Châu Âu siết chặt phòng dịch trước biến chủng Delta

Tuy số ca mắc bệnh trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, nhưng thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt quốc gia châu Âu.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 30/6/2021. Ảnh: AFP

Biến chủng Delta và Delta Plus với khả năng lây lan mạnh hơn buộc các chính phủ ở châu Âu phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.

Lo ngại làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta, hôm qua (9/7) Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo biến thể Delta có thể là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm mới ở nước này từ cuối tuần này trở đi.

Phát biểu trên Đài Phát thanh France Inter, ông Veran cho biết biến thể Delta hiện chiếm gần 50% trong số các ca mắc mới. Ông nêu rõ làn sóng dịch bệnh thứ 4 có thể xuất hiện ở nước này sớm nhất là vào cuối tháng này, đồng thời kêu gọi người dân tích cực đi tiêm vaccine phòng bệnh.

Số ca nhiễm mới tại Pháp đã giảm xuống mức trung bình 1.800 ca/ngày trong 7 ngày vào cuối tháng 6 so với mức hơn 42.000 ca nhiễm/ngày vào giữa tháng 4. Tuy nhiên, kể từ đó, xu hướng này đã đảo chiều và số ca nhiễm mới mỗi ngày hiện nay tăng trở lại trên 4.000 ca/ngày.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng cấp cao của Pháp sẽ họp vào ngày 12/7 tới để thảo luận về nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch bệnh thứ 4. Chính phủ Pháp thông báo đang cân nhắc mọi kịch bản có thể xảy ra.

Ngày 9/7, Nga thông báo nước này có thêm 25.766 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 2/1 trong bối cảnh giới chức đang nỗ lực kiểm soát số ca bệnh gia tăng do biến thể Delta gây ra.

Trong 24 giờ qua, Nga cũng ghi nhận thêm 726 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 141.501 ca, trong tổng số 5.733.218 ca mắc COVID-19.

Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, gần 30 triệu người ở nước này đã tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Hiện các cơ quan chức năng đang khuyến khích người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 do số ca nhiễm mới bắt đầu tăng mạnh vào tháng trước.

Tại Đức, nhà chức trách đã đưa tất cả các vùng của Tây Ban Nha vào danh sách các nước và khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, theo đó tất cả hành khách nhập cảnh và công dân Đức trở về từ nước này phải trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong thông báo ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Đức cho biết quyết định trên có hiệu lực từ ngày 11/7, áp dụng với cả các quần đảo Balearic và Canary nổi tiếng của Tây Ban Nha.

Tỷ lệ mắc COVID-19 của Tây Ban Nha đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một tuần do biến thể Delta lây lan nhanh ở những người trẻ tuổi chưa được tiêm phòng. Trước đó, chỉ một số vùng của Tây Ban Nha bị đưa vào "danh sách đỏ" của Đức.

Tuần trước, Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto khẳng định nước này là điểm đến an toàn cho khách du lịch nhờ tiến bộ đạt được trong chương trình tiêm chủng và số trường hợp nhập viện điều trị COVID-19 đang được kiểm soát.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi có thông tin Đức sẽ bổ sung Tây Ban Nha vào danh sách các nước và khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, trong khi Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune khuyến cáo công dân không nên lựa chọn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha làm điểm đến du lịch Hè.

Trước tình hình trên, Hà Lan tái áp đặt các biện pháp phòng dịch tại các câu lạc bộ khiêu vũ, lễ hội âm nhạc từ ngày 9/7 nhằm ứng phó làn sóng dịch COVID-19 gia tăng ở nhóm người trưởng thành trẻ tuổi. Trước đó, ngày 26/6, Hà Lan đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa khi số ca mắc mới COVID-19 liên tục giảm và có khoảng 2/3 dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Cũng trong ngày 9/7, Bộ trưởng Y tế Malta Chris Fearne cho biết nước này sẽ cấm mọi du khách nhập cảnh vào nước này từ ngày 14/7 tới, nếu họ chưa được tiêm đầy đủ vacccine ngừa COVID-19.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Fearne nói: "Chúng tôi sẽ là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên làm điều này, song chúng tôi cần bảo vệ xã hội của chúng tôi". Như vậy những giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sẽ không còn giá trị để được nhập cảnh vào Malta.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chau-au-siet-chat-phong-dich-truoc-bien-chung-delta-post143697.html