Châu Âu thấp thỏm lo sợ trước khả năng Mỹ giảm viện trợ cho Ukraine

Mỹ đang gây áp lực buộc châu Âu phải tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi đó một số thành viên đảng Cộng hòa nói sẽ cắt viện trợ cho Ukraine nếu đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Áp lực tăng chi tiêu quốc phòng của châu Âu

Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11, châu Âu đang đối mặt với một thực tế đáng lo ngại là Mỹ có thể giảm bớt sự hỗ trợ dành cho Ukraine.

Khi đảng Cộng hòa kỳ vọng sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện hoặc Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ sắp tới, sự hỗ trợ của Washington dành cho Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt có thể giảm đi rất nhiều vào năm 2023.

Điều này dường như sẽ làm sâu sắc hơn khoảng cách viện trợ của Mỹ và châu Âu dành cho Ukraine.

Các binh sĩ Ukraine tiếp nhận vũ khí được Mỹ viện trợ. Ảnh AP

Hiện tại, việc yêu cầu tất cả các thành viên NATO dành 2% GDP của họ cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024 là một thử thách khó khăn. Châu Âu đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Mỹ để có thể tăng chi tiêu quốc phòng.

Điều này diễn ra trong bối cảnh châu Âu tìm cách bổ sung kho dự trữ vũ khí ngày càng cạn kiện trong khi vẫn phải hỗ trợ cho Ukraine. Các thành viên đảng Cộng hòa cho rằng châu Âu cần phải tăng cường chi tiêu quốc phòng hơn nữa.

Trong khi các nước châu Âu đã hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Ukraine ở mức kỷ lục, nhưng vẫn không đáng kể so với sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev. Các thành viên đảng Cộng hòa cho rằng có sự chênh lệch trong sự hỗ trợ của Mỹ và châu Âu dành cho Ukraine, nói thêm rằng chiến dịch quân sự của Moscow ở Kiev là mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với châu Âu so với Washington.

Theo Politico, tình hình có thể xoay chuyển nếu Quốc hội Mỹ có sự thay đổi trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng, các nước châu Âu đã công bố mức tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 200 tỷ euro. Tuy vậy, nhiều quan chức chỉ ra đây là mức tăng sau nhiều năm cắt giảm và chi tiêu dưới mức.

Vào năm 2014, các đồng minh NATO đã cam kết sẽ hướng tới chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng trong vòng một thập kỷ và ngày càng có nhiều nước nghiêm túc thực hiện lời hứa này. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn họ làm nhiều hơn nữa.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, mức tăng 2% GDP chi tiêu quốc phòng chỉ là “những gì chúng tôi mong đợi” từ các đồng minh. “Chúng tôi khuyến khích các quốc gia tăng trên 2% vì sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào việc mở rộng các cơ sở công nghiệp và đảm bảo có đủ khả năng thay thế một số thứ đã cung cấp cho Ukraine”, ông Austin nói.

Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ được công bố gần đây đã hệ thống hóa những kỳ vọng đó.

“Khi chúng tôi tăng cường những đóng góp đáng kể cho khả năng và sự sẵn sàng của NATO, chúng tôi tin tưởng rằng các đồng minh của chúng tôi tiếp tục đảm nhận trách nhiệm lớn hơn bằng cách tăng chi tiêu, khả năng và đóng góp của họ”, tài liệu cho biết.

Đây được xem là một kỳ vọng gây áp lực cho nhiều nước châu Âu, nơi đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế. Chẳng hạn, Anh đã cam kết đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 3% nhưng gần đây nước này thừa nhận rằng mức tăng này có thể thay đổi khi những thay đổi về chính sách ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Mỹ và châu Âu chạy đua hỗ trợ Ukraine

Chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện những biện pháp khuyến khích châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng thay vì chỉ trích. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa lại không mấy quan tâm đến những “giọng điệu nhẹ nhàng” như vậy. Nếu đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ trong nhiệm kỳ tới, họ sẽ có nhiều tiếng nói hơn đối với các hoạt động chi tiêu của Washington.

“Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh suy thoái kinh tế, châu Âu sẽ không viết séc khống cho Ukraine. Có những vấn đề mà chính quyền Tổng thống Biden chưa chú trọng như vấn đề biên giới và mọi người đang bắt đầu bàn tán về nó. Ukraine tuy rất quan trọng nhưng chúng ta không thể tiêu tốn quá nhiều ngân sách”, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy nói.

Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew, vào tháng 3, 7% số người Mỹ tham gia khảo sát cho rằng đất nước đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine. Con số này đã tăng lên 20% vào tháng 9 và hiện tại tỷ lệ là 32% trong số các cử tri nghiêng về đảng Cộng hòa.

Bởi vậy, trong khi Tổng thống Biden tiếp tục yêu cầu Quốc hội phê chuẩn thêm các gói viện trợ cho Ukraine, các nhà quan sát cho rằng có thể sẽ có nhiều sự băn khoăn hơn về việc hỗ trợ cho Ukraine trong những tháng tới.

“Mọi việc ngày càng trở nên khó khăn hơn vì chúng tôi đang làm tất cả còn châu Âu thì không. Điều đó là không công bằng”, Max Bergmann, Giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho hay.

Tại các quốc gia châu Âu, các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi sát sao các hành động của Mỹ.

“Đối với châu Âu, tình hình chính trị tại Mỹ rất quan trọng bởi kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới châu Âu và Ukraine. Điều này ngày càng được xem xét một cách nghiêm túc hơn”, Martin Quencez, nhà nghiên cứu tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết.

Mặc dù vậy, một số quan chức châu Âu khẳng định có rất ít lý do để lo lắng về việc Mỹ giảm hỗ trợ cho Ukraine. “Có sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng Mỹ đối với Ukraine”, David McAllister, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu, nói.

“Nếu đảng Cộng hòa chiếm đa số trong các ủy ban quốc hội, tôi nghĩ sẽ có tác động đến các cuộc tranh luận về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, cuối cùng, Tổng thống Biden mới là người duy trì quyền kiểm soát đáng kể đối với chính sách đối ngoại”, ông McAllister nói.

Ông McAllister cho biết, châu Âu đang tăng cường đầu tư phòng thủ và viện trợ cho Ukraine, chỉ ra một sáng kiến của EU để huấn luyện binh lính Ukraine và một khoản hỗ trợ gần đây cho một quỹ của EU nhằm hoàn trả cho các quốc gia đối với các thiết bị quân sự được gửi tới Kiev.

Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu Witold Waszczykowski cho biết, ông không mong đợi một Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ thay đổi chính sách đối với Ukraine hay thúc giục Washington gây thêm áp lực lên châu Âu./.

Mai Trang/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chau-au-thap-thom-lo-so-truoc-kha-nang-my-giam-vien-tro-cho-ukraine-post978586.vov