Chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội chỉ như… “lời nói gió bay”

UBND thành phố chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm tại Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà, huyện Đông Anh! Vậy nhưng, nhìn vào kết quả thực hiện thực tế thì chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội chẳng khác nào… “lời nói gió bay”.

Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà, Đông Anh ngày càng thêm méo mó, dị dạng so với mục tiêu ban đầu đề ra. Ảnh: Thanh Hoa

Lý do là, hơn một năm sau, hàng chục công trình thuộc diện buộc phải cưỡng chế vẫn… “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thêm 3 công trình không phép, sai phép đã và đang vô tư mọc lên khiến Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà càng thêm méo mó, dị dạng so với mục tiêu ban đầu đề ra.

Chỉ đạo kiểu “đầu voi”

Ngày 22/5/2015, Báo Thanh tra đăng tải bài viết đầu tiên “Đông Anh, Hà Nội: Biến tướng Cụm sản xuất làng nghề” phản ánh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng xảy ra phổ biến và nhiều xưởng sản xuất, nhà trưng bày có dấu hiệu bị “biến tướng” thành các biệt thự, nhà cao tầng để ở. Tuy nhiên, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, chậm xử lý để tình trạng vi phạm xây dựng tiếp diễn phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.

Sau khi bài báo được đăng tải, ngày 23/6/2015, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 4078/VP-XDGT giao UBND huyện Đông Anh kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quản lý trật tự xây dựng đô thị theo phản ánh của Báo Thanh tra, báo cáo kết quả về UBND thành phố.

Ngày 24/6/2015, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với Đội Thanh tra xây dựng huyện Đông Anh, UBND xã Vân Hà kiểm tra thực tế tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Vân Hà. Căn cứ vào kết quả kiểm tra thực tế và hồ sơ có liên quan, Sở Xây dựng nhận thấy Báo Thanh tra phản ánh là “có cơ sở”.

Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 5789/SXD-TTr gửi ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Cụm sản xuất.

Văn bản số 5789 xác định có 15 trường hợp xây dựng sai phép, 7 trường hợp xây dựng không phép. Tại thời điểm kiểm tra, 14 trường hợp đã hoàn thiện đưa vào sử dụng và 8 trường hợp các chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục thi công xây dựng.

Ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh(ngoài cùng bên trái) có trách nhiệm chỉ đạo ngăn chặn, cương quyết xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh: Internet

Trước vi phạm nghiêm trọng kể trên, Sở Xây dựng đề nghị ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chỉ đạo UBND xã Vân Hà:

“Áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn để đình chỉ tuyệt đối việc thi công xây dựng đối với chủ đầu tư có hành vi vi phạm trật tự xây dựng đang tiếp tục thi công xây dựng. Không để công trình vi phạm quy mô lớn khó xử lý; đặc biệt đối với các trường hợp không sử dụng đúng mục đích cần phải được kiểm tra, lập hồ sơ xử lý và ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu.

Phối hợp với Đội Thanh tra Xây dựng huyện Đông Anh, các phòng ban chức năng của huyện và các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm, báo cáo UBND huyện Đông Anh để cương quyết tổ chức xử lý nghiêm, triệt để công trình, bộ phận công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại các địa chỉ nêu trên theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành

Tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trật tự xây dựng”.

Xử lý thành… “đuôi chuột”

Thực tế, “cương quyết xử lý nghiêm, triệt để” nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng tại Cụm sản xuất được Sở Xây dựng đề nghị UBND huyện Đông Anh thực hiện, chỉ nằm… im trên giấy.

Theo ghi nhận của phóng viên tại thời điểm tháng 8/2016, toàn bộ 22 công trình xây dựng không phép, sai phép tại Cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Vân Hà đều được đưa vào sử dụng bình thường, không hề có bất kỳ dấu hiệu bị xử lý nào.

Đặc biệt, 8 trường hợp thi công dang dở đã được Sở Xây dựng chỉ ra, yêu cầu có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để nhưng đến nay đã hoàn thiện xong.

Sự “bất lực” của các chỉ đạo của thành phố Hà Nội còn thể hiện là, chẳng những không xử lý vi phạm cũ mà từ đầu năm 2016 đến nay, 3 công trình xây dựng nhà cao tầng sai phép, không phép tiếp tục được xây dựng trước sự “chứng kiến” của UBND xã Vân Hà, Đội Thanh tra xây dựng huyện Đông Anh, UBND huyện Đông Anh.

Các công trình vi phạm gấp rút hoàn thiện. Ảnh: Thanh Hoa

Theo tìm hiểu của phóng viên, 2 công trình xây dựng sai phép mới phát sinh do ông Nguyễn Minh Sơn và ông Nguyễn Văn Thịnh làm chủ đầu tư, còn 1 công trình xây dựng không phép do bà Đào Thị Hiền Anh làm chủ đầu tư.

Theo hồ sơ, cả 3 công trình trên đều được xây dựng trên những lô đất đã được chia nhỏ và đều được lực lượng chức năng ở huyện Đông Anh phát hiện, lập hồ sơ xử lý từ lúc mới khởi công, vào khoảng tháng 3/2016.

Đương nhiên, hồ sơ xử lý vi phạm đối với các công trình vi phạm mới này của cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương vẫn “tròn bài” như bao công trình khác.

Thậm chí, ngày 20/4/2016, ông Trần Đình Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh còn ký Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm do ông Thịnh và ông Sơn làm chủ đầu tư. Còn Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình của bà Đào Thị Hiền Anh do ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch UBND xã Vân Hà (hiện là Bí thư Đảng ủy xã) ký ngày 13/5/2016.

Có lẽ văn bản cưỡng chế được ban hành chỉ để “xòe ra” khi có cơ quan thanh tra, kiểm tra “sờ” đến, bởi lẽ thực tế không hề triển khai!? Bằng chứng là, các công trình vi phạm vẫn tồn tại, “ngông nghênh” coi thường pháp luật.

Trước thực trạng kể trên, thiết nghĩ, UBND thành phố Hà Nội cần tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện mệnh lệnh hành chính của cấp trên, tránh để tình trạng “trên bảo dưới không nghe” như ở huyện Đông Anh trở thành thói quen gây trì trệ cho cả bộ máy quản lý Nhà nước của thành phố.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Trên địa bàn huyện Đông Anh, tình trạng chỉ đạo của UBND thành phố chỉ như… “lời nói gió bay” trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà không phải là duy nhất.

Đơn cử, vụ việc dòng họ Hoàng Văn (xóm Thượng, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) tố cáo UBND huyện Đông Anh cấp sổ đỏ trái quy định pháp luật gây bức xúc trong nhân dân suốt thời gian dài.

Ngày 18/11/2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có Thông báo 133/TB-UBND yêu cầu UBND huyện Đông Anh hủy tấm sổ đỏ trên, đồng thời rút kinh nghiệm trong việc chậm xử lý đơn thư và kiểm điểm các tổ chức, cá nhân trong việc cấp tấm sổ S 199939.

Tuy nhiên, mặc dù đã có sự nhắc nhở nhưng UBND huyện Đông Anh vẫn “viện” nhiều lý do, chậm trễ thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Thanh Hoa

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/chi-dao-cua-ubnd-thanh-pho-ha-noi-chi-nhu-loi-noi-gio-bay_t114c39n108315