Châu Âu hiểu rõ cội nguồn khủng bố, vì sao vẫn không ngăn chặn?

Rõ ràng khủng bố không xuất phát từ bên trong châu Âu mà đến từ bên ngoài. Châu lục này có thể sẽ phải trả một cái giá khá đắt nếu không giải quyết được cội nguồn của vấn đề.

IS đang thất bại trong mục đích gây chia rẽ

IS đã nhanh chóng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tại thành phố Manchester, nước Anh hôm 22/5 làm 22 người thiệt mạng. Sau khi suy yếu và mất dần lãnh thổ chiếm đóng ở Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria), nhóm này đang ngày càng trở nên tuyệt vọng. Các cuộc tấn công nhắm vào các thành phố phương Tây là một trong số ít lựa chọn trả đũa của IS.

Không chỉ hứng chịu những thiệt hại về người và của, các quốc gia châu Âu còn phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng hơn: sự chia rẽ chính trị. Khủng bố nhà nước Hồi giáo muốn dùng hành động tàn bạo của mình để thúc đẩy sự chia rẽ, tạo ra mâu thuẫn giữa dân bản địa và những người di cư Hồi giáo.

Trước đó đã có những cảnh báo rằng tư tưởng của IS có thể lôi kéo những kẻ cực đoan gia nhập hàng ngũ khủng bố không chỉ ở Trung Đông mà còn cả với những phần tử Hồi giáo cực đoan ở các quốc gia phương Tây.

Mặc dù vậy các sự kiện ở châu Âu cho thấy, IS đang thất bại trong mục đích gây chia rẽ. Kể từ tháng 1/2015, Pháp luôn là mục tiêu tấn công từ các phần tử khủng bố cực đoan Hồi giáo hơn bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác.

Nước Anh đã trở thành nạn nhân tiếp theo của khủng bố.

Nhưng trong cuộc bầu cử đầu tháng này, đa số cử tri vẫn không lựa chọn ứng viên từ đảng Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen – nhân vật chống Hồi giáo mạnh mẽ, để bầu cho ứng viên “truyền thống hơn” - Emmanuel Macron. Dù trước đó một cuộc tấn công trên đại lộ Elysee ở trung tâm Paris trước cuộc bỏ phiếu đã khiến nhiều người tin rằng sẽ là lợi thế giúp Le Pen thắng cuộc.

Tương tự tại Đức, phong trào chống người nhập cư bỗng trở nên mờ nhạt, dù vụ tấn công xe tải hồi tháng 12 năm ngoái ở Berlin đã khiến 12 người thiệt mạng. Thủ tướng Angela Merkel dường như sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng Chín tới, thậm chí có thể củng cố quyền lực của mình hơn nữa.

Tại Anh, các đảng chính trị đã tạm thời dừng hoạt động sau cuộc tấn công ở Manchester. Tuy nhiên, sự cố này sẽ không dừng lại cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới.

“Ở một mức độ nào đó, các lực lượng an ninh châu Âu đã trở nên chuyên nghiệp hơn trong việc phát hiện và thu hẹp mạng lưới các phần tử cực đoan, nhưng họ khó có thể tìm ra những con sói đơn độc", bình luận viên Peter Apps của tờ Reuters đánh giá.

Bảo vệ các mục tiêu "mềm" như chương trình biểu diễn ca nhạc ở Manchester sẽ luôn luôn khó khăn, nếu không nói là không thể. Đây được coi là vụ tấn công nghiêm trọng nhất ở Anh kể từ vụ đánh bom vào tháng 7/2005 nhằm vào hệ thống giao thông ở London.

Châu Âu đã tăng cường an ninh sau những vụ tấn công kinh hoàng thời gian gần đây, nhưng hiểm họa rình rập vẫn còn đó.

Trong bài viết đăng tải trên tờ National Review, tác giả David French cho rằng phương Tây đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn các vụ khủng bố đơn lẻ, mục tiêu vốn được đặt ra kể từ khi vụ khủng bố 11/9 gây chấn động nước Mỹ.

Chúng sẽ còn tiếp tục gây ra các cuộc tấn công khó lường trước

Cây bút này chỉ ra hai lý do khiến cho các cuộc tấn công sẽ còn tiếp diễn. Thứ nhất, khi nào những kẻ khủng bố còn được ẩn náu trong môi trường an toàn như châu Âu để lập kế hoạch, tuyển dụng chiến binh, chúng sẽ còn tiếp tục gây ra các cuộc tấn công khó lường trước. Và điều này sẽ chỉ dừng lại khi những cơ sở bí mật của những kẻ cực đoan bị triệt phá bằng những chương trình an ninh mạnh tay hơn.

Thứ hai, French cho rằng, việc tiếp nhận người tị nạn từ những quốc gia chứa chấp khủng bố sẽ là hiểm họa khôn lường, khi quốc gia đó có thể sẽ mang vào cả những kẻ có tư tưởng cực đoan ẩn mình.

Rõ ràng khủng bố không xuất phát từ bên trong châu Âu mà đến từ bên ngoài. Phương Tây có thể sẽ phải trả một cái giá khá đắt nếu không giải quyết được hai vấn đề cội nguồn của nguy cơ khủng bố.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chau-au-hieu-ro-coi-nguon-khung-bo-vi-sao-van-khong-ngan-chan-a326915.html