Chất vấn tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV: Thẳng thắn và trách nhiệm

Trong 2 ngày 15 và 16/11/2016, kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV đã tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi rất thẳng thắn,các Bộ trưởng đã trả lời trách nhiệm, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu nêu cũng như hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới.

Cố tình làm sai sẽ bị xử lý

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là người đăng đàn đầu tiên với nhiều câu hỏi về nguyên nhân thua lỗ, yếu kém và kém hiệu quả tại 5 “siêu dự án” do Bộ Công Thương quản lý; xả lũ tại các thủy điện Hố Hô; phân bón giả, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên chất vấn .

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, với 5 dự án thua lỗ, tồn đọng, còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, ở đây Bộ hiểu rằng, ĐBQH và cử tri còn mong muốn làm rõ hơn nữa những nguyên nhân, những vấn đề tồn tại của các dự án chưa hoàn thiện và hướng xử lý, khắc phục, trong đó có việc xem xét trách nhiệm để tránh tiếp tục xảy ra trong tương lai.

Vấn đề xem xét xử lý trách nhiệm cũng như bài học kinh nghiệm rút ra để bảo đảm không để tái diễn, xảy ra tình trạng tương tự cũng được đề cập. Theo Bộ trưởng trong vấn đề trách nhiệm cần làm cẩn trọng, đánh giá đầy đủ theo quy định chung của pháp lý.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ tiến hành rà soát lại thông tin mà báo chí nêu và đã có báo cáo Chính phủ đối với việc bổ nhiệm “người nhà” của 9 địa phương.

Trong thời gian rất ngắn, Bộ Nội vụ đã cử 3 đoàn công tác xuống làm việc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, ở từng giai đoạn khác nhau đều có khung pháp lý, có sự điều chỉnh và thay đổi, vì vậy cần có đánh giá đúng trong từng giai đoạn cụ thể đó để xem xét rõ trách nhiệm của các cấp, kể cả quản lý nhà nước, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, làm rõ những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân là do sự vô tình hay cố tình. Trách nhiệm nếu có, đặc biệt là vi phạm pháp luật, cố tình làm sai thì chắc chắn sẽ xem xét xử lý, kể cả là xử lý hình sự…

Đối với thủy điện Hố Hô và các thủy điện, ông Trần Tuấn Anh cho biết quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là không phát triển thủy điện, năng lượng bằng mọi giá. Hiện có 386 dự án thủy điện, chức năng quản lý nhà nước về thủy điện phân bổ cho một số bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương là bộ chủ đạo về quản lý về năng lượng và thủy điện.

Về vấn đề phân bón giả, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thị trường phân bón Việt Nam có sự cắt khúc, chia đôi: Một nửa là phân bón vô cơ, thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương, còn lại là phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh giao Bộ NN&PTNT quản lý từ cấp phép, đến sản xuất, kiểm soát việc hợp quy...

Hai bộ cùng quản lý phân bón, mà trong bối cảnh phân bón đa dạng, có nhiều loại hình khác nhau, chồng lấn giữa các loại phân bón. Điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo giữa hai cơ quan quản lý Nhà nước, vì vậy, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trong thời gian qua không được bảo đảm, kể cả với sản xuất và nhập khẩu phân bón.

Nhận trách nhiệm rõ ràng

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về xử lý sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Theo ông Phương, cử tri Quảng Bình ghi nhận và đánh giá cao những giải pháp tích cực của QH, của Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT trong việc giải quyết hậu quả của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân Quảng Bình cảm thấy băn khoăn với sự cố Formosa.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung là nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Chính phủ và các địa phương đặc biệt quan tâm. Bộ TN&MT là cơ quan chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Sau khi sự cố xảy ra, Bộ đã thành lập một lực lượng chuyên ngành gồm các nhà khoa học ở các viện khoa học có uy tín trên cả nước để cùng xem xét, đánh giá, yêu cầu phía doanh nghiệp phải có các biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể.

Có việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ

Chiều 16/11, phát biểu bổ sung sau giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi lời chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) đến toàn thể giáo viên trong cả nước, đặc biệt là giáo viên vùng biên giới, hải đảo.

Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã thay mặt Quốc hội, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn thể giáo viên, công chức, viên chức đang làm nghề trong ngành Giáo dục – đào tạo cả nước nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, chiều 16/11, phần lớn nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề “nóng” như: Tinh giảm biên chế, thực hiện Đề án vị trí việc làm, giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, công tác quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, xử lý về mặt Nhà nước đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng…

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc kiểm tra tình trạng bổ nhiệm nhiều cán bộ vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ và trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra khi để xảy ra tình trạng này và giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ nhận thấy việc bổ nhiệm nhiều cuối nhiệm kỳ là có, nhưng cần phân tích cho rõ là bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện và có quy hoạch. Vấn đề này cần có thời gian và Bộ Nội vụ sẽ tiến hành kiểm tra một số nơi, thanh tra công vụ để làm rõ.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tiến hành rất nhiều việc thanh tra công vụ, nhưng tập trung cho tổ chức biên chế, cụ thể là vấn đề thi tuyển công chức. Đối với vấn đề tổ chức đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, Bộ Nội vụ sẽ đặt đây là những nhiệm vụ trọng tâm về thanh tra công vụ trong năm 2017.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra đối với một số bộ, ngành, địa phương để chấn chỉnh việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và phải xem đây là công việc thường xuyên, đáp ứng cho được yêu cầu lãnh đạo, quản lý đối với từng cơ quan đơn vị”- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp nào để khắc phục tình trạng bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình nhưng một số cán bộ suy thoái, biến chất đã chọn người nhà mà không chọn người tài. Điều này đã gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của cử tri và nhân dân trong việc đề bạt và bổ nhiệm cán bộ.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ tiến hành rà soát lại thông tin mà báo chí nêu và đã có báo cáo Chính phủ đối với việc bổ nhiệm “người nhà” của 9 địa phương.

Trong thời gian rất ngắn, Bộ Nội vụ đã cử 3 đoàn công tác xuống làm việc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh trong việc bổ nhiệm cán bộ bảo đảm đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Việc lựa chọn cán bộ phải thông báo rộng rãi, minh bạch, dân chủ. Đồng thời, xem xét đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham mưu không đúng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm. Phải rút lại quyết định bổ nhiệm không đúng điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình trong trường hợp lãnh đạo quản lý như thời gian vừa qua.

Đ.Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chat-van-tai-ky-hop-thu-hai-quoc-hoi-khoa-xiv-thang-than-va-trach-nhiem-45424.html