Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới bị ảnh hưởng như thế nào?

Khi căng thẳng địa chính trị bùng phát ở Trung Đông sau cuộc tấn công của Iran gần đây nhằm đáp trả vụ không kích của Israel vào Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang chuẩn bị cho những biến động, được dự đoán sẽ ảnh hưởng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) và thế giới nói chung.

Nghiên cứu từ hãng Moody's Analytics cho thấy, hậu quả của việc giá dầu tăng có thể làm gián đoạn nghiêm trọng tiến trình kinh tế, đặc biệt là ở các quốc gia CA-TBD, vốn chủ yếu là các nước nhập khẩu ròng dầu mỏ.

Chất xúc tác cho lạm phát

Ngày 12.4, ngay trước cuộc tấn công, giá dầu thô trung cấp West Texas được giao dịch trong khoảng từ 85 - 90 USD/thùng, trong đó ước tính khoảng 5 USD là phần bù rủi ro để đề phòng cuộc tấn công. Sau cuộc tấn công, các nhà phân tích dự đoán, giá dầu sẽ tăng thêm 5 USD vào phần bù rủi ro, đẩy giá dầu lên mức 90 - 95 USD mỗi thùng. Sự tăng đột biến này đặc biệt gây rắc rối cho khu vực CA-TBD, nơi nó có nguy cơ làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát đang diễn ra.

Nguồn: ITN

Moody's Analytics vạch ra hai kịch bản tiềm ẩn sau vụ tấn công: ở kịch bản thứ nhất, một phản ứng từ Israel nhằm giảm căng thẳng leo thang, được khuyến khích nhờ hòa giải quốc tế, có thể khiến giá dầu giảm. Trong khi đó, kịch bản thứ 2 và cũng là viễn cảnh gây thiệt hại nhiều hơn sẽ chứng kiến xung đột leo thang khi Israel đáp trả mạnh mẽ cuộc tấn công. Kịch bản này có thể khiến giá dầu tăng lên hơn 100 USD/thùng, đồng thời đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ổn định kinh tế toàn cầu, làm chệch hướng tiến trình giảm lạm phát vốn đã khó khăn. Điều này sẽ đặc biệt ảnh hưởng mạnh tới các nền kinh tế CA-TBD, trong bối cảnh họ đang phải đối mặt với thời điểm con đường giảm phát bị đình trệ ở một số quốc gia.

Tác động trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Giá dầu cao hơn tác động đến nền kinh tế thông qua nhiều kênh khác nhau. Những tác động trực tiếp bao gồm tăng chi phí vận chuyển và sản xuất, từ đó làm tăng giá các loại hàng hóa, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng. Đối với nhiều quốc gia CA-TBD, nơi lạm phát giá lương thực vẫn ở mức cao thì bất kỳ sự gia tăng nào cũng gây cản trở những nỗ lực về mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương.

Moody's Analytics cho biết: “Nguy cơ chi phí lương thực cao hơn do chi phí phân bón, vận chuyển và hạt giống tăng lên là điểm đáng lo ngại”. Bởi ở phần lớn châu Á, lạm phát lương thực cao dai dẳng đã khiến chỉ số giá tiêu dùng khó giảm xuống như mong muốn của quốc gia. Những diễn biến như vậy làm phức tạp chính sách tiền tệ, có khả năng đẩy lùi triển vọng cắt giảm lãi suất và khiến các ngân hàng trung ương phải xem xét tăng lãi suất nếu giá dầu vẫn tiếp tục cao.

Hãng phân tích trên cho biết, giá lương thực và năng lượng tăng cao đang gây áp lực lên giá cả ở nhiều nước từ Hàn Quốc, Indonesia đến Singapore, Việt Nam hay Malaysia. Giá dầu tăng càng làm gia tăng phức tạp. Ngay cả những nhà xuất khẩu ròng dầu mỏ trong khu vực cũng khó được hưởng lợi. Chẳng hạn, mặc dù Malaysia và Brunei có thể tăng doanh thu khi giá dầu tăng, nhưng phần lớn số tiền đó có thể bị "cuốn trôi" do nhu cầu toàn cầu yếu hơn trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn cầu và các hộ gia đình phải tìm cách thắt chặt chi tiêu.

Tình hình dầu mỏ thế giới đang được theo dõi chặt chẽ từ nhiều tổ chức như Rystad Energy. Trong bản cập nhật mới nhất, tổ chức này lưu ý rằng vẫn chưa chắc chắn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước sản xuất dầu khác (OPEC+) sẽ phản ứng ra sao trước diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng Trung Đông. Theo các nhà phân tích, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng chắc chắn đã làm phức tạp thêm công việc quản lý thị trường dầu mỏ của OPEC+. Hiện họ đang duy trì việc cắt giảm sản xuất tự nguyện cho tới cuối tháng 6 và có thể sẽ phải quyết định xem có nên dỡ bỏ những cắt giảm đó tại Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ vào ngày 2.6 tới hay không để ổn định thị trường. Thậm chí, có người còn nhận định, nếu tình hình địa chính trị trong khu vực leo thang hơn nữa, OPEC+ có thể tổ chức một cuộc họp bất thường trong những tuần tới. Với công suất dự phòng gần 6 triệu thùng mỗi ngày, OPEC+ có thể dễ dàng tăng sản lượng để hạn chế áp lực tăng giá nếu xung đột leo thang.

Theo Rystad Energy, giá dầu tăng cao kéo dài sẽ thúc đẩy lạm phát trở lại ở phương Tây và khiến các ngân hàng trung ương trì hoãn mọi nỗ lực bình thường hóa tiền tệ, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn.

Ngoài ra, Rystad Energy còn lưu ý rằng, thế giới ngày nay đã khác so với thế giới năm 1973 khi lệnh cấm vận dầu mỏ được áp dụng, nhất là với các liên minh địa chính trị hiện nay cũng khác nhiều. Do đó, OPEC không muốn lặp lại những sai lầm gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu với các tác động lâu dài. Ngoài ra, OPEC luôn nhấn mạnh và muốn chứng minh rằng họ không phải là một thực thể chính trị và vai trò của họ chỉ là điều phối, thống nhất các chính sách dầu khí của các nước thành viên.

Nói chung, tình trạng gia tăng giá dầu gần đây do căng thẳng ở Trung Đông gây ra là mối đe dọa nhiều mặt đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế CA-TBD. Giới phân tích cho rằng, các sự kiện địa chính trị đang diễn ra sẽ đòi hỏi khả năng quản lý cẩn thận của các Chính phủ, cũng như các tổ chức quốc tế để giảm thiểu tác động bất lợi và hướng tới phục hồi kinh tế bền vững.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chau-a--%C2%A0thai-binh-duong-va-the-gioi-bi-anh-huong-nhu-the-nao-i367126/