Chất lượng sáng tạo điện ảnh và nhu cầu cuộc sống

(TGĐA) - Sau chặng đường dài, với bao đổi thay lịch sử long trời lở đất của đất nước, nhân dân ta hôm nay có quyền chính đáng đòi hỏi một cuộc sống, một mức sống phù hợp với điều kiện thực tế. Về vật chất, nền kinh tế sau Đổi mới đã dem lại những thành quả đáng kể, đáp ứng hiệu quả nhu cầu xã hội qua quá trình cải đổi cơ bản về cấu trúc cũng như chất lượng vận hành. Còn về tinh thần – trong khuôn vi bổn phận của Văn hóa Văn nghệ, trong đó có Nghệ thuật Điện ảnh, dù rằng đã trải qua không ít nỗ lực; giờ đây, vẫn còn đó những thiếu hụt to lớn, chưa thể đáp ứng được mong đợi cấp thiết của người dân và xã hội.

Nhiều ý kiến tại các cuộc hội thảo như thế này không nằm ngoài vấn đề cần nâng cao chất lượng tác phẩm hơn nữa

Nghệ thuật điện ảnh nảy sinh từ mọi mặt hoạt động của cuộc sống con người, có khả năng quay lại tích cực tác động vào các khía cạnh của cuộc sống, trở thành nhân tố góp phần cốt yếu làm đẹp, làm hưng thịnh cuộc sống – nhất là cuộc sống tinh thần; bởi văn hóa gắn liền và nằm trong chính trị, kinh tế, xã hội…đủ sức tạo nên những bộ mặt và những “chất giọng” đặc trưng khác nhau đối với tiến trình lịch sử đất nước, cũng như đối với đời sống con người. Nghệ thuật Điện ảnh thoát thai từ cuộc sống, hay chính xác hơn – cũng chính là cuộc sống, có nghĩa vụ bẩm sinh và trọng trách thiết thân phục vụ cuộc sống

Mọi hoạt động có mục đích của con người đều hàm giữ những nội dung định sẵn. Mọi nội dung hoạt động, dể đạt tới mục đích đã định, đều tích chứa mầm tư tưởng chủ đạo nhất định. Tư tưởng là yếu tố hoạch định nội hàm cũng như khuynh hướng tư duy, dẫn dắt hành động của cá thể cùng cộng đồng con người. Vậy nên, Tư tưởng là khởi điểm của mọi hành động, mọi kiểu sống. Nghệ thuật Điện ảnh là hoạt động tinh thần cao cấp, mang đậm yếu tố xã hội sâu rộng. Tác phẩm Điện ảnh là kết quả tinh thần và vật chất do hoạt động nghệ thuật hữu hiệu đem lại, cũng đồng thời là sản phẩm của tư tưởng. Nếu tư tưởng là công cụ của nhận thức và là khởi nguồn của hành động, thì tư tưởng trong tác phẩm Điện ảnh là linh hồn của tác phẩm đó, có vai trò chủ định trong quá trình tác nhiễm vào tư duy cũng như cảm nhận của con người, tạo cảm hứng đẹp và nhận thức sáng cho con người, hướng con người đi lên bằng những bước chân tự giác và sáng tạo. Theo một nghĩa khác, khi tác phẩm Điện ảnh không rỗng tuếch, không vô vị, mà chan chứa Chân-Thiện-Mỹ , thì có nghĩa là tác phẩm Điện ảnh ấy đã đạt tới một trình độ tư tưởng khả dĩ.

Tư tưởng tiến bộ có nhu cầu và cần được biểu đạt, quảng bá`tới cộng đồng đông đảo thông qua nhiều con đường khác nhau; nhưng trong đó, có lẽ nhanh chóng và hiệu quả vào bậc nhất, là con đường cao tốc rộng mở của Nghệ thuật Điện ảnh. Nghệ thuật Điện ảnh từ lâu đã vừa là phương tiện, vừa là hình thức lý tưởng chuyển tải, giao lưu tư tưởng giữa đông đảo công chúng .

