Chế độ ăn cho người bệnh tả

Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng tiêu chảy cấp do ăn phải thực phẩm hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn Vibrio cholerae. Dịch tả vẫn là mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng. Chăm sóc dinh dưỡng đúng cách giúp bệnh nhân tả mau phục hồi.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh tả

NỘI DUNG

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh tả

2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh tả

3. Gợi ý một số món ăn cho người bệnh tả

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: Bệnh tả có các triệu chứng nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa bắt đầu là đầy bụng và sôi bụng; tiếp theo đó tiêu chảy, lúc đầu có phân lỏng, sau chỉ toàn nước. Bệnh nhân đi tiêu chảy liên tục, nhiều lần, phân toàn nước, nước phân đục như nước vo gạo.

Số lần tiêu chảy và số lượng nước mất thay đổi tùy từng trường hợp nặng nhẹ khác nhau, có thể lên 40-50 lần/ngày, mất 5-10 lít nước/ngày. Kèm theo bệnh nhân có nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ toàn nước trong hoặc vàng nhạt. Bệnh nhân không đau bụng, không sốt, người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh...

Bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng tiêu chảy cấp do ăn phải thức ăn hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn Vibrio cholerae. Ảnh minh họa.

Các triệu chứng của bệnh tả có thể bắt đầu ngay sau vài giờ hoặc lâu nhất là 5 ngày sau khi nhiễm bệnh. Thông thường, các triệu chứng nhẹ nhưng đôi khi rất nghiêm trọng. Khoảng một trong 20 người bị nhiễm bệnh bị tiêu chảy nặng kèm theo nôn mửa, điều này có thể nhanh chóng dẫn đến mất nước. Bệnh nhân mắc bệnh tả cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là trong 24 giờ đầu của bệnh vì tình trạng nôn mửa và nôn mửa nghiêm trọng có thể tiếp tục.

Cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh nhưng trẻ em thường phải gánh chịu bệnh nặng và tử vong. Trong số các trường hợp nghi mắc bệnh tả, cứ 4 trường hợp thì có 1 trẻ em dưới 5 tuổi. Khi trẻ mắc bệnh, hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ bị suy dinh dưỡng hơn. Tương tự, trẻ suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. Bệnh tả gây ra mất nước, mất Na, K, tổn thương niêm mạc ruột dẫn đến suy dinh dưỡng, xâm nhập của tác nhân gây bệnh và vi khuẩn khác trong đường ruột gây ra nhiễm trùng lan rộng trong cơ thể. Vai trò của dinh dưỡng đúng cách trong tiêu chảy cấp và bệnh tả là bù đủ nước, muối khoáng, tiếp tục cung cấp dưỡng chất cho cơ thể để mau lành bệnh.

Bệnh tả có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, việc mất nhanh chóng một lượng lớn chất lỏng và chất điện giải có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài giờ. Trong những tình huống ít nghiêm trọng hơn, những người không được điều trị có thể tử vong vì mất nước hoặc bị sốc hàng giờ cho đến vài ngày sau khi các triệu chứng tả xuất hiện lần đầu tiên.

Cục Y tế Dự phòng cho biết, ngoài việc cần được điều trị sớm theo phác đồ thì việc bồi phụ nước, chất điện giải nhanh chóng, đầy đủ thông qua đường uống (sử dụng ORS) hoặc truyền tĩnh mạch tùy tình trạng nguy kịch của bệnh rất quan trọng. Nên cho bệnh nhân ăn sớm, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Chỉ nên ăn thức ăn đặc sau khi hết nôn và thèm ăn trở lại. Đối với trẻ còn bú, cần tăng cường bú mẹ.

Không có hạn chế về việc cho ăn và có thể tiếp tục cho ăn thường xuyên với số lượng nhỏ, nếu người bệnh dung nạp được trong quá trình điều trị.

2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh tả

Người bệnh tả thường có số lần tiêu chảy nhiều trong ngày, nôn mửa gây mất nước do đó việc bù nước rất quan trọng. Nước uống bù nước giúp ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng mất nước.

Uống đủ nước và chất lỏng

Dùng dung dịch bù nước đường uống ngay lập tức và với lượng phù hợp với mức độ nhiễm trùng. Cần bù nước nhanh chóng để khắc phục tình trạng mất nước, sau đó là bù nước duy trì để thay thế lượng dịch đang truyền. Nếu bệnh nhân bị mất nước nặng hoặc bị sốc, cần truyền dịch tĩnh mạch nhanh chóng.

Việc bù đắp lượng chất lỏng bị mất là điều cần thiết. Những trường hợp nhẹ có thể được điều trị bằng công thức bù nước đường uống tiêu chuẩn. Trường hợp nhẹ, ở giai đoạn đầu chưa mất nhiều nước và giai đoạn hồi phục, bệnh nhân có thể bù nước bằng đường uống. Dung dịch đường uống hay dùng nhất là oresol. Nếu không có sẵn, có thể pha nước dừa non thêm một nhúm muối. Nên cho bệnh nhân uống theo nhu cầu và uống thành nhiều ngụm nhỏ để tránh kích thích niêm mạc ruột.

