Châu Á liệu có thể đối phó được với nắng nóng kỷ lục?

Các nước châu Á đã chứng kiến những đợt nắng nóng xô đổ các kỷ lục tồn tại hơn một thế kỷ. Nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, cái nóng còn có thể khắc nghiệt hơn nữa. Và châu Á đã chuẩn bị thế nào cho điều đó?

Nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Tan Siang Hee, CEO tổ chức nông học CropLife Asia cho biết, nếu nắng nóng kéo dài, năng suất ngô của thế giới có thể giảm gần 1/4 vào cuối thế kỷ này. Vì ngô là cây ngũ cốc được tiêu thụ ở nhiều nơi trên thế giới và có nhiều mục đích sử dụng nên khả năng chi trả lương thực cũng sẽ trở thành một thách thức.

Một nông dân đổ nước lên đầu nhằm giải nhiệt khi đang làm đồng hồi tháng 5 tại bang Punjab, Ấn Độ. Ảnh: Japan Times

“Ngô không chỉ là lương thực cho con người mà còn làm thức ăn chăn nuôi, làm nguyên liệu sản xuất ethanol cũng như cho các mục đích sử dụng công nghiệp”, Tan Siang Hee cho biết.

Theo Tan, khoảng 60% ngô trên thế giới được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Nếu khối lượng sản xuất bị ảnh hưởng và giá ngô tăng thì giá thịt cũng sẽ tăng theo. Chẳng hạn, thịt gà cần khoảng 2,5 kg ngũ cốc cho mỗi kg thịt. “Việc tăng 10 xu đầu vào ngũ cốc của bạn sẽ tăng gấp 2,5 lần - ngay cả ở cấp độ trang trại - trên mỗi kg thịt”, Tan nói.

Cũng như thực vật và động vật, nhiệt độ cực cao có thể gây tử vong cho nông dân. Theo nghiên cứu tại Mỹ, nông dân có nguy cơ tử vong do nắng nóng cao gấp 35 lần so với hầu hết các lĩnh vực lao động khác.

Nó thậm chí còn là vấn đề nghiêm trọng hơn ở những quốc gia có dân số già như Hàn Quốc. Khi giới trẻ tránh xa ngành nông nghiệp, gần một nửa số công nhân nông trại của đất nước hiện đã từ 65 tuổi trở lên. Và nhóm tuổi này đặc biệt dễ bị tổn thương do stress nhiệt.

Với nhiệt độ tăng cao trong mùa hè năm nay, tính đến đầu tháng 8, ít nhất 27 người ở Hàn Quốc đã thiệt mạng và nhiều người trong số họ là nông dân lớn tuổi.

Cho Chae-woon, một trưởng làng Deokpyeong-ri, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc cho biết: “Ngay cả khi cơ thể bị căng thẳng, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm công việc đó. Nông nghiệp đang thiếu lao động”.

Nhưng với nhiệt độ ở ngôi làng của anh vượt quá 38 độ C trong đợt nắng nóng gần đây, anh sẽ kích hoạt hệ thống truyền thanh công cộng bốn lần một ngày để cảnh báo người dân về các bệnh liên quan đến nhiệt.

Để tránh cái nóng, hội trường làng đã được chuyển đổi thành nơi trú ẩn, nơi có máy điều hòa không khí do chính phủ chi trả để duy trì nhiệt độ ở mức 25 độ C.

“Người già không bật điều hòa vì sợ hóa đơn điện tăng cao. Vì vậy, bằng cách… nhờ người già đến (đến nơi tạm trú), chúng tôi bật hai thiết bị ở đây thay vì một thiết bị ở mỗi hộ gia đình”, Cho nói. “Nhìn vào bức tranh toàn cảnh và đất nước chúng ta nói chung, điều đó có lợi hơn và nó cũng làm giảm việc sử dụng năng lượng”.

Đô thị cũng vật vã

Rời xa các trang trại, đây cũng là một mùa hè mệt mỏi đối với một số công nhân ở các trung tâm thành thị.

