Chế biến nông - lâm sản tại Bảo Thắng: Báo động an toàn phòng cháy, chữa cháy

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Bảo Thắng xảy ra 3 vụ hỏa hoạn tại cơ sở chế biến nông - lâm sản, trong đó có nơi cháy 2 lần chỉ trong hơn 4 tháng.

Lực lượng PCCC chuyên nghiệp tham gia dập lửa tại vụ cháy bãi liệu thải thuộc Công ty Tech-Vina vào tháng 3/2021

Lực lượng PCCC chuyên nghiệp tham gia dập lửa tại vụ cháy bãi liệu thải thuộc Công ty Tech-Vina vào tháng 3/2021

Trưa 2/3/2021, lửa bùng phát ngùn ngụt trên núi phế liệu hơn 4 nghìn m3 gồm cành, lá quế đã được nấu lấy tinh dầu của Công ty Tech - Vina (mới đây đổi tên thành Công ty Cổ phần quốc tế Hoàng Thái) tại thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang. Gần 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng chuyên nghiệp, lực lượng tại chỗ, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 254 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với hàng trăm lượt xe chuyên dụng của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ (PCCC & TKCNCH) của Công an tỉnh, Công an huyện Bảo Thắng và một số doanh nghiệp trên địa bàn đã có mặt, nỗ lực liên tục 30 giờ mới có thể dập tắt đám cháy, không để lan sang khu vực văn phòng, nhà, xưởng sản xuất và kho nguyên liệu. Tổng thiệt hại do vụ cháy đối với doanh nghiệp là khoảng 300 triệu đồng, trong khi đó chi phí chữa cháy cũng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 16/7/2021, xưởng sấy tinh bột nghệ rộng hơn 400 m2 của bà Đặng Thị Nga ở thôn Bản Quẩn, xã Bản Phiệt cũng bất ngờ bùng cháy dữ dội, thiêu rụi gần như toàn bộ cơ sở sản xuất. Việc ứng cứu, chữa cháy của lực lượng “4 tại chỗ” và sau đó là cảnh sát PCCC & TKCNCH gặp nhiều khó khăn do xưởng nằm sâu và lẫn trong khu dân cư.

Trở lại với cơ sở chế biến tinh dầu quế tại xã Xuân Quang, trong khi hậu quả của vụ cháy đầu tháng 3/2021 chưa được khắc phục hoàn toàn thì hơn 4 tháng sau, ngày 25/7/2021, vẫn tại núi phế liệu đã từng bị cháy,“bà hỏa” thêm một lần nữa “ghé thăm”. Và cũng cần đến hơn 10 tiếng đồng hồ sau, đám cháy mới được khống chế hoàn toàn nhờ sự nỗ lực của lực lượng chuyên nghiệp và huy động lực lượng tại chỗ. Đó cũng là bài học cho các cơ sở chế biến nông - lâm sản trên địa bàn huyện Bảo Thắng, nhất là trong đảm bảo khâu sản xuất an toàn, đúng quy trình, quy định về PCCC.

Huy động lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy bãi liệu thải thuộc Công ty Tech-Vina vào tháng 3/2021.

Huy động lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy bãi liệu thải thuộc Công ty Tech-Vina vào tháng 3/2021.

Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng, toàn huyện hiện có 154 cơ sở chế biến nông - lâm sản, trong đó có 149 cơ sở chế biến ván bóc, 3 nhà máy sản xuất tinh dầu quế, 2 cơ sở sản xuất than nén từ mùn gỗ. Theo Thượng tá Bùi Khánh, Phó Trưởng Công an huyện Bảo Thắng, các cơ sở này dù ít hay nhiều đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do hầu hết các điểm sản xuất thường sử dụng nguồn điện công suất lớn, một số cơ sở sử dụng hóa chất như sơn, xăng, dầu, axeton, bình nén khí, phương tiện, thiết bị trong khi vận hành có phát sinh tia lửa điện, tạo khối lượng mùn, bụi dễ bắt lửa. Trong khi đó, nguồn vật liệu đầu vào cũng thuộc những chất dễ cháy, dễ bùng phát cháy lớn như gỗ, củi (cơ sở chế biến ván bóc), lá, cành (cơ sở chế biến tinh dầu) và các phụ liệu, phế liệu, chất thải như gỗ, ván, rác gỗ...

Qua tìm hiểu thêm của chúng tôi, đặc điểm khác tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao tại các cơ sở chế biến nông - lâm sản ở Bảo Thắng là hầu hết các điểm sản xuất hình thành tự phát, có diện tích kho bãi chật hẹp, nhà xưởng tạm, thiếu kho chứa riêng biệt, kho đảm bảo kỹ thuật an toàn. Các cơ sở ván bóc cũng thiếu phương án hợp chuẩn trong xử lý các chất thải như ván rách, sản phẩm lỗi, mùn, các mẩu gỗ thừa, vỏ gỗ, chúng thường được tập kết tại một điểm gần cơ sở chế biến, đợi khô để đốt. Trong khi đó, nếu xảy ra hỏa hoạn rất khó khăn trong ứng cứu bởi đa phần cơ sở chế biến nông - lâm sản chưa xây dựng đường chuyên dụng để thoát hiểm, phục vụ công tác chữa cháy khi cần kíp. Về quản lý hành chính, còn nhiều cơ sở không có hồ sơ liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy do việc xây dựng hạ tầng nhà xưởng là tự phát, không chứng minh được tính hợp pháp về nguồn gốc đất làm mặt bằng sản xuất.

Cũng theo Phó Trưởng Công an huyện Bùi Khánh, thuận lợi trong công tác PCCC trên địa bàn là từ năm 2018, Bảo Thắng và thị xã Sa Pa được Công an tỉnh biên chế Đội cảnh sát PCCC &TKCNCH chuyên nghiệp và trang bị 2 xe ô tô chữa cháy chuyên dụng hiện đại. Đội cảnh sát PCCC &TKCNCH ngoài nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu với “giặc lửa”, các tình huống thiên tai, tai nạn bất ngờ còn tích cực nắm tình hình địa bàn, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng cháy, đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trong tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy. Đội cảnh sát PCCC &TKCNCH còn đẩy mạnh hướng dẫn báo cháy, huấn luyện kỹ năng thoát hiểm, kỹ thuật dập nguồn lửa cho cán bộ, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, trọng tâm là 154 cơ sở chế biến nông - lâm sản. “Trong triển khai nhiệm vụ, cơ quan Công an huyện luôn lấy “phòng cháy” hơn “chữa cháy” làm phương châm, kim chỉ nam cho các kế hoạch hành động”, Thượng tá Bùi Khánh khẳng định.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346357-che-bien-nong--lam-san-tai-bao-thang-bao-dong-an-toan-phong-chay-chua-chay