Chỉ có con đường chuyển đổi số

Kế hoạch nhằm giúp các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được lên môi trường số, tiếp cận thiết bị thông minh sử dụng mạng 4G/5G, thay thế cho mạng 2G xuất hiện từ thập niên 90, vốn gắn liền với điện thoại 'cục gạch'.

Không chỉ dừng điện thoại “cục gạch”

Ngày gần cuối tháng 12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 có ít nhất 1 thiết bị thông minh. Cụ thể, 1 thiết bị thông minh đó là máy tính bảng, điện thoại thông minh. Những đối tượng được hỗ trợ trên phải đáp ứng các điều kiện riêng để được nhận thiết bị thông minh nào và chỉ được hỗ trợ một lần với một thiết bị. Kế hoạch này nhằm giúp các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh được lên môi trường số, tức tiếp cận thiết bị thông minh sử dụng mạng 4G/5G, thay thế cho mạng 2G xuất hiện từ thập niên 90, vốn gắn liền với điện thoại “cục gạch”. Qua đó, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang sử dụng thiết bị thông minh, đồng thời cũng lan tỏa để người dân biết lộ trình dừng phát sóng điện thoại công nghệ 2G trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, dự kiến đến tháng 9/2024 tới đây, các nhà mạng sẽ đồng loạt tắt sóng 2G theo chủ trương chung của Bộ Thông tin và Truyền thông, với mục tiêu đưa người dân phát triển lên môi trường số, đồng thời thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số... Hiện các ngành chức năng có liên quan, các địa phương trong tỉnh đang phối hợp lên danh sách các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách xã hội và các đối tượng chính sách khác để triển khai tặng thiết bị thông minh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, cũng thúc đẩy các hộ gia đình sử dụng dịch vụ internet băng rộng cáp quang, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2024, tập trung triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số như: Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng, nền tảng và dữ liệu số; phát huy vai trò người đứng đầu, kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy và thu hút, phát triển nguồn nhân lực tham mưu, triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số; tăng cường liên kết, hợp tác và nghiên cứu, phát triển; đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và tổ chức tập huấn kỹ năng số và các dịch vụ số thiết yếu với quy mô lớn cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức.

Con đường duy nhất cho bứt phá

Trong cuộc họp chuyên đề thứ 17 diễn ra trong tháng 10/2023, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước, nước ngoài; trong đó danh mục các ngành, lĩnh vực cần đào tạo, thu hút thì chuyển đổi số, công nghệ số, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo là những ngành được đưa vào nhóm thứ nhất những ngành, lĩnh vực cần đào tạo, thu hút.

Bên cạnh 2 nghị quyết trên, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 7/12/2023 quy định mức thu phí, lệ phí nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Như vậy, những tháng cuối của năm 2023, các sở, ngành đã tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của tỉnh để thúc đẩy chuyển đổi số. Điều đó giúp thể chế số của tỉnh từng bước hoàn thiện hơn và hình thành hành lang pháp lý để chuyển đổi số lan tỏa. Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày 4/5/2025 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU. Từ đó, hàng loạt nhiệm vụ được đặt ra để thực hiện và đã thu về kết quả bước đầu trong chuyển đổi số.

Đến cuối năm 2023, kết quả ấy rõ nét hơn năm 2022 với những điểm nổi bật trên các lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…bằng những con số tỷ lệ cao hơn. Điều đáng ghi nhận, tiến độ chuyển đổi số ở các lĩnh vực trên đã tác động lẫn nhau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chứng minh cụ thể như trong năm 2023 phát triển thêm 198 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực chuyển đổi số; tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 92%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 69,67%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đạt khoảng 92% và tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động có đăng ký sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử đạt khoảng 67%; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đã khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 92% tổng dân số; triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh… được đẩy mạnh; các hệ thống thông tin, CSDL dùng chung của tỉnh tiếp tục được phát triển và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả…

Qua số liệu trên cho thấy hoạt động chuyển đổi số bước đầu có những kết quả khả quan, qua đó tác động tích cực đối với các hoạt động trong cuộc sống người dân. Ở những góc độ khác như phát triển kinh tế, điều hành xã hội… thực tế cũng đã cho thấy để bứt phá thì chỉ còn con đường là chuyển đổi số.

Trong năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai thử nghiệm nhiều nền tảng số. Cụ thể như: Cổng dữ liệu mở; Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; nền tảng xây dựng CSDL chuyên ngành; nền tảng phân tích dữ liệu bằng công nghệ AI; gần 2.500 máy vi tính của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh đã được cài đặt giải pháp phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC)…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chi-co-con-duong-chuyen-doi-so-116507.html