Hong Sung-wan, một công nhân Hàn Quốc, phải làm việc vài giờ mỗi ngày dưới nắng nóng để lắp đặt cáp mạng cho công ty LG HelloVision. Ông nói với báo CNA: “Khi tôi phải đứng cạnh cột điện trong một hoặc hai tiếng rưỡi, đôi khi tôi bị chóng mặt”.

Đó có thể là một đợt kiệt sức vì nóng, xảy ra khi cơ thể quá nóng. Tệ nhất, nó có thể dẫn đến say nắng, một tình trạng có thể gây tử vong. Nhưng Hong phải cố gắng hết sức. Người đàn ông 51 tuổi nói: “Bất cứ khi nào điều đó xảy ra, tôi đều nghĩ đến gia đình mình để cố vượt qua”.

Theo Nicolas Maitre, tác giả báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tác động của stress nhiệt đến năng suất, ở mức 33 đến 34 độ C, hiệu suất làm việc có thể giảm một nửa đối với những người làm những công việc đòi hỏi thể chất.

Tại Seoul, chính phủ đã thực hiện những thay đổi trong chính sách sau đợt nắng nóng kỷ lục năm 2018 đã giết chết 48 người trên cả nước - ít nhất là đối với những nơi làm việc do thành phố quản lý công khai.

Hwang Sung-won thuộc Ban An toàn và Phòng chống Thiên tai của Seoul đưa ra ví dụ về những công nhân phải làm việc 8 giờ/ngày để nhận được mức lương hàng ngày là 150.000 won (khoảng 110 USD). Ông nói: “Nếu họ phải nghỉ từ 2 giờ chiều đến 5 giờ chiều do nắng nóng vượt quá 35 độ C thì ba giờ đó sẽ được coi là giờ làm việc. Họ vẫn sẽ được trả lương”.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), nơi vừa trải qua mùa hè nóng kỷ lục, chính quyền đã ban hành hướng dẫn chống say nắng trong năm nay dựa trên hệ thống cảnh báo ba cấp.

Ví dụ: khi cảnh báo màu hổ phách có hiệu lực, những người lao động có khối lượng công việc thể chất vừa phải nên nghỉ giải lao 15 phút mỗi giờ. Ngoài ra còn có các cảnh báo màu đỏ và đen, lần lượt biểu thị mức độ căng thẳng do nhiệt “rất cao” và “cực cao”.

Đấy là với những ai phải ra đường làm việc. Nhưng ở trong nhà đôi khi cũng không mang lại nhiều sự nhẹ nhõm. Trong những khu nhà chật chội mà người Hồng Kông nghèo khó thường sống, hệ thống thông gió rất kém.

Ở khu vực Sham Shui Po, ông Wong Kwai Hoi sống trong một căn hộ rộng khoảng 6 mét vuông, gần bằng một nửa diện tích bãi đậu xe tiêu chuẩn ở Hồng Kông. Nó thậm chí không có cửa sổ.

“Nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi mà còn khiến cuộc sống trở nên khốn khổ. Thật không thể chịu nổi”, người đàn ông 65 tuổi đã nghỉ hưu nói. “Đôi khi tôi cảm thấy quá nóng đến mức chóng mặt và phải uống thuốc”.

Nhà ở dày đặc là “đặc sản” của Hồng Kông, và những khu rừng bê tông làm trầm trọng thêm sự tích tụ nhiệt thông qua cái gọi là “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”. Trong những trường hợp cực đoan, các thành phố có thể nóng hơn từ 10 đến 15 độ C so với khu vực nông thôn xung quanh.

Nhà sử học môi trường Fiona Williamson tại Đại học Quản lý Singapore lưu ý: “Bất kỳ vấn đề nào về thời tiết khắc nghiệt sẽ luôn ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Họ không có điều kiện sử dụng điều hòa không khí hoặc một số thứ mà những người giàu có hơn có thể giảm thiểu tác động của nhiệt độ”.