Tư tưởng và Nghệ thuật trong tác phẩm Điện ảnh hoàn chỉnh, gắn bó và cân bằng nhau như hai vế của một phương trình, vế này gắn kết chặt chẽ với vế kia, và cả hai luôn trong mối tương quan hài hòa. Tác phẩm không hàm chứa một chất lượng tư tưởng cần thiết, hay một nội dung được định hướng hợp lý; tác phẩm ấy có khả năng trở nên vô nghĩa hoặc vô bổ trước nhu cầu làm giàu kiến thức cũng như làm đẹp tâm hồn con người và cuộc sống. Khi tác phẩm Điện ảnh không được diễn đạt bằng một trình độ chất lượng nghệ thuật cần có, nội dung - tư tưởng của tác phẩm sẽ chỉ trơ ra là thứ nguyên liệu thô sống, khó thể khai mở con đường ngắn ngọt ngào tiến vào tâm hồn, hoặc thâm nhập nhận thức người xem một cách tự nhiên và hiệu quả. Muốn tác phẩm Điện ảnh đạt giá trị cao, có đời sống lâu bền trong không gian và thời gian; phải coi mối quan hệ tương ứng giữa Nội dung tư tưởng với Nghệ thuật thể hiện là mối quan hệ mang tính quy luật, quy củ, tự tại và bất di bất dịch. Trong lúc hệ tư tưởng bao quát hàng loạt tín niệm, thì hệ giá trị dung chứa hệ thống các định mức được xác định bỡi chuẩn mực xã hội đương thời. Giá trị - do đó tồn tại vừa bằng dấu ấn chủ quan của con người vừa bằng sự hiện hữu của tiêu chuẩn khách quan mà cuộc sống xác định, đồng thời nó luôn cho thấy rằng bất cứ cái gì có giá trị cao đều mang ý nghĩa lớn về “lợi ích” mà nó có thể đem về. Và cái có giá trị cao luôn là cái xuất sắc, nổi bật, tinh tế, uyên bác, thông thái – và thường khan hiếm.

Chính các giá trị trong đời sống con người là đối tượng mô thuật của Nghệ thuật Điện ảnh, cũng là tiêu chuẩn định giá giá trị mà tác phẩm Điện ảnh có thể đạt tới. Giá trị đó không nằm ngoài khuôn khổ của thế giới hiện thực mà con người đã, đang và sẽ sống – trong đó luôn chộn rộn, xoay đảo bao tư duy, bao nhu cầu, hoài bão và lý tưởng của con người.

Giá trị của tác phẩm Điện ảnh là giá trị tích hợp của các giá trị tư tưởng, nhận thức, tu dưỡng, thẩm mỹ, nghệ thuật, đạo đức…nghĩa là toàn bộ các phương diện có ý nghĩa hun đúc hạnh phúc con người. Chất lượng của tác phẩm Điện ảnh – cũng chính là giá trị của nó, được xác định bởi kết quả kết tinh các giá trị tư tưởng, thẩm mỹ cùng tính độc đáo trong nghệ thuật thể hiện mang đậm dấu ấn dân tộc và thời đại. Tác phẩm Điện ảnh có giá trị cao , vì vậy không phải là tác phẩm đứng ngoài các hiện tượng đặc biệt của cuộc sống cùng các mối quan hệ tiêu biểu của xã hội. Trái lại, tác phẩm Điện ảnh có giá trị cao phải là tác phẩm hàm chứa nội dung phong phú, được khái quát và điển hình hóa tiêu biểu và được phản ánh đa dạng, sinh động, độc đáo. Thưởng thức tác phẩm giá trị cao là cơ hội đẹp được bắt gặp những hình tượng tiêu biểu được trau dũa sống động, hài hòa, nổi bật; ẩn chứa sức mạnh tâm tuệ hùng hậu cùng sức biểu cảm đầy ma lực, minh chứng sức sáng tạo đáng khâm phục của tác giả; vừa phát lộ những hiện thực tiêu biểu, vừa phát hiện, dự báo những vấn đề được công chúng quan tâm.

