Châu Âu tìm đến Qatar để thoát khỏi sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga

Qatar, một vương quốc nhỏ ở vùng Vịnh Ba Tư đang nổi lên như một trong niềm hy vọng tốt nhất của châu Âu trong kế hoạch loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Đó là một dấu hiệu khác cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đang thay đổi các mối quan hệ trên bản đồ năng lượng của thế giới.

Một trung tâm sản xuất LNG ở thành phố công nghiệp Ras Laffan, cách phía bắc Doha, Qatar 80 km. Ảnh: Reuters

Cơ hội “trên trời rớt xuống” cho Qatar

Các quan chức Qatar và châu Âu cho biết Đức, Pháp, Bỉ và Ý đang đàm phán với chính phủ Qatar để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này theo các hợp đồng dài hạn.

Trong tháng này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế Đức, Robert Habeck đã bay đến Qatar để ký kết một thỏa thuận hợp tác năng lượng và cam kết xây dựng một kho cảng LNG đầu tiên ở Đức để tiếp nhận các lô hàng LNG từ Qatar và các nước sản xuất khí đốt khác.

Ông Habeck cho biết đây chỉ là các động thái khởi đầu của Đức để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga càng nhanh càng tốt.

Qatar trở nên thịnh vượng trong hai thập niên qua nhờ bán LNG cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Á khác theo các hợp đồng dài hạn. Hiện nay, đất nước có chưa đến 3 triệu dân này trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai thế giới.

Từ lâu, Qatar đã có tham vọng mở rộng hoạt động xuất khẩu LNG sang châu Âu nhưng các khách hàng ở khu vực này không hưởng ứng vì họ có thể tiếp cận khí đốt rẻ hơn được vận chuyển qua các hệ thống đường ống từ Nga cũng như có thể mua mặt hàng này bằng các hợp đồng ngắn hạn, linh động hơn.

Giờ đây, châu Âu đang sốt sắng tìm các nguồn cung mới để thay thế cho khí đốt nhập khẩu từ Nga, vốn chiếm khoảng 38% lượng khí đốt nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái. Ngoài Qatar, các nước châu Âu cũng đang đàm phán với các nhà sản xuất khí đốt ở Angola, Algeria, Libya và Mỹ.

Tuy nhiên, Qatar đang nổi lên như một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất vì nước này đang có kế hoạch đầu tư 28,7 tỉ đô la Mỹ nhằm tăng công suất sản xuất khí đốt lên 40%, tương đương khoảng 33 triệu tấn/năm vào năm 2026. Con số đó đủ bù đắp toàn bộ xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu, khoảng 13,7 triệu tấn vào năm ngoái, nhưng vẫn chưa đủ để lấp đầy tất cả nguồn cung khí đốt của Nga với phần lớn được xuất khẩu qua các đường ống.

Nhiều nhà sản xuất – xuất khẩu khí đốt khác đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của châu Âu.

Tiến sĩ Steven Wright, giảng dạy ở Đại học Hamad Bin Khalifa ở Doha, nhận định: “Bạn thấy rằng với nguồn lực khí đốt dồi dào, Qatar về cơ bản là đúng địa điểm và đúng thời điểm đối với châu Âu”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck (trái) trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar, Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani ở Doha hôm 20-3. Ảnh: Middle East Monitor

Cần lộ trình dài hạn

Để ký kết các thỏa thuận cung cấp LNG cho các đối tác ở châu Âu, Qatar đã hành động thận trọng. Các thỏa thuận như vậy đôi khi mất nhiều tháng để hoàn tất và hiện tại, Qatar chưa chốt thỏa thuận với bất kỳ nước châu Âu nào.

Qatar có những mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với Nga với hàng tỉ đô la của Nga đã được đầu tư ở đất nước này. Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA), quỹ đầu tư quốc gia của Qatar, nắm lượng cổ phần lớn trong các doanh nghiệp được Moscow hậu thuẫn như Tập đoàn năng lượng Rosneft Oil và Ngân hàng VTB Bank. Giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp này đã giảm khoảng 50% trong tháng qua.