Phòng điều hòa 2 mét vuông và những giải pháp khác

Nắng nóng kỷ lục kéo theo nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng cao. Ở Trung Quốc, nhu cầu năng lượng để làm mát không gian đã tăng trung bình 13% mỗi năm kể từ năm 2000, so với khoảng 4% trên toàn cầu.

Tại Đông Nam Á, số lượng máy điều hòa không khí được dự đoán sẽ tăng từ khoảng 50 triệu vào năm 2020 lên tới 300 triệu vào năm 2040.

Một cụ già tại khu Sham Shui Po, Hồng Kông (Trung Quốc) trong căn hộ chật và nóng vì không có máy điều hòa nhiệt độ. Ảnh: SCMP

Tại Hàn Quốc, một số nhu cầu ngày càng tăng sẽ được chính phủ tài trợ, sau khi Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền vào tháng 6 đồng ý mở rộng chương trình hỗ trợ hóa đơn năng lượng tới khoảng 1,135 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp, từ mức 837.000 hộ trước đó.

Để tiếp tục giúp những người dân có thu nhập thấp chịu đựng cái nóng, chính quyền thành phố Seoul cho biết họ sẽ trợ cấp cho việc lắp đặt máy điều hòa không khí trong những ngôi nhà một phòng – nhỏ khoảng 2 mét vuông – được gọi là “jjokbangs”.

Nhưng chi phí năng lượng đang làm tăng thêm vấn đề về nhiệt. Nhu cầu điện ở Hàn Quốc tăng vọt trong tháng 8 lên mức cao kỷ lục. Cũng như nhiều nơi ở châu Á, điện ở nước này vẫn chủ yếu được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch.

Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore, ông Benjamin Horton cho biết: “Vì vậy, chúng ta cần suy nghĩ về các biện pháp khác nhau để giảm nhiệt độ ở các thành phố”.

Trong quá trình tìm kiếm các giải pháp khác, các kiến trúc sư và kỹ sư muốn xây dựng những tòa nhà có khả năng tự làm mát, chẳng hạn như Gaia - tòa nhà gỗ lớn nhất châu Á - tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore. Cùng là vật liệu xây dựng, nhưng gỗ không giữ nhiệt như bê tông.

Hệ thống điều hòa không khí của tòa nhà tiết kiệm năng lượng thông qua việc làm mát thụ động: đẩy nước lạnh qua các cuộn dây để làm lạnh không khí xung quanh, thay vì sử dụng thông gió cơ học. Được thiết kế với luồng không khí tự nhiên và các tấm pin mặt trời phía trên, Gaia là tòa nhà không tốn năng lượng.

Nhà sử học môi trường Fiona Williamson tại Đại học Quản lý Singapore cho biết: “Chúng ta chưa phải đối phó với các loại nhiệt… mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay. Có lẽ chúng ta mới chỉ quen với việc phải đối phó với những thứ như lũ lụt và hạn hán”.

Nhưng ngay cả bây giờ, lũ lụt vẫn tiếp tục tàn phá. Sự xuất hiện của cơn bão Doksuri vào cuối tháng 7 đã mang đến những trận mưa lớn nhất ở khu vực Bắc Kinh (Trung Quốc) kể từ khi hồ sơ bắt đầu được ghi nhận cách đây 140 năm.

“Nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu chúng ta tiếp tục tăng lượng phát thải khí nhà kính, nhiệt độ sẽ phá kỷ lục, các đợt nắng nóng, cháy rừng, những cơn bão… sẽ gây ra sự tàn phá to lớn. Và điều đó đã thành hiện thực”, Giám đốc Đài quan sát Trái đất của Singapore, Benjamin Horton, nhận định

Ông cho biết thêm rằng: "Các nhà khoa học khí hậu không ngạc nhiên về những hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay. Điều ngạc nhiên là chúng ta thiếu sự chuẩn bị… Chúng ta không đủ kiên cường trước những gì Mẹ Thiên nhiên sẽ làm với chúng ta".

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chau-a-lieu-co-the-doi-pho-duoc-voi-nang-nong-ky-luc-post266980.html