Về nội dung tư tưởng, tác phẩm Điện ảnh có giá trị cao luôn là nơi kết tinh nhiều giá trị vật chất và tinh thần, tri thức và thông tin, trải nghiệm và hoài bão của đời sống cũng như của xã hội. Ở đó, lý tưởng xã hội, giá trị nhân sinh, chuẩn mực đạo đức, hoài vọng nhân văn…là những hạt giống làm tốt tươi địa đàng Chân-Thiện-Mỹ mang sắc thái dân tộc. Người nghệ sĩ - chủ nhân của những tác phẩm có giá trị, trong lúc bao quát toàn diện các khía cạnh nhân sinh, không quên hướng cảm hứng chủ đạo của mình về cái anh hùng, cái cao cả, cái đẹp tươi; cũng không bỏ qua thiên chức chiến đấu của ngòi bút tích cực trước tệ nạn xã hội, chủ nghĩa cá nhân mê muội; đưa ra những cảnh báo tương lai về những nguy cơ chủ quan và khách quan đối với con người, với xã hội….

Muốn đạt tới giá trị cao, không có lối rẽ nào khác, tác phẩm Điện ảnh phải đồng thời đạt giá trị cao trong cả hai phạm trù chủ yếu của tác phẩm là nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện . Tư tưởng được chuyển tải trong tác phẩm Điện ảnh có giá trị luôn phải phù hợp với tư tưởng chủ lưu của thời đại: thể hiện sâu sắc ước vọng hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ, thịnh vượng của con người; quyết liệt chống lại mọi tiêu cực tệ nạn xã hội, nhằm xây dựng cuộc sống tiến bộ, công bằng, văn minh. Bên cạnh đó, giá trị nghệ thuật thể hiện của tác phẩm cũng phải luôn được gìn giữ trong mối quan hệ cân bằng, phù hợp với tư tưởng nội dung tác phẩm qua việc tôn trọng và không ngừng sáng tạo trong quá trình khai thác, biểu đạt ngôn ngữ loại hình; làm chủ quá trình xử lý nghệ thuật đối với hệ thống thủ pháp biểu hiện chuyên ngành, vun đắp giá trị chân thực nghệ thuật của hình tượng, đồng thời hết mức coi trọng tính độc đáo của bản sắc dân tộc gắn nhuần nhuyễn với đặc tính đương đại của hình tượng miêu tả. Kết hợp hài hòa, tinh tế giá trị tư tưởng với giá trị nghệ thuật trong một tác phẩm Điện ảnh là chìa khóa vàng mở ra cánh cửa đi tới thành công; có thể bổ sung, uốn nắn nhận thức; đồng thời có thể cải biến, làm phong phú tâm hồn người thưởng thức trong toàn bộ chu trình tự giác tiếp nhận.

Nhân văn, dân chủ là những phạm trù đặc trưng của thế giới văn minh, của xã hội tiến bộ. Là yếu tố cốt lõi của văn minh, nhân văn dự phần trọng yếu trong việc hình thành “tính người”, chế ngự mặt trái trong bản chất con người, nối kết giữa những con người và giữa con người với xã hội. Bên cạnh đó, tự do, dân chủ là khát vọng nguyên thủy tự nhiên của con người, là một trong những minh chứng hùng hồn của văn minh, tiến bộ. Mặt khác, nhân văn không phải là cái gì xa lạ mà chính là phần quan trọng trong phạm trù văn hóa của loài người. Tác phẩm Điện ảnh thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ, cũng có nghĩa là thấm đượm ý nghĩa nhân đạo văn minh – nó mang đậm tính người và khớp hợp với lẽ tự nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “ Xã hội nào, nghệ thuật ấy”. Chúng ta đang cật lực phấn đấu, từng bước gầy dựng một xã hội nhân văn, dân chủ, tiến bộ; vì vậy. tác phẩm Điện ảnh – một trong những lá cờ lớn của mặt trận văn học nghệ thuật, đương nhiên có nghĩa vụ cổ vũ mạnh mẽ và hiệu quả cho mục tiêu có tính bản chất ấy. Điều đó cũng có nghĩa là yếu tố nhân văn - dân chủ phải trở thành chất giọng chủ yếu trong tác phẩm Điện ảnh của chúng ta.

