Chỉ huy trại tập trung tàn bạo nhất thời Đức Quốc xã - Kỳ 1

Một trong những bộ phim nổi tiếng nhất về nạn diệt chủng người Do Thái Holocaust là 'Schindler's List' (tạm dịch: Bản danh sách của Schindler). Đây là bộ phim mang tính biểu tượng nhất về Holocaust từng được sản xuất. Một phần lý do khiến bộ phim này nổi tiếng như vậy chắc chắn là nhờ khắc họa bản chất thú tính của chỉ huy trại tập trung Amon Goeth.

Kỳ 1: Con đường hình thành kẻ sát nhân

Amon Goeth là ai? Hắn thực sự là một kẻ giết người tàn bạo hay một nhân vật phản diện nguyên mẫu được kịch tính hóa quá mức trong phim?

Amon Goeth. Ảnh: U.S. Army Archives

Goeth sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Vienna vào năm 1908. Gia đình Goeth điều hành một công ty xuất bản thành công ở Vienna.

Vì công việc của công ty, cha Goeth thường đi công tác xa để phát triển công việc kinh doanh mới, còn mẹ ở lại quản lý công việc hàng ngày của công ty. Những người thân khác thường chăm sóc Goeth trong suốt thời thơ ấu và thiếu niên.

Kết quả là Goeth lớn lên với lòng căm phẫn cha mẹ mình vì cảm thấy họ đã bỏ mặc mình để theo đuổi công việc kinh doanh. Không muốn vào công ty xuất bản của cha mình, thay vào đó, Goeth có niềm đam mê mãnh liệt với tất cả các môn thể thao.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Goeth theo học ngành nông nghiệp. Goeth bỏ học sau vài học kỳ và miễn cưỡng đảm nhận công việc kinh doanh của gia đình.

Dù bỏ học giữa chừng nhưng Goeth đã học được một bài học từ trường đại học: tình yêu với chủ nghĩa Quốc xã. Sau này, Goeth tuyên bố rằng các bạn cùng lớp đại học đã cực đoan hóa mình. Ngay sau khi vào đại học, Goeth gia nhập chi nhánh của đảng Quốc xã ở Áo vào năm 1925. Trong thời gian này, đảng Quốc xã ở Áo bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch khủng bố trên khắp đất nước.

Đánh đập, cướp bóc, đánh bom và giết người là những chiêu trò phổ biến của Đức Quốc xã trong thời gian này. Không rõ liệu Goeth có trực tiếp tham gia vào những tội ác này hay không. Tuy nhiên, thực tế là hắn đã đóng vai trò là người chuyển vũ khí, chất nổ, tiền bạc, tin nhắn và thiết bị liên lạc vào và ra khỏi Áo. Thậm chí còn có tin đồn rằng hắn có liên quan đến vụ ám sát Thủ tướng Áo năm 1934.

Sau vụ ám sát này, chính phủ Áo đã trấn áp Đức Quốc xã. Hàng nghìn người bị bắt, trong đó có Goeth. May mắn thay cho hắn, chính quyền Áo đã sớm thả hắn và sau đó, hắn trốn sang Đức. Nhưng ngay cả khi Goeth chính thức làm việc tại Đức, hắn vẫn tuồn lậu vũ khí và thông tin cho đảng Quốc xã ở Áo.

Goeth đã kết hôn với người vợ đầu tiên, nhưng cuộc hôn nhân này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và cuộc ly hôn đã khiến Goeth rời khỏi Giáo hội Công giáo. Sau khi Áo bị Adolf Hitler sáp nhập, Goeth trở lại Vienna vào năm 1938, có cuộc hôn nhân thứ hai với một người phụ nữ tên Anna Geiger.

Goeth tiếp tục làm việc trong công ty xuất bản của cha mình và công khai thực hiện các chính sách của Đức Quốc xã. Vào thời điểm chiến tranh nổ ra, hắn đã giành được danh hiệu “Cựu cận vệ” nhờ gia nhập đảng Quốc xã vào năm 1925. Hắn cũng đã gia nhập lực lượng SS vào năm 1930 và là thành viên chính thức vào năm 1933.

Có thể vì lý do này mà Goeth đã được chọn cho nhiệm vụ đầu tiên. Khi chiến tranh nổ ra, Goeth vẫn đang làm việc ở Vienna. Nhưng ngay khi quân đội Phát xít chinh phục Ba Lan, hắn nhận được nhiệm vụ mới.

Hắn tự hào khoe trong hồ sơ nhân sự của mình rằng mình được chọn vào đầu năm 1940 để phục vụ ở một trong các đơn vị Sonderkommando. Sonderkommando là các đơn vị làm việc gồm các tù nhân trại tử thần của Đức Quốc xã. Họ gồm có các tù nhân, thường là người Do Thái, những người bị ép buộc, dọa giết để phải làm công việc xử lý các nạn nhân chết trong phòng hơi ngạt trong vụ thảm sát Holocaust.

Amon Goeth nhìn ra trại tập trung Płaszów từ ban công biệt thự. Ảnh: U.S. Army Archives

Địa điểm làm việc đầu tiên của hắn là ở Thượng Đông Silesia ở phía Tây Nam Ba Lan ngày nay. Tại đây, hắn được một người tên là Albrecht Schmelt dẫn dắt.

Nhiệm vụ của Goeth ở đây là xác định và tách người dân tộc Đức khỏi người Do Thái. Sau đó, hắn sẽ đưa mọi người đi để phân công công việc, tập hợp mọi người và kiểm đếm toàn bộ lao động người Do Thái.

Goeth đã nhiều lần giúp cải tổ lực lượng lao động cưỡng bức của Schmelt. Hắn đã tạo ra nhiều tiền cho Schmelt đến mức Schmelt có thể gửi lại hàng triệu Reichsmark cho chính phủ. Schmelt cũng có thể ăn trộm đủ số tiền để mua một dinh thự và bỏ túi 40.000 USD tiền mặt.

Những năm tháng này đã biến Goeth thành một con quái vật. Hắn bắt đầu giết người bằng cách bắt người Do Thái làm nô lệ và bóc lột họ. Hắn biết rằng giết người cũng có thể là một cơ hội làm ăn.

Goeth đã giúp Schmelt kiếm được số tiền lớn và được Schmelt nhiều lần khen ngợi về việc đó. Điều này đã giúp hắn có được nhiệm vụ tiếp theo. Đây là nhiệm vụ đã đưa Goeth lên chức chỉ huy trại tập trung Płaszów.

Đón đọc kỳ cuối: “Con chó khát máu ở Lublin”

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo Historydefined)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/chi-huy-trai-tap-trung-tan-bao-nhat-thoi-duc-quoc-xa-ky-1-20231121094406662.htm