Có thể dùng nước dừa bù nước cho bệnh nhân mất nước nhẹ do tiêu chảy.

Bệnh nhân bị mất nước nhẹ hoặc trung bình và vẫn uống được có thể bù nước bằng dung dịch uống (khoảng 75 mL/kg trong 4 giờ). Những người bị mất nước nghiêm trọng hơn cần nhiều nước hơn và có thể cần được truyền dịch bằng ống thông mũi dạ dày.

Dung dịch bù nước đường uống (ORS) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị chứa 13,5 g glucose, 2,6 g natri clorua, 2,9 g trisodium citrate dihydrate (hoặc 2,5 g kali bicarbonate) và 1,5 g kali clorua mỗi lít nước uống. Dung dịch này được chuẩn bị tốt nhất bằng cách sử dụng các gói glucose và muối có sẵn, được đo lường trước, đóng kín; một gói pha với 1 lít nước sạch. Việc sử dụng các gói ORS đã được chuẩn bị sẵn như vậy sẽ giảm thiểu khả năng xảy ra lỗi khi người chưa qua đào tạo trộn dung dịch. Nếu không có gói ORS, có thể thay thế hợp lý bằng cách trộn nửa thìa muối nhỏ và 6 thìa nhỏ đường vào 1 lít nước sạch. ORS nên được tiếp tục sử dụng tùy ý sau khi bù nước với lượng ít nhất bằng lượng tiếp tục mất đi qua phân và chất nôn.

Dung dịch bù nước đường uống (ORS) có thể được dùng cho những bệnh nhân bị mất nước nhẹ hoặc trung bình và có thể uống được. ORS làm từ gạo đã được chứng minh là tốt hơn ORS thông thường đối với bệnh nhân tả và nên sử dụng bất cứ khi nào có sẵn. Bệnh nhân bị mất nước nặng cần truyền một lượng lớn dịch nhanh chóng - thường là 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 2 đến 4 giờ. Như vậy, một bệnh nhân nặng 50kg cần nhanh chóng 5 lít. Cần bổ sung thêm chất lỏng để bù đắp lượng dịch mất đi đang diễn ra, sử dụng ORS nếu dung nạp được.

Trong trường hợp mắc bệnh, việc bù nước và điện giải là quan trọng nhất. Trong phân của tả chứa nhiều Na hơn trong phân các loại tiêu chảy cấp khác, do đó sử dụng dung dịch ORS chuẩn của WHO với nồng độ Na cao (90 mEq Na/l) và dung dịch ORS giảm áp lực thẩm thấu có Na thấp hơn cho tiêu chảy cấp không phải do tả. Bù nước, điện giải đầy đủ có khả năng hạn chế các trường hợp tử vong do tiêu chảy cấp. Uống chậm từng muỗng sẽ giúp việc hấp thụ tốt hơn.

Không nên bù nước cho người bị tả bằng nước ép trái cây và nước ngọt.

Không nên bù nước bằng nước ép trái cây và nước ngọt vì nồng độ đường quá cao mà lượng điện giải quá thấp, áp lực thẩm thấu cao từ đường làm cho tiêu chảy nặng nề hơn và nhiều đường gây ra chướng bụng. Trẻ bú mẹ cần được tiếp tục bú mẹ vì sữa mẹ cung cấp nước, điện giải, chất dinh dưỡng cũng như những yếu tố chống bệnh như IgA và lactoferrin, lysozyme… Cho uống nhiều chất lỏng như cháo hoặc cháo ngũ cốc loãng, súp, nước hoặc đồ uống bù nước.

Kẽm

Kẽm là nguyên tố vi lượng thiết yếu ở người, nó là thành phần được biết đến của các metallicoenzym quan trọng, tham gia vào các quá trình trao đổi chất và tổng hợp DNA chính, giúp duy trì tính toàn vẹn của màng sinh học và kênh ion, đồng thời đóng vai trò chính trong các quá trình sinh lý đường ruột.

Vì cơ thể không dự trữ kẽm nên khả dụng sinh học của nó được xác định bằng sự cân bằng giữa lượng thức ăn đưa vào, sự hấp thu qua đường ruột và sự thải bỏ qua nước tiểu, da và đường ruột. Sự mất kẽm qua đường ruột tăng lên đáng kể khi bị tiêu chảy nhiều. Ở động vật thiếu kẽm, sự tiết ion do bệnh tả gây ra tăng lên so với ở động vật đối chứng và sự tiết ion giảm khi bổ sung kẽm.

