Chạy đua xếp hạng đại học là biểu hiện căn bệnh thành tích

TS. Lê Trường Tùng khẳng định, Trường đại học FPT không chủ động, không cung cấp thông tin để tham gia bảng xếp hạng 'made in Việt Nam' VNUR. Đồng thời cho rằng việc chạy đua tham gia các bảng xếp hạng đại học là biểu hiện của bệnh thành tích.

Bảng xếp hạng các trường đại học của Việt Nam (Viet Nam’s University Rankings VNUR) vừa công bố bảng xếp hạng 100 trường đại học trong nước năm 2023. Trong số 100 trường được xếp hạng, có 10 cơ sở giáo dục đại học đạt số điểm đánh giá cao nhất lần lượt gồm các đại học: Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP.HCM, Bách khoa Hà Nội, Duy Tân, Kinh tế TP.HCM, Cần Thơ, Sư phạm Hà Nội, Đà Nẵng, Huế.

5 cơ sở đào tạo đại học xếp cuối bảng xếp hạng gồm ĐH Phương Đông, ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên ngay sau khi được công bố, bảng xếp hạng “made in Việt Nam” ghi nhận những ý kiến tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn giáo dục và giới học thuật.

VNUR công bố xếp hạng 100 trường Đại học Việt Nam

Trao đổi với VOV2 (Đài TNVN), TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho biết, trong bảng xếp hạng được VNUR công bố, trường Đại học FPT xếp hạng 54/100. Trong đó, chỉ số xếp hạng tiêu chuẩn chất lượng đứng thứ 50/100; Tiêu chuẩn đại học 72/100; Tiêu chuẩn công bố bài báo khoa học xếp 56/100; Tiêu chuẩn chất lượng người học 85/100; Tiêu chuẩn cơ sở vật chất 7/100…

Tuy nhiên ông Tùng khẳng định, Trường Đại học FPT không chủ động, không nộp đơn, không cung cấp thông tin để tham gia bảng xếp hạng này.

“Khi họ công bố thì Trường mới biết kết quả xếp hạng. Có thể họ tự tìm hiểu thông tin ở đâu đấy để xếp hạng”, ông Tùng nói.

TS Lê Trường Tùng. Ảnh: Lê Linh

Đánh giá về kết quả xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam được thực hiện bởi VNUR, TS. Lê Trường Tùng chỉ ra một số điểm khó hiểu như thông tin sinh viên ĐHQG Hà Nội khoảng 60 nghìn nhưng báo cáo chỉ tính chưa đến 50 nghìn sinh viên.

Trong khi đó số sinh viên ĐHQH TP. Hồ Chí Minh khoảng 80 nghìn nhưng báo cáo lại đưa ra con số chưa đến 1 nghìn sinh viên (905). Do vậy một số tiêu chí có điểm (tính trên đầu sinh viên) tăng vọt, và xếp nhất nhì.

Chỉ số sinh viên của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh được VNUR thống kê làm căn cứ để xếp hạng

Riêng đối với Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Tùng cho rằng, VNUR xếp đại học này đứng đầu về tiêu chuẩn dạy học nhưng lại xếp thứ 181/100 về tiêu chuẩn cơ sở vật chất là không ổn.

“Cơ sở vật chất của Đại học Bách khoa Hà Nội đâu phải là tồi. Có thể họ tính diện tích sàn/sinh viên. Nhưng tính cơ sở vật chất đâu thô thiển như vậy?”, TS. Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

Trong bảng xếp hạng VNUR, Đại học Bách khoa Hà Nội đứng đầu về tiêu chuẩn dạy học nhưng lại xếp thứ 181/100 về tiêu chuẩn cơ sở vật chất

Nói về xếp hạng đại học quốc tế, TS. Lê Trường Tùng cho biết, trường đại học FPT là cơ sở đại học đầu tiên tham gia bảng xếp hạng đại học QS (QS World University Rankings) vào năm 2012. Tuy nhiên sau 6 năm tham gia, đến năm 2018, trường đã dừng không tham gia nữa.

Khi trường đại học FPT tham gia bảng xếp hạng QS, ông Tùng nói, mục đích chính để hiểu thế nào là một trường đại học tốt từ đó xây dựng chiến lược phát triển. Tuy nhiên sau một thời gian tham gia, trường đã dừng lại với hai lý do: Đã có đủ dữ liệu để trả lời câu hỏi một trường đại học tốt là như thế nào? Và bảng xếp hạng ngày càng thương mại hóa.

“Hiện trường đại học FPT có tham gia xếp hạng quốc tế nhưng chủ yếu ở tiêu chí vai trò của một trường đại học trong việc phát triển bền vững của khu vực và quốc gia như thế nào? Nó được đo bằng tiêu chí gì? Tuy nhiên nếu trong tương lai việc xếp hạng này bị thương mại hóa thì đại học FPT cũng xin rút”, ông Tùng cho biết.

Thứ hạng của trường Đại học FPT trong bảng xếp hạng VNUR

Trước cuộc chạy đua tham gia các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế của nhiều trường đại học, TS. Lê Trường Tùng thẳng thắn cho rằng đây là biểu hiện của bệnh thành tích, thậm chí có hiện tượng gian lận, không liêm chính để trường đạt được thứ hạng cao.

Ông Tùng đặt câu hỏi, mục tiêu xếp hạng để làm gì? Trường đại học có 3 sứ mệnh chính là cung cấp các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và đóng góp cho xã hội chứ không phải là ganh đua với nhau.

“Mỗi trường đại học có một sứ mệnh, mục tiêu khác nhau. Các tiêu chí đưa ra để xếp hạng liệu có phản ánh chính xác hay không? Riêng đối với trường Đại học FPT, chạy đua vào các bảng xếp hạng đại học không phải là sứ mệnh của trường”, TS Lê Trường Tùng khẳng định./.

Bá Duy/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chay-dua-xep-hang-dai-hoc-la-bieu-hien-can-benh-thanh-tich-post1002643.vov