Mục tiêu, cũng là ước vọng cháy nóng của mọi thế hệ trong mọi thời đại là hướng về xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Để làm được điều đó – để xây dựng nên cái lâu đài lý tưởng ấy, không thể không cần tới những con người tương xứng. Vô cùng phong phú, đa đoan và phức tạp, con người là một thực thể luôn biến động, đổi thay trong mọi không gian, thời gian. Để tiến gần tới ước vọng ấy, từ xa xưa, bằng hệ thống tác phẩm Điện ảnh qua các thời kỳ, các thế hệ…con người đã được nuôi dưỡng, bồi bổ bằng hệ thống các hình tượng có giá trị dưỡng dục, hướng đạo. Để phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống; buộc phải đầu tư toàn diện và đầy đủ vào nguồn lực con người. Năng lực con người chẳng những phụ thuộc vào trí năng nghề nghiệp, còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng tư duy cũng như phẩm cách đạo đức…và cả hai yếu tố ấy, một phần quan trọng có được là từ kết quả của quá trình hun đúc, thôi thúc bởi các hình tượng văn học nghệ thuật nhớ đời, trong đó có nghệ thuật Điện ảnh. Bởi, là chủ thể phát triển và là trung tâm của chiến lược phát triển xã hội, con người trưởng thành qua nhiều kênh đào luyện, trong đó, tác phẩm Điện ảnh chiếm phần nổi bật. Có lẽ, không gì hiệu quả hơn nghệ thuật Điện ảnh trong công cuộc bồi đắp tâm hồn, đức hạnh – lĩnh vực tinh hoa, cốt lõi của con người. Để chinh phục, rèn dũa con người trở nên mạnh mẽ, cao cả; nghệ thuật Điện ảnh phải thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu vì con người, cho con người; đứng vững trên nguyên tắc sáng tạo và miêu thuật xuất phát từ gốc của chân thiện mỹ - vì chân thiện mỹ và cho chân thiện mỹ; không ngừng đề cao đạo đức nhân cách nhằm bồi bổ ý thức và cảm nhận liêm sĩ, danh dự. Ba yếu tố Chân-Thiện-Mỹ , từ truyền thống, luôn được coi là chuẩn mực sáng tác nhân văn, tiến bộ, là một loại ý tưởng thẩm mỹ. Khi quan niệm về “Chân” thay đổi, quan niệm về “Thiện” và “Mỹ” cũng thay đổi theo cho phù hợp. Về mặt thủ pháp, có thể dùng “Thiện” và “Mỹ” để biểu lộ, cân bằng “Chân”. Tuy nhiên không nên quan tâm nghiêng lệch về Chân”, mà cần gắn kết nó với “Thiện” và “Mỹ”. Bỡi về bản chất, “Chân” không hoàn toàn mang nghĩa là “ sự thực”, mà chỉ là “cảm xúc thực”. Do đó, nệ thực, tả thực đơn thuần sẽ không đáp ứng toàn diện đòi hỏi thưởng thức và tác động thẩm mỹ, vì vậy không nên lấy nó làm tiêu chuẩn cơ bản của nghệ thuật biểu đạt. Đồng thời, trong điều kiện hiện nay của cuộc sống, để xây dựng con người – một cách tổng quát, cần kết hợp hài hòa các cơ chế pháp trị - văn trị - nhân trị trong một tổng thể quản lý xã hội nhằm đạt hiệu quả toàn diện nhất.