Một số nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng cho thấy kẽm có tác dụng trực tiếp đến việc vận chuyển ion của tế bào ruột. Nên bổ sung kẽm theo chỉ định của bác sĩ cho cho trẻ < 5 tuổi ngay khi hết nôn. Bổ sung kẽm đã được chứng minh là giúp rút ngắn thời gian tiêu chảy và giảm các đợt tiêu chảy khi dùng trong 10-14 ngày. Lưu ý, không tự ý bổ sung kẽm để đề phòng nguy hiểm do nguy cơ dùng quá liều.

Kali

Mức độ kali thấp: Những người mắc bệnh tả mất một lượng lớn khoáng chất, bao gồm cả kali, trong phân. Nồng độ kali rất thấp ảnh hưởng đến chức năng tim và thần kinh và đe dọa tính mạng.

Để thay thế lượng kali bị mất, bổ sung kali đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, những người có khả năng chịu đựng tình trạng hạ kali máu kém.

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng

Bệnh nhân vẫn cần được ăn uống đầy đủ chất, đủ năng lượng, đạm, loại chất béo dễ tiêu hóa (dầu thực vật), khoáng chất và vitamin. Các chất đạm, kẽm, vitamin… từ thịt, cá, trứng, đậu… sẽ giúp niêm mạc ruột mau hồi phục hơn, do đó phải được cung cấp đầy đủ trong khẩu phần. Nên tránh tình trạng kiêng cữ quá mức, chỉ cho ăn cháo muối hay cháo đường sẽ làm bệnh nhân suy dinh dưỡng, giảm khả năng lành bệnh cũng như khả năng chống đỡ với sự tấn công của những loại vi khuẩn khác. Ăn uống quá kiêng khem làm tăng tỉ lệ bệnh và tỉ lệ tử vong trong bệnh tiêu chảy cấp nói chung và bệnh tả nói riêng.

Khi mắc bệnh tả, cần điều trị càng sớm càng tốt, cố gắng điều trị tại chỗ, hạn chế vận chuyển đi xa. Chủ yếu là bổ sung nhanh, kịp thời lượng nước và điện giải đã mất, tích cực chống nhiễm toan và trụy tim mạch.

3. Gợi ý một số món ăn cho người bệnh tả

Người bệnh tả cần ăn thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu hóa. Ảnh minh họa.

BS. Kiều Thúy Ngân, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Tiêu chảy do tả là do vi khuẩn Vibrio cholerae gây nên. Biểu hiện lâm sàng đi ngoài nhiều lần/ngày, phân lờ lờ như nước vo gạo, không đau bụng, không sốt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Người mắc bệnh tiêu chảy thường phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi, mất nước và chất điện giải. Chính vì vậy khi bị tiêu chảy, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng tốt, hợp lý. Để đảm bảo dinh dưỡng, người thân cần chú ý những nguyên tắc khi lên thực đơn cho người bị tiêu chảy như sau:

Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu: Cho người bệnh ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu để bù nước cho người bệnh. Sau khi tình trạng mất nước được cải thiện có thể chuyển ăn dần đặc hơn.

Ăn tăng dần: Người chăm sóc cần nâng dần khối lượng thức ăn nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước, chất điện giải, vitamin và năng lượng cho người bệnh.

Tránh các loại thức ăn dễ lên men: Các loại thức ăn lên men như dua chua, cà muối… vô cùng có hại cho người bệnh.

Giờ ăn cũng rất quan trọng trong chế độ ăn uống: Cần ăn uống đúng bữa, khoa học. Có thể chia thành nhiều bữa nhỏ để người bệnh dễ hấp thụ và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Người bệnh nên chú ý bù nước và điện giải bằng cách tăng cường uống nước lọc, oresol, nước rau quả; tránh sử dụng đồ uống có ga, chất kích thích hoặc các loại nước trái cây công nghiệp.

Những thức ăn tốt cho người bị tiêu chảy:

Trứng: Đây là thực phẩm mềm và rất dễ ăn, lại chứa nhiều dưỡng chất. Trứng khi được nấu chín rất dễ tiêu hóa, giúp nhuận tràng, làm dịu các vấn đề ở đường ruột và tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng của cơ thể.

Gạo: Khi bị tiêu chảy nên ăn những món ăn làm từ gạo như cơm trắng, cháo xay (tùy theo mức độ bệnh) để giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp hệ tiêu hóa làm việc nhẹ nhàng hơn.

Bánh mì: Tương tự như gạo, bánh mì cũng là nguồn cung cấp tinh bột tốt cho cơ thể, làm chậm quá trình tiêu hóa của dạ dày và làm giảm những triệu chứng của bệnh tiêu chảy.

Khoai tây nghiền: Là thực phẩm chứa nhiều nước và các chất điện giải, đặc biệt là hàm lượng vitamin C phong phú giúp tăng cường sức đề kháng, kháng viêm và làm giảm những cơn đau quặn thắt khi bị tiêu chảy.

Canh rau củ, canh súp hầm xương: Đây là những món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng, dễ ăn và giúp người bệnh được bổ sung một lượng nước thông qua việc uống canh.

Thùy Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-cho-nguoi-benh-ta-169240307234037555.htm