Châu Á chạy đua vũ trang để bắt kịp tàu ngầm Trung Quốc

Sự phát triển mạnh của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc đã hối thúc các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đẩy mạnh mua sắm vũ khí để bắt kịp Bắc Kinh.

Tháng 10/2006, một tàu ngầm điện-diesel của Trung Quốc được trang bị ngư lôi hạng nặng và tên lửa nổi lên gần tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ. Nhà báo Michael Fabey từng viết trong cuốn sách “Crashback” của ông “đó là lời cảnh báo từ Trung Quốc rằng các nhóm tàu sân bay Mỹ không còn có thể hoạt động tự do mà không bị trừng phạt”.

Gần 9 năm sau, Trung Quốc tiếp tục chứng minh sức mạnh hải quân đang phát triển của họ, khi một tàu ngầm điện-diesel tiếp cận gần tàu sân bay USS Ronald Reagan gần miền Nam Nhật Bản. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Washington Free Beacon rằng sự xuất hiện của tàu ngầm Trung Quốc dẫn đến chuông báo động trên Reagan, mặc dù không có dấu hiệu nào về hành vi đe dọa, hoặc gây nguy hiểm.

Mỹ vẫn sở hữu vùng biển ở Tây Thái Bình Dương với quyết tâm duy trì nó. Nhà báo Fabey nói với Business Insider trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2 rằng Trung Quốc đã phát triển mạnh về quyền lực hàng hải nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực. Sự tăng trưởng sức mạnh của Trung Quốc là điều đáng kinh ngạc.

Việc gia tăng sức mạnh của Hải quân Trung Quốc cùng với những động thái trên biển khiến các nước trong khu vực đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế sẵn có hay đặt ra các quy tắc mới có lợi cho họ.

Gia tăng trang bị

Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào năm 2017, từ năm 2002 đến nay, Trung Quốc đã chế tạo 10 tàu ngầm hạt nhân, gồm 6 tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân Type-093, lớp Shang I/II có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm và 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094, lớp Jin.

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bị phát hiện hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

“4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Jin đại diện cho hàng rào vũ khí hạt nhân đáng tin cậy đầu tiên của Trung Quốc”, trích báo cáo. Trung Quốc cũng vô tình tiết lộ kế hoạch đóng tàu ngầm tấn công tấn công hạt nhân mới yên tĩnh hơn và tàu ngầm hạt nhân chiến lược tiên tiến.

Tuy nhiên, hạm đội tàu ngầm điện-diesel là lực lượng tạo ra áp lực lớn nhất dưới mặt nước. Trung Quốc đang có khoảng 54 tàu ngầm điện-diesel nhưng không phải tất cả đều phục vụ. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Trung Quốc đang vận hành khoảng 48 tàu ngầm phi hạt nhân.

Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng Trung Quốc có thể gia tăng hạm đội tàu ngầm lên khoảng 70 tàu vào năm 2020. IISS nhận định Trung Quốc ít có khả năng đóng mới thêm nhiều tàu ngầm hạt nhân vào thời điểm đó mà có thể tập trung vào xây dựng tàu ngầm phi hạt nhân lớp Yuan.

Nhà báo Fabey cho rằng việc mở rộng hạm đội tàu ngầm hạt nhân đòi hỏi đầu tư nhiều hơn nữa vào đào tạo và bảo trì nhưng các tàu ngầm điện-diesel thì có tiềm năng hơn. “Các tàu ngầm điện-diesel được trang bị hỏa lực mạnh với ngư lôi và tên lửa có thể đe dọa bất kỳ tàu chiến nào của Mỹ”, ông Fabey nói.

Bên cạnh việc gia tăng số lượng, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc đang mở rộng tầm hoạt động ra khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 5/2016, một tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc lần đầu tiên thả neo tại cảng Karachi, Pakistan. Tháng 1/2017, một tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trên đường trở về sau chuyến tuần tra chống hải tặc ở Tây Ấn Độ Dương đã ghé thăm Malaysia. Một quan chức Malaysia cho biết đây là lần đầu tiên một tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc thăm nước này.

Tháng 1/2018, một tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bị phát hiện trên vùng biển tiếp giáp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh. “Bạn đang nhìn thấy tàu ngầm Trung Quốc hoạt động xa hơn và xa hơn nữa từ Trung Quốc. Các tàu ngầm Trung Quốc đang tuần tra thường lệ vào Ấn Độ Dương. Đây là một vấn đề rất lớn”, nhà báo Fabey nói.

