Chê ông lão bán tranh cổ giá cao, một năm sau bảo tàng phải 'cắn răng' chi 60 tỷ đồng mới mua được món đồ

Mặc dù có phần hối tiếc nhưng phía bảo tàng cũng đành chấp nhận vì hiểu rằng cổ vật tăng giá theo thời gian, ai cũng biết bức tranh này có giá trị đến mức nào.

Nghệ thuật tranh cổ của Trung Quốc đã rất phát triển từ xa xưa, thư pháp và tranh cổ cũng là một trong những sản phẩm mang tính biểu tượng nhất ở thời phong kiến tại đất nước này.

Tranh cổ Trung Quốc phần lớn về phong cảnh và con người, từng lớp rõ ràng, chủ đề chi tiết. Hình ảnh núi sông, nhân vật trong tranh rất sống động, là một văn hóa nghệ thuật cổ xưa.

Tranh phong cảnh cổ xưa được phát triển sớm nhất vào thời nhà Ngụy và nhà Tấn. Sau một thời gian dài phát triển, đặc điểm và thể loại của tranh phong cảnh ngày càng phong phú. Ví dụ, tranh phong cảnh thời nhà Tống có xu hướng tự nhiên, tập trung vào “sự thật” và “hiện thực”, đồng thời ủng hộ phong cách tranh phong cảnh tả thực. Tranh phong cảnh thời nhà Nguyên có xu hướng vẽ tự do, dùng “hư ảo” để thay cho hiện thực, chú trọng vào sự hấp dẫn của bút mực, sáng tạo những phong cách mới, tất cả đều phản ánh nét đặc trưng của tranh phong cảnh một thời đại.

Ảnh minh họa.

Những ai đã từng đến tham quan Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh, hẳn rằng đã nhìn thấy bức tranh cổ “Thập vịnh đồ” của Trương Tiên, một họa sĩ thời Bắc Tống ở Trung Quốc, được xem là một văn vật có giá trị lịch sử lẫn nghệ thuật vô cùng to lớn.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, bức tranh này không xuất hiện trong bảo tàng vì được các nhà khảo cổ nhà nước phát hiện, ban đầu nó được một cá nhân chủ động bàn giao. Chỉ là người chủ trước đây đã không quá xem trọng bức tranh, cuối cùng Bảo tàng Cố cung phải chi ra số tiền rất lớn để mua lại.

Việc sưu tầm văn vật ở Trung Quốc được thực hiện thông qua các hình thức như khai quật, khảo cổ, đấu giá.. Gần cuối thế kỷ 20, Trung Quốc bắt đầu có hoạt động sưu tầm văn vật dân gian, nhiều chuyên gia đã về nông thôn tìm kiếm cổ vật có giá trị.

Một ngày của những năm 1990, tại viện bảo tàng ở Đông Bắc Trung Quốc, một ông lão mang bức tranh đến giao nộp cho người phụ trách quản lý cổ vật.

Ông nói:“Thứ này do gia đình tôi truyền lại, hẳn là văn vật quan trọng, bây giờ tôi muốn bàn giao lại cho đất nước”.

Sau khi nghe xong, chuyên gia mở khung tranh và bắt đầu nghiên cứu. Bức tranh có chiều dài 52 cm, rộng 125,4 cm, vẽ phong cảnh và con người.

Ông lão nói:“Đây là văn vật mà Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, đã mang từ hoàng cung đến Đông Bắc. Phổ Nghi rất thích bức tranh này. Sau nhiều chuyện xảy ra, Phổ Nghi không kịp mang bức tranh Thập vịnh đồ đi nên nó đã lưu lạc trong dân gian.

Sau này, một hôm cụ nhà tôi đến thăm nhà một người bạn và nhìn thấy bức tranh này treo trên tường, cụ đã rất thích nó. Vì giao tình lâu năm nên cụ nhà tôi đã ngỏ lời muốn người bạn tặng lại bức tranh này nhưng không được. Thế là cụ đã bỏ ra một số tiền để mua lại bức tranh. May mắn thay, người bạn có rất nhiều đồ cổ trong nhà, nếu không đã không chịu bán đi bức tranh đó với giá rẻ. Sau khi cụ qua đời, bức tranh này đã trở thành vật gia truyền của gia đình và được truyền lại đến thế hệ tôi”.

Ông lão nói bức tranh này là bảo vật gia truyền, vốn dĩ cũng không muốn giao nó cho nhà nước, dù sao thứ này đã được truyền từ đời này sang đời khác, bản thân ông không muốn truyền thống bị chấm dứt tại đây. Song hiện tại cuộc sống nghèo khó, nhà đông con nên chỉ có thể lấy bảo vật gia truyền này ra bán.

Chuyên gia nghe xong cũng thấy nghi ngờ, không biết bức tranh này có đúng như lời cụ ông nói hay không. Nhưng dù sao thì nó vẫn là văn vật cổ từ thời Bắc Tống, chuyên gia muốn mua nên hỏi ông lão muốn bán bao nhiêu.

Ông lão nói, đây là vật gia truyền của gia đình có liên quan đến hoàng thất, mà cụ thể là Hoàng đế Phổ Nghi, nên ông muốn 5 triệu NDT (hơn 16,7 tỷ đồng).

Sau khi nghe điều này, chuyên gia nói:“Quả thực nhà nước sẽ có phần thưởng khi người nào đó giao lại văn vật, nhưng giá trị không lớn, nhiều nhất chỉ có thể là 10.000 NDT (hơn 33 triệu đồng). Ông có muốn tiếp tục giao lại nó cho chúng tôi hay không?”.

Ông lão nghe xong, cất bức tranh rồi rời đi, rõ ràng là chê tiền quá ít.

Một năm sau, bức tranh “Thập vịnh đồ” này xuất hiện tại một phiên đấu giá cổ vật ở Bắc Kinh. Sau khi nhận được tin tức, người thuộc Bảo tàng Cố cung cũng có mặt tham gia đấu giá.

Khi nhận ra Bảo tàng Cố cung đã “nhúng tay” vào, những người có mặt tại phiên đấu giá hoàn toàn không “phân hơn thua” để sở hữu bức tranh. Bởi lẽ họ biết nếu chính quyền có mặt thì tức là vật đó nên thuộc về nhà nước.

Cuối cùng, phía Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh đã mua lại bức tranh “Thập vịnh đồ” với giá 18 triệu NDT (hơn 60 tỷ đồng). Con số này cao hơn rất nhiều so với mức giá mà ông lão năm xưa đã yêu cầu. Mặc dù có phần hối tiếc nhưng phía bảo tàng cũng đành chấp nhận vì hiểu rằng cổ vật tăng giá theo thời gian, ai cũng biết bức tranh này có giá trị đến mức nào.

Theo Trung Hạ/Phụ nữ số

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/che-ong-lao-ban-tranh-co-gia-cao-mot-nam-sau-bao-tang-phai-can-rang-chi-60-ty-dong-moi-mua-duoc-mon-do/20240329022608000