Những tác phẩm đạt tới độ cân đối giữa các giá trị tư tưởng và nghệ thuật, luôn có sức thu hút nội tại thực chất và có sức lan tỏa sâu rộng. Nó còn có tác dụng khai mở và gây dựng chí hướng, tạo lập giải pháp cho con người hướng thiện đi lên; cho xã hội phát triển, tiếp cận văn minh.

Như là một quy luật hiển nhiên của cuộc sống, tác phẩm Điện ảnh nào có khả năng phản ánh trung thực và sinh động các khía cạnh của cuộc sống, có khả năng đem lại những cảm xúc tự nhiên và sâu sắc; thì luôn có cơ hội xâm nhập sâu vào cá thể cũng như vào cộng đồng người thưởng thức, tạo nên khả năng thức tỉnh sâu xa. Mặt khác, nghệ thuật Điện ảnh có xu hướng “đến trễ”, không bắt kịp các trạng thái diễn biến của cuộc sống, do hiện tượng chậm trễ khách quan của nó trong quá trình tiếp cận, miêu thuật cuộc sống. Để đạt hiệu ứng cao nhất, sáng tạo Điện ảnh cần gắn chặt với thực tiễn đánh giá và thưởng thức của xã hội, quan tâm đầy đủ, hiệu quả mối quan hệ Thời đại – Tác giả - Công chúng trong nguyên lý “ Văn nghệ là tấm gương phản chiếu thời đại” .

Chức phận của nghệ thuật Điện ảnh là như vậy, vừa cao cả nặng nề, vừa vinh quang tinh tế. Song le, không phải bao giờ và ở đâu những người làm Điện ảnh cũng hoàn thiện chức phận của mình. Có thể thấy, ngay trong giai đoạn này, không ít nghệ sĩ có xu hướng ngoảnh mặt với dòng thác chính đang ào ạt cuộn chảy của cuộc sống. Bộ mặt mới của đất nước sau Đổi mới với hàng loạt đề tài phong phú, sự kiện căng phồng, quan thiết và thú vị, như cuộc thay da đổi thịt của các đô thị, gương mặt mới của nông thôn, với hàng loạt dung nhan tươi tắn mang tính thời đại của các trí thức, doanh nhân, chiến sĩ, người lao động trên mọi nẻo đường…Nhiều chủ đề lớn, đầy thôi thúc của cuộc sống đương đại đang diễn ra hàng ngày không ai không nhìn thấy. như vô vàn những thành tựu kiến quốc và không hiếm những tấm gương dấn thân vì nghĩa cả của đủ các tầng lớp cư dân thời nay…nhưng chưa đượ̣c chú trọng khơi xới. Bên cạnh đó, nhiều người làm phim hôm nay cũng chưa để tâm đúng mức tới đầy dẫy những bất cập đang tồn tại đan xen, cần bị lật mặt tiêu trừ như tệ cá nhân vô liêm, tệ tham nhũng lãng phí tràn lan trơ trẽn, hố phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu rộng… Nghệ thuật Điện ảnh đang có phần tỏ ra thiếu hào khí trong tư thế nồng nhiệt công dân và nghệ sĩ. Thói lười nhác, xa rời thực tế, chủ quan và cẩu thả đã đẻ ra không ít những thước phim thiếu vắng ánh hào quang, nồng hơi ấm của đời sống; trở nên lạnh lẽo và nhợt nhạt bản sắc. Quan niệm ưu tiên giải trí hay giáo dục không ngớt va đập nhau trên lý lẽ cũng như trong thực tiễn sáng tác, khiến dòng chảy sáng tác luôn quanh co gập ghềnh, khó xuất hiện những tác phẩm có giá trị toàn diện. Giải trí là nhu cầu tự nhiên, luôn có chỗ đứng riêng của nó. Song, sẽ trở nên vô nghĩa, vô bổ và gây cụt hứng, nếu đó là thứ giải trí đơn thuần, giải trí vô cảm. Bên cạnh cảm giác thư giãn, người thưởng thức cần hơn nhiều những nguồn thông tin, những loại kiến thức mới, để vừa có thể mở mang trí tuệ vừa bồi bổ tâm hồn, rèn dũa nhân cách và hun đúc tình yêu…

