Chất lượng nguồn nhân lực nhìn từ tuyển sinh lớp 10

Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội công bố về việc thi 3 môn để tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025, cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều thở phào sau một thời gian thấp thỏm.

Thí sinh dự thi lớp 10 tại Hà Nội năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Theo đó, các thí sinh sẽ thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ để lấy điểm tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024 - 2025. Khối trường ngoài công lập, sẽ xét tuyển sớm bằng học bạ cấp THCS và cả bằng phương thức xét điểm thi nói trên. Như vậy đây là năm thứ 3 liên tiếp, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội không có môn thứ 4. Với học sinh (HS), việc học và thi là lẽ đương nhiên, nhưng đa số phụ huynh bày tỏ mong muốn, những năm tiếp theo, thành phố công bố sớm phương án thi tuyển như nhiều tỉnh thành khác đã làm, giúp HS ổn định tâm lý học, giáo viên ổn định tâm lý dạy và phụ huynh ổn định tâm lý để chăm sóc hỗ trợ con cái.

Năm 2024 Hà Nội chia 12 khu vực tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Việc phân chia khu vực tuyển sinh nhằm bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất về địa giới hành chính, giúp HS không phải di chuyển quá xa để đi học. Riêng Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây được tuyển HS vào lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố (không phân biệt khu vực tuyển sinh).

Theo hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội, các trường THPT tư thục ở Hà Nội áp dụng phương thức xét tuyển vào lớp 10. Điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm 2024 là HS được đăng ký dự tuyển trực tuyến trên cổng thông tin tuyển sinh của trường bắt đầu từ ngày 19/4 tới đây. Sở GDĐT mong muốn với hơn 100 trường THPT tư thục trên địa bàn, gánh nặng quá tải ở các trường THPT công lập sẽ được san sẻ.

Đến thời điểm này, rất nhiều trường THPT tư thục tại Hà Nội đã tiến hành tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển sớm. Những ngày qua, trước cơn sốt đặt cọc vào trường tư, động thái “tuýt còi” chấn chỉnh việc thu tiền đặt cọc ở một số trường của Sở GDĐT được đánh giá là sự vào cuộc có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trước quyền lợi của người học. TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học giáo dục tâm lý Việt Nam cho rằng, cần phải nhìn nhận khách quan với các trường tư khi vừa cần tuyển sinh đủ chỉ tiêu, vừa cần chọn được HS có chất lượng. Theo đó, mức “cọc” bao nhiêu cần được tính toán trên tinh thần chia sẻ và nhân văn. Sở GDĐT Hà Nội cần là trọng tài để bảo đảm hai bên đều ưu tiên quyền lợi học tập của HS.

Câu chuyện tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội không mới; năm học sau tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS dự tuyển vào lớp 10 luôn tăng cao hơn năm trước, cũng là chuyện bình thường. Bởi việc gia tăng dân số cơ học ở các khu đô thị mới vẫn đang không ngừng diễn ra. Tuy nhiên, việc sẽ là không bình thường nếu như cứ để mãi tâm lý trông ngóng việc công bố môn thi, cộng với nỗi lo không vào được trường công, đẩy áp lực học - thi vào lớp 10 thành nỗi ám ảnh vô cùng nặng nề trên vai những học trò lớp 9. Đó là chưa nói những lãng phí trong hướng nghiệp, phân luồng sau bậc học THCS đã được đề cập từ lâu, nhưng vẫn đang làm rất nửa vời.

Thống kê của Sở GDĐT Hà Nội qua các năm cũng cho thấy, dù số lượng HS tham gia học nghề có tăng nhưng vẫn chưa đáng kể so với mục tiêu đề ra. Ví dụ, năm 2020 - 2021, toàn thành phố chỉ có hơn 15.000 em học nghề; năm tiếp theo có hơn 17.000 em. Năm 2023 - 2024, Hà Nội có hơn 129.000 HS tốt nghiệp THCS, số lượng HS tuyển vào các trường THPT công lập hơn 78.600 em nhưng chỉ có hơn 17.000 HS (chiếm tỉ lệ 13,4%) vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Về vấn đề phân luồng sau bậc THCS, nhất là tại những địa bàn lớn như Hà Nội, TPHCM để góp phần giảm áp lực vào lớp 10 trường công, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) đã nhiều lần chỉ ra rằng, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề vô cùng quan trọng. Một trong những vấn đề quan trọng, thiết thực đó chính là phân luồng lao động. Tại Việt Nam, lực lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất lớn dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, làm việc, thu nhập không cao. Trong khi, tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới họ đã thực hiện tốt việc phân luồng từ sau bậc THCS. Khi học xong kiến thức nền tảng (hết lớp 9), chỉ những em giỏi, có năng lực nghiên cứu, phát triển chuyên sâu mới tiếp tục học lên THPT và ĐH, những em khác định hướng học nghề. Có như vậy, mục tiêu thực học, thực nghiệp mới thực sự đạt hiệu quả.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chat-luong-nguon-nhan-luc-nhin-tu-tuyen-sinh-lop-10-10276466.html