Một thuận lợi cho Qatar là tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã chấm dứt các cuộc điều tra chống độc quyền đối với Công ty năng lượng nhà nước Qatar Petroleum, mở đường cho nước này tìm kiếm các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn hơn ở châu Âu.

Sự thiện chí của phương Tây dành cho Qatar xuất hiện khi quốc gia này đang chuẩn bị đăng cai World Cup 2022 vào tháng 11 tới, một sự kiện đang làm thay đổi diện mạo của tiểu vương quốc này với những con đường, khách sạn và sân vận động mới toanh.

Tuy nhiên, khi đốt của Qatar không thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với châu Âu ngay lập tức. Qatar hiện đang bơm khí đốt với công suất tối đa và gửi các lô hàng LNG đã được đặt mua từ lâu tới châu Á. Vì vậy, Qatar cần nhận được sự đồng ý của các khách hàng truyền thống như Nhật Bản và Hàn Quốc để chuyển một phần LNG của nước này sang châu Âu.

Qatar ước tính chỉ khoảng 10% -15% LNG của nước này có thể được chuyển hướng sang châu Âu trong ngắn hạn và những lô hàng này sẽ có giá cao hơn so với khí đốt của Nga.

Một quan chức Qatar nói: “Chúng tôi đã có kế hoạch tăng các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn cho châu Âu. Nhìn chung, trong ít năm nữa, công suất sản xuất khí đốt để bán của chúng tôi sẽ tăng lên, vì vậy, các cuộc thảo luận hiện nay để thu xếp các hợp đồng dài hạn sẽ bảo đảm châu Âu không đối mặt với tình trạng cạn kiệt năng lượng một lần nữa”.

Các cuộc đàm phán mua khí đốt của Qatar ngày càng cấp thiết khi châu Âu xem xét áp đặt lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga. Các nước châu Âu vẫn mua khí đốt của Nga nhưng đang chuẩn bị các kế hoạch ứng phó khẩn cấp vì Moscow đang yêu cầu họ phải thanh toán bằng đồng rúp thay vì đồng euro hay đô la Mỹ.

Sự chào đón của phương Tây đối với Qatar diễn ra khi mối quan hệ của Mỹ với hai đối tác lâu đời ở Vịnh Ba Tư – Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang căng thẳng. Hai nước này cho rằng phản ứng của Mỹ đối với các cuộc tấn công từ nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi ở Yemen được Iran hậu thuẫn vào lãnh thổ của họ là không đầy đủ.

Một quan chức của Saudi Arabia, nói: “Đối với Mỹ, giờ đây tất cả là Qatar. Vậy còn các đồng minh đã từng sát cánh với Mỹ trong nhiều năm trời thì sao?”.

Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã đồng loạt tẩy chay kinh tế đối với Qatar vào năm 2017 vì cho rằng nước này tài trợ cho khủng bố và duy trì quan hệ quá gần gũi với Iran.

Động thái này đã gây tổn thương nền kinh tế Qatar nhưng thúc đẩy nước này thắt chặt các mối quan hệ với Mỹ và châu Âu mà giờ đây đang tạo ra các thành quả.

“Động thái phong tỏa kinh tế vào năm 2017 là một điểm uốn đối với Qatar vì nó giúp nước này tự chủ hơn, kỷ luật hơn và ngả về Mỹ. Trong tương lai, Qatar sẽ đóng vai trò chủ chốt đối với Mỹ khi một trật tự tài chính mới xuất hiện sau cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine”, Michael Greenwald, cựu tùy viên tài chính của Đại sứ quán Mỹ tại Doha, nhận định.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chau-au-tim-den-qatar-de-thoat-khoi-su-le-thuoc-vao-khi-dot-cua-nga/