Phim Bao giờ cho đến tháng 10 được CNN bình chọn là một trong những bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại

Đứng trước hiện thực đất nước hôm nay và trước đòi hỏi khách quan của cuộc sống, rõ ràng là chúng ta đang thiếu những tác phẩm Điện ảnh có giá trị cao. Một nghịch lý oái oăm đang diễn ra quanh ta: trong lúc cuộc sống đang chứa đựng và không ngừng nảy sinh vô vàn chất liệu dành cho sáng tác, thì sáng tác Điện ảnh lại chưa bám sát đời sống, còn quá mỏng nhẹ. Chưa đau đáu da diết, chưa bị ám ảnh tự đáy lòng bỡi cuộc đời này; cũng chưa quyết liệt trăn trở để trưởng thành, để tự nâng cao hiểu biết và tài năng của mình; người nghệ sĩ khó có thể sánh vai cùng thời cuộc, khó có thể sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cao, có thể hội đủ tư thế lĩnh xướng.

Để sáng tạo ngày càng nhiều tác phẩm Điện ảnh giá trị cao, người nghệ sĩ trước hết cần dấn thân vào thực tiễn đầy hấp lực, đồng thời cũng đầy gian lao của cuộc sống, và cần mẫn chiếm lĩnh mỏ vàng chất liệu quý giá đang kết tụ từng ngày của đất nước, kiên trì tinh luyện thành sản phẩm hoàn hảo. Người nghệ sĩ còn cần cần mẫn nuôi ý chí tự cường sáng tạo ngay trên mảnh đất quê hương mình, không bắt chước sao chép, hạ thấp giá trị tác phẩm. Lại cần đề cao niềm tự tôn dân tộc, tận dụng lịch sử, lấy lửa của quá khứ bồi đắp cho hiện tại, gắng công xây dựng hệ giá trị nhân cách người Việt mới qua các loại tác phẩm có sức thuyết phục tự nhiên. Đối với phía chủ thể hỗ trợ công cuộc sáng tạo, cần nhận thức rõ và đầy đủ vai trò trọng yếu của nghệ thuật Điện ảnh trong xã hội và đời sống hôm nay, trước những bước tiến lịch sử của đất nước đi vào công nghiệp hóa hiện đại hóa, bên cạnh đó, cần tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đánh giá đúng thực tế để xây dựng chế độ đối đãi xứng tầm với đội ngũ “kỹ sư tâm hồn”này.

Tạo dựng và thực thi thành công cơ chế sáng tạo tác phẩm Điện ảnh có giá trị cao là góp phần hữu hiệu đổi mới gương mặt văn hóa, thúc đẩy nâng cao trình độ dân trí, từng bước hoàn thiện hệ thống thượng tầng kiện trúc của xã hội. Từ đó có thể trực tiếp tham gia bênh vực, đề cao tích cực xã hội, đẩy lùi tệ nạn xã hội cùng hiện tượng xuống cấp ngày càng phổ biến và mang tính cơ cấu đối với nhân cách, đạo đức con người.

Hoạt động sáng tạo Điện ảnh có bổn phận và nghĩa vụ, bằng phương thức của mình, bằng hàng loạt tác phẩm có giá trị cao, góp phần tích cực soi tỏ con đường đi tới của đất nước chúng ta trong giai đoạn mới, nhiệt tâm góp phần bồi bổ tâm hồn, đào luyện thế hệ trẻ, đáp ứng đòi hỏi xây dựng con người và xã hội mới, phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

PGS.TS Trần Luân Kim

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/index.php?catid=35:dien-anh&id=8319:-cht-lng-sang-to-in-nh-va-nhu-cu-cuc-sng-&Itemid=34&option=com_content&view=article