Châu Âu 'bí mật tài trợ' cho Nga bằng cách mua lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga đang 'chảy tràn' thị trường châu Âu thay cho khí cung cấp theo đường ống.

Mặc dù thường xuyên đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhưng Liên minh châu Âu vẫn "âm thầm giúp đỡ" Nga bằng cách mua lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng từ nước này.

Tờ báo Anh Telegraph đã đề cập đến thực tế trên và nhấn mạnh rằng nhiều quốc gia châu Âu, trong hoặc ngoài EU đang cố tình phớt lờ những lệnh cấm vận mà chính họ ủng hộ áp đặt lên Nga.

Các chuyên gia phân tích đặc biệt lưu ý đến thực tế là vào năm 2023, các quốc gia thuộc EU, không hề nói về các giao dịch, bất chấp họ đã mua khối lượng LNG của Nga trị giá tới nhiều tỷ euro.

Cụ thể, các quan chức châu Âu đã nhiều lần hứa hẹn trong hơn 1 năm qua rằng họ sẽ từ bỏ LNG có nguồn gốc từ Nga. Mặc dù không nêu ngày cụ thể nhưng họ mua 50% khối lượng khí hỏa lỏng mà Liên bang Nga xuất khẩu.

Trên thực tế mọi thứ đã không diễn ra như nhiều người mong đợi, bất chấp những lời lẽ cứng rắn trước công chúng. Số lượng tàu chở LNG đi từ Nga đến EU đã tăng mạnh, đi kèm khối lượng nhiên liệu được cung cấp.

Kết quả là dù cho đã có lượng LNG khổng lồ mua từ Mỹ và một số quốc gia khác, Liên minh châu Âu vẫn phải mua 6,1 tỷ euro khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga. Hơn nữa, Moskva tiếp tục kiếm được lợi nhuận nhờ sự "đồng tình" của EU.

Trong số các nước EU, Tây Ban Nha và Pháp mua LNG nhiều nhất từ Nga, họ đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba trong danh sách. Ngôi vị số 1 do Trung Quốc chiếm giữ sau khi Moskva thay đổi ưu tiên trong cung cấp năng lượng cho các đối tác.

Vấn đề nữa cần nhắc đến là tại Mỹ, dầu thô lần đầu tiên trở thành mặt hàng xuất khẩu chính kể từ năm 2009, dữ liệu từ chính cơ quan thống kê của đất nước này cho biết, theo đó vào năm 2023, Washington đã cung cấp lượng dầu thô trị giá 86 tỷ USD cho thị trường thế giới.

Trước đó máy bay là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ, nhưng đến năm 2023, dầu thô đã vững chắc ở vị trí đầu tiên trong danh sách, tiếp theo vẫn là các sản phẩm dầu mỏ, máy bay tụt xuống thứ ba nhưng kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 81 tỷ USD.

Mặc dù giá thành đã giảm đi đáng kể nhưng khí đốt vẫn đứng thứ tư trong danh sách. Xếp cuối trong 5 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ là ô tô khi vào năm 2023 đã đạt kim ngạch 48 tỷ USD.

Thực tế là trong những năm gần đây, 5 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ hầu như không thay đổi, mặc dù trong thời gian qua, danh sách đôi khi bao gồm thuốc, điện thoại, vi mạch, phụ tùng ô tô và vàng.

Nói một cách đơn giản, Mỹ hiện được coi là một trong những nhà cung cấp nhiên liệu thô hàng đầu cho nền kinh tế thế giới, bất chấp quan niệm thường thấy về một nền kinh tế dựa vào công nghệ cao.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên được giải thích một phần bởi Mỹ đang nỗ lực thay thế Nga nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho các đối tác truyền thống.

Nhưng cũng không thể phủ nhận việc Mỹ tranh thủ thời cơ xuất khẩu dầu thô cùng với khí đốt khi giá nhiên liệu leo thang mạnh, nhằm tối đa hóa lợi nhuận và đẩy lui nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chau-au-bi-mat-tai-tro-cho-nga-bang-cach-mua-luong-lon-khi-tu-nhien-hoa-long-post560632.antd