí, chị Thư kiên nhẫn lắng nghe mọi lời nhận xét, góp ý của khách hàng, rồi điều chỉnh gia vị tẩm ướp, độ cay, độ mặn phù hợp với thị hiếu của số đông người dùng. Sau hơn 5 năm, sản phẩm bò một nắng Minh Thư được tiêu thụ cả thị trường trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh.

Chị Minh Thư cho biết: Ngày xưa, mẹ tôi chuyên thu mua và phân phối thịt bò tươi ở thị trấn Hai Riêng. Những khi thịt nhiều, mẹ thường làm bò một nắng để gia đình ăn và làm quà tặng. Tôi rất yêu thích món ăn này, do vậy khi quyết định khởi nghiệp, tôi luôn khắt khe trong việc chọn nguyên liệu. Thịt bò phải là bò cỏ địa phương, chế biến ngay khi miếng thịt còn tươi. Các công đoạn sơ chế, chế biến cũng phải bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chị Lê Thị Ngọc Ánh ở thị trấn Hai Riêng cho biết: Sông Hinh có rất nhiều cơ sở chế biến bò một nắng; mỗi nơi đều có một hương vị khác nhau. Thế nhưng, tôi rất thích ăn bò một nắng của cơ sở Minh Thư vì thịt mềm, ngọt tự nhiên, gia vị vừa phải, rất hợp khẩu vị của người dân bản địa. Mấy năm nay, đây là sản phẩm được gia đình tôi ưu tiên lựa chọn mỗi khi mua quà tặng biếu người thân, bạn bè.

Mạnh dạn đầu tư, xây dựng thương hiệu

Sau khi sản phẩm được biết đến rộng rãi, chị Thư đầu tư hơn 300 triệu đồng mở nhà xưởng, mua thêm máy sấy, tủ đông để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở chế biến khoảng 50-70kg thịt bò một nắng, 30kg thịt heo một nắng để cung cấp ra thị trường. Vào những dịp lễ tết, sản lượng chế biến được nâng lên gấp 3-4 lần ngày thường. Bình quân, mỗi tháng cơ sở đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng.

Chị Thư chia sẻ: “Để có thành công thì đôi khi phải chấp nhận những thất bại. Quan trọng nhất vẫn là bảo đảm chất lượng sản phẩm và xây dựng được thương hiệu. Đó là điều tôi luôn tâm niệm từ khi bắt đầu khởi nghiệp”. Hiện chị đang nghiên cứu đầu tư thêm một số máy móc thiết bị để làm món thịt bò tảng, bò xé sợi ăn liền; dự kiến sẽ ra mắt vào dịp tết Nguyên đán 2024.

Anh Hồ Vĩnh Hưng, Bí thư Huyện đoàn Sông Hinh, cho biết: Hàng năm, Huyện đoàn Sông Hinh luôn dành một phần kinh phí để khuyến khích, động viên đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Đối với cơ sở bò một nắng của chị Nguyễn Thị Minh Thư, ngoài hỗ trợ quảng bá sản phẩm, Huyện đoàn Sông Hinh còn hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục cần thiết để xây dựng sản phẩm bò một nắng Minh Thư trở thành sản phẩm OCOP của Sông Hinh. Vừa qua, sản phẩm này được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023. Đây là kết quả của quá trình khởi nghiệp đầy kiên trì, nỗ lực của Minh Thư.

Hàng năm, Huyện đoàn Sông Hinh luôn dành một phần kinh phí để khuyến khích, động viên đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Huyện đoàn còn hướng dẫn đoàn viên thanh niên xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP và phát triển các dòng sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương.

Anh Hồ Vĩnh Hưng, Bí thư Huyện đoàn Sông Hinh

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/420/308082/chi-minh-thu-kien-tri-ben-duyen-voi-san-pham-bo-mot-nang.html