Chi cho phát triển bền vững là đầu tư cho tương lai!

Các doanh nghiệp cần xác định, khoản chi cho phát triển bền vững chính là khoản đầu tư cho tương lai; nếu quyết tâm và dành nguồn lực xứng đáng, thành quả mang lại sẽ lớn hơn nhiều chi phí bỏ ra.

Nếu "chậm chân", Việt Nam sẽ "đuối sức" trong cuộc chơi toàn cầu

Chia sẻ tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta”, do Báo Đầu tư tổ chức sáng 16.11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm trên thế giới.

Cũng theo ông Phương, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Đây vừa là quan điểm vừa là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ, trong đó tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững.

Đặc biệt, tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật cam kết Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Trong vòng 2 năm qua, Việt Nam cũng đã nhấn mạnh về các lộ trình để thực hiện cam kết. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam là một trong 5 quốc gia được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Song, theo Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh, vấn đề hiện nay không chỉ là cam kết, trách nhiệm, mà là hành động như thế nào? Việt Nam chỉ còn 27 năm để thực hiện tham vọng Net Zero, "nếu không hành động ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ bị "đuối sức" trong cuộc chơi toàn cầu”, ông Minh nói!

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Tích hợp ESG vào chiến lược phát triển tổng thể của doanh nghiệp

Trên thực tế, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã đi vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

Giám đốc điều hành tài chính, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) Lê Thành Liêm cho biết, 20 năm trước, công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống khử mùi với khoản kinh phí rất lớn. Khi đó, nguyên tắc ESG (xã hội, môi trường và quản trị) vẫn còn khá xa lạ. Tuy nhiên, dần dần doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức lẫn hành động, xác định phát triển bền vững là tất yếu, mang tính đường dài và đề ra lộ trình thực hiện, từ làm hệ thống điện mặt trời, sử dụng các phương tiện xe tải, xe nâng bằng điện thay cho sử dụng nhiên liệu hóa thạch… “Chúng tôi xác định, nếu không làm từ bây giờ thì 5 - 7 năm sau sẽ là hình ảnh doanh nghiệp khác chứ không phải là hình ảnh mà doanh nghiệp mong muốn”, ông Liêm nói.

Tương tự, tại Công ty Nhựa Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thức xác nhận, đã áp dụng hệ thống quản lý ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường, quản lý năng lượng, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, đồng thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ. Về công nghệ sản xuất, công ty cũng đã mạnh dạn thay thế chất ổn định chì trong sản xuất, dù Nhà nước vẫn cho phép sử dụng; đồng thời đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ, hiện đại của châu Âu. Mặc dù khoản đầu tư này làm tăng chi phí song doanh nghiệp vẫn quyết tâm thực hiện để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…

Tuy vậy, khó khăn, thách thức đối với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững hiện rất lớn. Đó không chỉ là sự thay đổi nhanh chóng và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, mà trong nước, quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là thách thức do thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường. Việc huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu những năm tới cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi sau dịch Covid-19…

Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, cần giữ ổn định vĩ mô; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công. Song song đó, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Khẳng định Việt Nam đã đến giai đoạn thực hành quản trị xanhhướng tới phát triển bền vững, Tổng Giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) Phan Lê Thành Long khuyến nghị các doanh nghiệp cần tích hợp ESG vào chiến lược phát triển tổng thể. “Các vấn đề về phát triển bền vững và nội dung ESG phải nằm trong nghị trình hoạt động của Hội đồng Quản trị, từ đó doanh nghiệp ban hành quy chế để đi vào từng hành động của mọi cán bộ, nhân viên”, ông Long nhấn mạnh.

Cho rằng đầu tư cho phát triển bền vững không phải là khoản chi phí mà chính là đầu tư cho tương lai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Việt Anh lưu ý, các doanh nghiệp cần dành nguồn lực xứng đáng cho phát triển bền vững và quyết tâm thực hiện. Khi đó, thành quả mang lại sẽ lớn hơn nhiều chi phí ban đầu bỏ ra.

Cũng theo ông Lê Việt Anh, chính sách cho tăng trưởng xanh đã khá rõ, doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu hơn để áp dụng vào thực tiễn, đồng thời có thể đề xuất thêm các cơ chế chính sách mới. Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình xây dựng Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia. Khi Hệ thống này được Thủ tướng ban hành, doanh nghiệp có thể tra cứu để biết được hưởng những chính sách gì liên quan đến tăng trưởng xanh, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình này.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chi-cho-phat-trien-ben-vung-la-dau-tu-cho-tuong-lai--i350422/