Nhiều tàu ngầm hơn dưới mặt nước

Hải quân Mỹ đang vận hành 50 tàu ngầm hạt nhân nhưng nhiều tàu đã trở nên “già cỗi”. Một phân tích cơ cấu lực lượng gần đây cho biết Hải quân Mỹ cần 66 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương cho biết ông chỉ có một nửa số tàu ngầm cần thiết để đáp ứng các yêu cầu trong thời bình.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS North Dakota, lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Đô đốc John Richardson, Trưởng Bộ phận vận hành, Hải quân Mỹ cho biết việc thiếu lực lượng dự phòng có thể cản trở nỗ lực triển khai các tàu ngầm trong trường hợp xảy ra xung đột. Sự thiếu hụt tàu ngầm dự kiến tăng lên vào giữa những 2020. Giai đoạn này, việc chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia có thể bị chậm lại, khi Mỹ bắt đầu sản xuất tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Colombia vào năm 2021.

Ngân sách quốc phòng năm 2018 đề xuất việc tăng quy mô và tốc độ sản xuất tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia là giải pháp hợp lý nhất. Các nước láng giềng của Trung Quốc cũng đang tìm cách bổ sung các tàu ngầm, không chỉ tìm kiếm lợi thế quân sự mà còn duy trì sự cảnh giác trên “sân” của chính họ.

Tàu ngầm điện - diesel tương đối rẻ và các nước như Nga và Trung Quốc sẵn sàng bán chúng. “Bạn đang thấy sự gia tăng số lượng tàu ngầm điện - diesel, bởi vì chỉ với việc mua một vài tàu ngầm điện - diesel, một quốc gia có thể xây dựng lực lượng chiến lược”, nhà báo Fabey nói.

“Các nước trong khu vực đều là chủ nhà, vì vậy không cần thiết phải có tàu ngầm hạt nhân để hoạt động ở bất kỳ nơi đâu. Họ chỉ muốn những tàu ngầm nhỏ gọn, yên tĩnh đó là lý do tại sao tàu ngầm điện - diesel được ưa chuộng. Tàu ngầm phi hạt nhân khi hoạt động rất khó phát hiện”, ông Fabey cho biết thêm.

Một tàu ngầm của Nhật Bản trên biển vào năm 2014. Ảnh: Reuters.

Nhật Bản đang tăng cường sức mạnh hải quân. Họ có 18 tàu ngầm phi hạt nhân vào đầu năm 2016. Tháng 11/2016, Tokyo hạ thủy tàu ngầm phi hạt nhân lớp Soryu thứ 10 và trong tháng 3/2017 đã đưa vào hoạt động tàu ngầm lớp Soryu thứ 9. Những tàu ngầm này được trang bị hệ thống động cơ không khí tuần hoàn độc lập (AIP) có thể hoạt động liên tục dưới nước hơn 2 tuần. Tàu ngầm này rất yên tĩnh và có thể mang theo ngư lôi, tên lửa.

Indonesia đang vận hành 2 tàu ngầm phi hạt nhân và đang tìm kiếm các tàu ngầm mới có thể hoạt động ở vùng nước nông. Đài Loan sau nhiều nỗ lực mua tàu ngầm mới từ nước ngoài bất thành đã thông báo chương trình phát triển trong nước vào cuối năm 2017.

Ấn Độ đang có khoảng 15 tàu ngầm trong biên chế. Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên INS Arihant được đưa vào sử dụng cuối năm 2016. Tàu ngầm hạt nhân tiếp theo INS Aridaman được hạ thủy vào cuối năm 2017. INS Kalvari, tàu ngầm điện-diesel đầu tiên chế tạo trong nước theo giấy phép từ Pháp đã được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2017.

Trung Quốc cũng xuất khẩu nhiều tàu ngầm cho các nước trong khu vực. Bangladesh đã mua 2 và Pakistan đã mua 8 tàu ngầm. Thái Lan có thể mua 4 tàu ngầm từ Trung Quốc. Các nước mua tàu ngầm Trung Quốc dựa vào sĩ quan và kỹ thuật viên từ Bắc Kinh để hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng. Điều này góp phần mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Nhà báo Fabey cho rằng tàu ngầm chỉ là một phần trong nhu cầu phần cứng quân sự đang tăng ở khu vực Đông Á. Nó bùng nổ kèm theo sự không chắc chắn về cân bằng quyền lực trong khu vực. Sự e ngại về tăng trưởng của Trung Quốc bị chế ngự bởi sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng từ Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Mỹ từ trước và hiện nay để lại cho các nước trong khu vực, bao gồm các đồng minh sự không chắc chắn về vai trò của Washington.

“Phần lớn các nước châu Á đều sợ hãi về Trung Quốc và mặt khác, họ cần Trung Quốc để buôn bán. Nó đi với cảm giác Trung Quốc ở đây và Mỹ ở bên kia thế giới”, nhà báo Fabey nói.

Trung Quốc khôi phục vũ khí cũ với AI Trung Quốc đang biến xe tăng Type-59 cũ thành phương tiện chiến đấu không người lái được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI).

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chau-a-chay-dua-vu-trang-de-bat-kip-tau-ngam-trung-quoc-post828196.html