Chỉ 8,4% trẻ vị thành niên tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, tư vấn

Chỉ có 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn.

Đó là kết quả “Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam vừa công bố.

Y tế và tư vấn học đường rất quan trọng

Theo số liệu từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2023, số cuộc gọi của nhóm từ 10 tuổi trở lên tăng so với năm 2022.

Cụ thể: Nhóm trẻ em 11-14 tuổi có 2.580 cuộc (chiếm 10,9%), tăng 0,3%; người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có 1.986 cuộc (chiếm 8,4%), tăng 5,3% so với năm 2022.

Công tác tư vấn học đường cần được đặc biệt quan tâm.

Số cuộc gọi của nam giới là 11.100 cuộc (chiếm 46,8%), tăng 0,2% so với năm 2022; nữ giới là 12.641 cuộc (chiếm 53,2%). C

Các em ở độ tuổi 10-16 thường gọi đến tổng đài vào khung giờ 22-24h khi các thành viên trong gia đình đã đi ngủ để có thể dễ dàng chia sẻ, tâm sự, giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong học tập và những tổn thương về tâm lý khi gặp khó khăn trong mối quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình.

Các chuyên gia UNICEF chỉ ra, sức khỏe tâm thần có vấn đề sẽ gây ra đau khổ cho trẻ em và thanh niên. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong (tự tử), bệnh tật và tàn tật.

Tháng 3, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tiếp nhận cấp cứu 2 nữ sinh (15 tuổi) bị ngộ độc thuốc an thần, giảm đau. Trường hợp nữ sinh N.T.L được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị nôn ói nhiều, nghi do ngộ độc thuốc Paracetamol.

Theo người nhà, trước đó, bé gái đã uống 20 viên Paracetamol 500mg, may mắn được phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu. Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, được khám và tư vấn tâm lý.

Được biết, bé gái là một học sinh giỏi, có ước mơ đi du học và thi vào ngành y. Tuy nhiên, trong một phút nông nổi, vì áp lực gia đình và không còn được tin tưởng, bé gái đã uống thuốc Paracetamol để quyên sinh.

Tình trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với phụ huynh, cần quan tâm đến vấn đề tâm, sinh lý của trẻ em. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng lưu ý, bên cạnh việc học tập văn hóa, phụ huynh cần quan tâm đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ ở lứa tuổi vị thành niên.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia UNICEF, vai trò của y tế học đường nói chung và tư vấn tâm lý học đường rất quan trọng. Do đó, vị trí việc làm của những người làm công tác này trong trường học rất cần được quan tâm đúng mức.

Bởi hiện nay, nhiều trường thiếu chuyên gia tư vấn, tham vấn tâm lý chuyên nghiệp không thể giúp đỡ được học sinh. Một giáo viên vừa kiêm nhiệm công tác giảng dạy, quản lý học sinh lại thêm tư vấn tâm lý thường không thể hiệu quả.

Trước vấn đề cấp thiết của công tác tư vấn học đường, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến THPT được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh. Trường hợp không bố trí được biên chế thì ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.

Trong bối cảnh các vấn đề tâm lý học sinh ngày càng phức tạp, tác động xã hội đến môi trường học ngày càng lớn, hàng loạt vụ bạo lực học đường diễn ra trên cả nước gây bức xúc trong dư luận, vấn đề cần có nhân viên tư vấn học sinh càng được đặt ra bức thiết hơn.

Mở rộng mô hình một cửa chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và pháp lý

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) cho biết, mới chỉ có 10% trẻ nhận được trợ giúp từ mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em được biết đến với tên gọi Bồ Công Anh thí điểm một năm qua.

Trong năm đầu thí điểm, chương trình đã tiếp cận hỗ trợ 51 ca. Trong đó, 13 em chỉ mới học tiểu học, 14 em học THCS.

Thay vì phải đi đến nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ, phụ nữ và trẻ em bị bạo lực chỉ cần tìm đến mô hình một cửa Bồ Công Anh được triển khai tại Bệnh viện Hùng Vương (đầu vào).

Tại đây, nạn nhân sẽ được khám và điều trị khẩn cấp; đồng thời phối hợp với các cơ quan điều tra và Trung tâm Pháp y giám định, lập hồ sơ để điều tra, xử lý vụ việc. Đầu ra là Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố (quận Gò Vấp).

Đây là nơi tạm lánh, giúp các nạn nhân có nơi ở an toàn, chăm lo ăn uống, hỗ trợ sinh nở. Trung bình, chi phí hỗ trợ một nạn nhân khoảng 15,2 triệu đồng từ ngân sách TPHCM.

Đáng nói, đến 20/51 gia đình nạn nhân từ chối hỗ trợ, không hợp tác; còn 18 gia đình chấp nhận trẻ bị xâm hại, thỏa hiệp với thủ phạm, gia đình chờ trẻ đến tuổi sẽ cho làm đám cưới.

Thậm chí có trẻ 15 tuổi nhưng cha mẹ giới thiệu bạn trai cho con và cùng sống chung với nạn nhân. Chỉ 7 trường hợp đồng ý báo công an xử lý và chỉ có 1 ca đi giám định thương tật.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề thiếu niên TPHCM, Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại trên địa bàn TPHCM cho thấy còn rất nhiều khoảng trống. Trung tâm chỉ được tiếp nhận nạn nhân có nhu cầu tạm lánh từ Bệnh viện Hùng Vương gửi đến.

Trong khi thực tế, rất nhiều trường hợp muốn trực tiếp đến trung tâm hoặc các bệnh viện, địa phương, cộng đồng muốn gửi đến nhưng chức năng trung tâm không được tiếp nhận.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, mô hình này tập trung phòng ngừa, ngăn chặn và can thiệp đối với người không thể tự bảo vệ. Vì vậy, các dịch vụ trợ giúp nạn nhân được vận hành khép kín từ đầu vào cho đến cung cấp dịch vụ tạm lánh nhằm bảo mật thông tin của nạn nhân và gia đình.

"Đây mới chỉ là khởi đầu. Các đơn vị vận hành mô hình sẽ tiếp tục xem xét, đề xuất mở rộng mô hình này tới các bệnh viện khác cũng như các quận, huyện để dự án có thể mở rộng diện bao phủ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại", ông Thinh thông tin.

Khánh Vân – Thu Hiền

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/chi-84-tre-vi-thanh-nien-tiep-can-dich-vu-ho-tro-tu-van-20240323154701899.htm